Bộ máy hành chính minh bạch nhờ CNTT
Phát biểu tại hội thảo “CNTT trong phát triển chính sách và tăng cường hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước” diễn ra ngày 9/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Thông qua hoạt động tin học hóa quy trình nghiệp vụ, bộ máy hành chính nhà nước sẽ thể hiện sự phân định trách nhiệm rõ ràng, giảm thiểu sự trùng lặp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp; chỉ đạo điều hành của Chính phủ sẽ nhanh chóng, chính xác hơn, hoạt động của cơ quan công quyền được kiểm soát tốt hơn trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, người dân có nhiều cơ hội để giám sát chất lượng quản lý, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật…
Ông Phùng Văn Ổn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho hay: Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Từ Luật CNTT (năm 2006), Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tới Chỉ thị 58-CT/TW, Nghị quyết 49/CP, Đề án 112, Nghị quyết 26/2015, Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử… đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hiện thực hóa các chủ trương, quyết tâm chính trị thúc đẩy cải cách hành chính.
Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo, hiện nay hiệu quả hoạt động, chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước được nâng cao, chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng được đẩy mạnh giúp giảm thiểu chi phí dịch vụ, đi lại… cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương, bộ ngành đã đưa vào ứng dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử, đưa ra dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, nhiều bộ ngành, tổ chức chuyển sang họp trực tuyến thay cho hình thức họp truyền thống.
Nỗ lực của các bộ ngành, địa phương đang góp phần giúp cho thủ tục hành chính được đơn giản hóa, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính rõ ràng và phù hợp hơn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cơ quan hành chính được cải thiện… Có thể kể đến địa phương, bộ ngành ứng dụng CNTT hiệu quả như hệ thống thông tin chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng, hệ thống thông quan tự động, cơ chế một cửa quốc gia được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả, lợi ích thiết thực.
Khó cải cách nếu ứng dụng mang tính hình thức
Dù vậy, theo ông Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều nơi dù hô hào rất lớn nhưng việc ứng dụng CNTT để cải cách hành chính còn hạn chế; hệ thống hành chính vẫn còn nhiều yếu kém, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tính phục vụ người dân và doanh nghiệp còn thấp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trường Huy (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định tại nhiều địa phương, việc ứng dụng CNTT còn mờ nhạt, mơ hồ. Tính hình thức vẫn còn khá phổ biến, việc ứng dụng CNTT chưa trở thành nhu cầu tất yếu của hành chính, sự gắn bó giữa ứng dụng CNTT và cải cách hành chính chưa được đảm bảo cũng như hiệu quả ứng dụng CNTT còn thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, thực tế hiện nay đòi hỏi có những giải pháp nhằm gắn kết ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, phát huy tối đa các ưu thế của CNTT, đáp ứng kỳ vọng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.
Tại hội thảo, đại diện một số chuyên gia đến từ trong nước và Hàn Quốc cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải cách hành chính, thực tế cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa kế hoạch cải cách hành chính và CNTT, đồng thời những người làm CNTT cần đưa ra bằng chứng thuyết phục về hiệu quả ứng dụng CNTT.
Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là giữa Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT phải có sự gắn kết chặt chẽ.
Ông Phùng Văn Ổn cho rằng, ứng dụng CNTT, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước là công việc phức tạp vì dựa trên cơ sở công nghệ cao và liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước đến quá trình cải cách hành chính, đòi hỏi tính thống nhất cao trong toàn hệ thống hành chính nhà nước.
Cũng theo ông Ổn, quá trình tin học hóa còn tiếp tục trong nhiều năm và phải được cập nhật, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Cần coi trọng công tác đào tạo tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước.
“Hệ thống dù có xây dựng tốt đến đâu về công nghệ vẫn không thể vận hành tốt nếu chính cán bộ, công chức, người làm việc trong hệ thống hành chính chưa biết vận hành máy tính cũng như chưa có kỷ luật vận hành máy tính”, ông Phùng Văn Ổn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Huy, theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP, yêu cầu ứng dụng CNTT hiệu quả trong cơ quan Nhà nước phải đảm bảo công khai, minh bạch thông tin; đảm bảo bảo vệ thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước nắm giữ trên môi trường mạng. Cùng đó là việc đẩy mạnh số hóa thông tin và lưu trữ dữ liệu, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm…
Đưa ra gợi ý cho Việt Nam, ông Tai-in Kim, Chuyên gia CNTT đến từ Hàn Quốc cho rằng, một vấn đề then chốt là phải đảm bảo các nguyên tắc về sự minh bạch, tin cậy. Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi nền hành chính trong mỗi giai đoạn cần có sự linh hoạt trong ứng dụng CNTT, đưa ra các dịch vụ trên môi trường Internet đáp ứng các yêu cầu.
“Ngoài ra, đó còn là vai trò của người lãnh đạo trong phát triển CNTT, cần có đầu tư ngân sách phù hợp cho đào tạo, phát triển nhân lực CNTT, hàng rào pháp lý phù hợp cho việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính…”, ông Tai-in Kim nói.