Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) đánh giá, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

“Những hậu quả do BĐKH sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời ngay từ bây giờ và thực sự rất cần thiết phải có sự vào cuộc kịp thời của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới. 

hoang duc cuong.jpg
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn

Các thông tin số liệu theo dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân, Chính phủ trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đã đề ra” ông Cường nhấn mạnh. 

Ông Cường cho biết, năm 2024, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động chủ đề “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. 

Thông qua chủ đề này, WMO muốn nhấn mạnh thông điệp trọng tâm 2024 là công tác Khí tượng thủy văn đóng vai trò tiên phong, hết sức quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó BĐKH và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Khẩu hiệu cùng nhau trong tiên phong ứng phó với BĐKH thể hiện cụ thể hơn là cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường, qua đó giúp cho chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay. 

KTTV không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ BĐKH, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm, đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Nắm bắt các yếu tố khí tượng thủy văn bất thường từ sớm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường lý giải, việc cảnh báo sớm để hành động sớm đã trở thành phương châm hành động của ngành khí tượng thủy văn từ trước đến nay, không chỉ trong các tình huống thiên tai cụ thể mà xuyên suốt tất cả các ngày trong năm. 

Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn, ví dụ như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay, nhưng nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn, các phương án phòng chống, khắc phục được triển khai nên kết quả là thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với các năm hạn mặn lớn trước đây. 

khi hau 2.jpg
Hạn mặn xâm nhập các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL

Ông Cường cũng dẫn chứng, để ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino hiện nay, thì từ giữa năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nguy cơ thời điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng đơn vị. Trong đó, việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia đã được tăng cường sớm. 

Ngoài các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, Tổng cục KTTV đã thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ nông nghiệp hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, người dân trong chỉ đạo và sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động của thời tiết, tăng năng suất và hiệu quả.

Hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, mục tiêu phát triển của ngành đến năm 2030 hướng đến đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. 

Đến năm 2030, nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng. 

khi tuong tong cuc kttv.jpg
Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ

Đồng thời, ông Cường nhấn mạnh, hệ thống trạm quan trắc KTTV đã được nâng lên một cách đáng kể không chỉ về số lượng các trạm quan trắc mà cả về chất lượng. 

Ngoài ra, một trong những giải pháp để tăng cường nguồn lực cho hiện đại hóa ngành KTTV là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động.