Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa mới kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G, sự kiện đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới, sau Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Quyết tâm này thể hiện, Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, muốn phát triển ICT để người dân và doanh nghiệp có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Sau hơn 2 thập kỷ được kết nối mạng toàn cầu, ngày nay Internet trở thành phương tiện không thể thiếu đối với mọi người, mọi cơ quan, doanh nghiệp, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng vào thời điểm Việt Nam triển khai mạng 5G, cha đẻ Internet – ông Vint Cerf, hiện là Phó Chủ tịch, Nhà Lãnh Đạo Internet của Google, đã cảnh báo về những nỗi lo mang tầm nhân loại mà những người sử dụng phát minh của ông phải đối mặt trong thời đại trí tuệ nhân tạo.

“Chúng ta nên quan tâm về các loại phần mềm, đặc biệt nếu đó là phần mềm cho thiết bị có khả năng giao tiếp trên Internet. Lý do thẳng thắn là một khi các thiết bị đó được kết nối trực tuyến thì có khả năng truy cập được bởi bất kỳ ai ở bất kỳ nơi nào trên Internet. Điều đó làm gia tăng những mối nguy hiểm tiềm tàng về an ninh”, ông phát biểu tại Hội nghị Xã hội Trí tuệ nhân tạo - Thượng đỉnh G7 do Diễn đàn Toàn cầu Boston tổ chức tại trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ mới đây.

Ông Vint Cerf cho biết, trong nhiều năm lập trình, ông vẫn chưa tìm ra cách viết được các phần mềm miễn nhiễm khỏi virus, vì thế, có thể bị những người có mục đích xấu gây ra rất nhiều tác dụng phụ.

Tại dịp trao giải thưởng Nhà Lãnh Đạo Thế Giới trong Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo của Diễn đàn Toàn cầu Boston, vị cha đẻ Internet cũng cho rằng, cần hạn chế thấp nhất những mặt tiêu cực và ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ đe doạ loài người, nhất là khi trí tuệ nhân tạo và Internet sẽ còn phát triển như vũ bão những năm tới.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, người đã xây dựng Xa lộ Thông tin VietNet, mạng máy tính công cộng đầu tiên sử dụng thủ tục truyền tin Internet TCP/IP ở Việt Nam năm 1996, hai năm trước khi nối mạng, ông Cerf cho rằng, cần một nỗ lực chung của nhiều giới để tìm ra những giải pháp hạn chế việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo của các chính phủ, hay ý đồ xấu của công ty, chuyên gia công nghệ.

{keywords}
Ông Vint Cerf, hiện là Phó Chủ tịch, Nhà Lãnh Đạo Internet của Google, đã cảnh báo về những nỗi lo mang tầm nhân loại mà những người sử dụng phát minh của ông phải đối mặt trong thời đại trí tuệ nhân tạo.


Những động thái trên cho thấy, Việt Nam và thế giới đang quyết tâm tiến lên xã hội internet và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào đó, không phải ai cũng được hưởng lợi từ tiến bộ đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu rằng, chúng ta có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không biết nắm bắt các cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế của thời đại Cách mạng 4.0 và tiến trình toàn cầu hóa.Theo đánh giá của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa công bố, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với trên 50 triệu người dùng internet đến năm 2018.

Những người bỏ lại phía sau

Cho dù thế giới và Việt Nam đang tiến lên nhanh chóng, ở nước ta một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn ở lại phía sau trong tiếp cận Internet. Khảo sát tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên suốt từ năm 2014 cho đến nay của Viện Dân tộc học cho thấy, đa số người dân vẫn còn chưa thể tiếp cận thông tin và kết nối với thế giới bên ngoài thông qua internet.

Tại những điểm nghiên cứu như Đơn Dương (Lâm Đồng), Chư Sê (Tỉnh Gia Lai) hay Buôn Đôn (Đắk Lắk), khi chúng tôi hỏi về máy vi tính hay điện thoại thông minh (smartphone) trong cộng đồng các dân tộc Mạ, Churu, Gia-rai, Ê-đê… đa số đều cho biết, họ chỉ có điện thoại trắng đen, Internet là khái niệm còn rất xa lạ.

Khảo sát thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban dân tộc thực hiện vào năm 2015 càng cho thấy điều này đúng. Theo đó, các dân tộc thiểu số có khoảng 13,38 triệu, chiếm khoảng 14,7% dân số của cả nước. Cái nghèo đã hạn chế tiếp cận cơ hội và mở rộng kiến thức của đại đa số đồng bào. Cho đến nay, chỉ có 7,7% hộ có máy vi tính trong tổng số hơn 3 triệu hộ, chỉ có 6,5% hộ kết nối internet.

Sự thiếu cơ hội hoặc chưa có khả năng kết nối với thế giới bên ngoài cũng hạn chế việc mở rộng kiến thức và làm giàu cho bản thân. Từ đây hình thành vòng luẩn quẩn của nghèo đói: Nghèo không có khả năng mở rộng kiến thức, và ngược lại, thiếu thông tin để mở rộng kiến thức qua đó thoát nghèo.

Khi đó, thời đại 4.0 đối với nhiều người dân lại trở thành 0.4 đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu rằng “Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn”. Vậy, cần làm gì để các cộng đồng dân tộc thiểu số vươn lên, gia nhập vào sự phát triển chung của đất nước và hội nhập vào cộng đồng quốc tế?!

Vì sao chỉ Internet đi đầu?

Để đất nước đạt được thành tựu về Internet như hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò của những người tiên phong như các ông Đỗ Trung Tá, Mai Liêm Trực và nhiều lãnh đạo cao cấp khác đã thuyết phục rất nhiều người khác trước lo lắng đưa Internet vào đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia.

Chủ trương “quản đến đâu mở đến đấy” trong thời gian đầu đã được thay thế bằng quan điểm “quản lý phải theo kịp yêu cầu của sự phát triển” trong Chỉ thị 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ban hành năm 2000 của Bộ Chính trị.

Chỉ thị trên đây đã “cởi trói” cho Internet phát triển. Từ đây, Internet trở thành phương tiện không thể thiếu đối với mọi người, mọi cơ quan, doanh nghiệp, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Những thành công của Việt Nam trong việc tiếp thu thành tựu của nhân loại trên các lĩnh vực Internet, y học, công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực khoa học & công nghệ khác là nhờ chúng ta tiếp thu đồng bộ, không chắp vá, không làm méo mó.

Kể lại những thăng trầm và thành công trên trong lĩnh vực Internet như trên để thấy, những gì chúng ta chủ động hội nhập, tiếp thu những thành tựu phát triển của nhân loại thì chúng ta có thể vươn lên ở vị trí cao.

Từ thành công của Việt Nam trong quá trình tiếp nhận Internet và những gì chưa thành công thuộc các lĩnh vực khác đã để lại những bài học quý giá về nhãn quan và tư duy khi tiếp cận thành tựu khoa học và công nghệ nói riêng và các thành tựu của nhân loại nói chung, về sử dụng con người, nhất là với cán bộ chủ trì các cấp.

Cán bộ chủ trì các cấp vào thời điểm đó là những người có tầm tư duy sắc sảo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám phản biện, mạnh dạn trong tham mưu, đề xuất với lãnh đạo. Họ cũng đã kiên trì, quyết liệt đến cùng trong thực hiện chủ trương, quyết sách.

Đối với người lãnh đạo, khi cấp dưới hoặc các chuyên gia, các nhà khoa học đề xuất những ý tưởng mới, nhất là những thành tựu của nhân loại đã trở thành giá trị phổ quát và cần thiết cho sự phát triển của đất nước thì cần phải xem xét tiếp thu kịp thời. Vì nếu chần chừ, do dự là đất nước tụt lại phía sau. Thử hỏi nếu Việt Nam chậm trễ hòa mạng Internet thế giới thì sẽ tụt hậu đến đâu?

Còn những gì chưa thành công hoặc còn nhiều hạn chế như giáo dục, phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nền quản trị quốc gia… phải chăng do chúng ta quá thận trọng, tiếp thu chắp vá theo kiểu “cơi nới”, mang tính tình thế những thành tựu phát triển mang tính phổ quát của nhân loại?

Nguyễn Huy Viện - Nông Bằng Nguyên