Nhắc đến ông Nông Văn Thắng (SN 1955, trú tại thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) nhiều người vẫn vui vẻ gọi ông với biệt danh “vua sưa đất Bắc”.

{keywords}
Vườn sưa đỏ hàng ngàn cây của gia đình ông Thắng nằm dưới thung lũng ở Tuyên Quang.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho ông Thắng biệt danh như vậy. Lý do là vì ông đang sở hữu một vườn sưa đỏ tới hàng ngàn cây rất giá trị. Những cây lâu năm thì hơn 10 năm, những cây mới cũng trồng được 5-7 năm.

Cuối năm 2017, phóng viên đã có dịp ghé thăm vườn sưa của ông Thắng. “Kho báu” này nằm ở sâu bên trong một thung lũng của xã Đức Ninh, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi cao chót vót. Ngoài sưa đỏ, ông Thắng còn trồng rất nhiều cây ăn quả khác như bưởi, mít, cam… và thả thêm gà, nuôi thêm cá.

Ông Thắng tâm sự, năm 2006, gỗ sưa là hàng “hot” trên thị trường, được thương lái tìm mua với giá rất cao. Khi ấy, ông đang là Chi hội trưởng Nông dân tập thể của thôn Đồng Danh.

{keywords}
 Các cây sưa có tuổi đời từ khoảng 5 năm tới hơn 10 năm.

Một lần tình cờ, ông Thắng đọc trên báo thấy ở Vĩnh Phúc có mô hình trồng sưa rất thành công. Ông cùng một vài người trong chi hội thuê ô tô lặn lội lên tận Vĩnh Phúc tìm nguồn giống.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm, ông mua hàng trăm cây giống về trồng ở vườn nhà. Nhận thấy giá trị kinh tế của sưa, cây lại rất hợp đất, hợp khí hậu ở Đồng Danh, ông Thắng mua thêm cây về trồng.

Cứ thế, mỗi năm ông Thắng trồng thêm một ít cây. Ông ươm cả cây giống rồi trồng, đất trống chỗ nào là ông trồng sưa vào chỗ đó.

{keywords}
Cây sưa “tổ” trước cửa nhà ông Thắng đã được bán với giá hơn 500 triệu đồng.

Ngày 26/11/2020 (tức sau khoảng 3 năm), PV liên lạc lại với ông Thắng. Ông chia sẻ, hiện vườn sưa của gia đình ông vẫn phát triển tốt. Hằng ngày, ông Thắng vẫn quanh quẩn làm bạn với ruộng vườn, chăm sóc vườn sưa, vườn bưởi, ao cá…

Có một sự thật mà ông Thắng tiết lộ, là đến hiện tại, ông chẳng nhớ nổi mình đã trồng bao nhiêu cây sưa, nhưng ông ước tính lên tới khoảng 3-4 ngàn cây. Với diện tích đất khoảng 4ha, có những khu trồng sưa mà tới 2-3 năm nay ông Thắng chưa đến thăm nom.

Ông Thắng cho biết thêm, so với thời điểm cách đây 3 năm, ông đã bán đi 25 cây sưa trong vườn nhà, thu về không dưới 2 tỷ đồng. Đặc biệt, ông đã bán đi cây sưa “tổ”, to và thẳng nhất trong vườn.

“Tôi không có ý định bán cây đó đâu, nhưng hồi đầu năm nay, do không để ý nên nó bị nấm cành, không bán sẽ hỏng. Cây có đường kính lõi khoảng 30cm, bán được hơn 500 triệu đồng”, ông Thắng nói.

Khi phóng viên hỏi về nỗi lo mất trộm, ông Thắng cười xòa. Ông nói, do đường vào khu nhà ông là đường độc đáo, không có lối ra khác, xung quanh nhiều anh em, họ hàng nên không sợ mất trộm.

Thêm nữa, ông Thắng còn tham gia vào một hội những người trồng sưa ở miền Bắc. Những thương vụ buôn bán gỗ sưa nào hầu như mọi người đều nắm được hết. Thế nên, nếu có mất trộm cũng rất dễ để truy ra nguồn gốc của gỗ sưa bị bán.

(Theo Dân Việt)