- Điều các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động xã hội luôn băn khoăn là cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế thị trường, Tết Trung thu bây giờ dường như đã xa dần với các giá trị truyền thống.
Trong rộn ràng tiếng trống múa lân, lũ trẻ quây quần bên “cỗ trông trăng” được trang trí đẹp mắt với đủ loại hoa quả, bánh trái, cùng với chiếc đèn ông sao lung linh ánh nến, ngước nhìn lên ngắm vầng trăng sáng vằng vặc như gương, nghe người lớn kể chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng. Tết Trung thu là những kỷ niệm đẹp trong tâm hồn trẻ thơ, trở thành một nét văn hóa đậm đà bản sắc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Không ai biết chính xác phong tục đón Tết Trung thu có tự khi nào. Chỉ biết rằng, đó là một ngày vui đặc biệt của trẻ thơ. Mùa Trung thu, trẻ em háo hức cả tháng. Bữa cơm tối ngày rằm tháng Tám cũng kết thúc sớm hơn thường ngày để trẻ dung dăng dung dẻ dắt nhau ra đường ngắm trăng.
Đêm Trung thu, ông Trăng như tròn hơn, sáng hơn và cũng gần hơn để trẻ em được nhìn rõ hình ảnh cây đa, nghe người lớn kể lại sự tích chú Cuội - chị Hằng. Trẻ em náo nức tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép, cùng bạn bè tung tăng khắp các ngả trong tiếng trống rộn ràng của các đoàn múa lân. Người lớn thì cùng nhau thưởng nguyệt, ăn bánh ngọt, uống trà nói chuyện đến tận khuya. Những mùa trung thu bình dị mà ấm áp như thế có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai trong tâm trí mỗi người.
Ảnh minh họa: T.Lê |
Tết Trung thu là tết của trẻ em, là ngày mà người lớn dành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đối với thế hệ măng non. Vì thế mà trên khắp dải đất cong cong hình chữ S này, thấp thoáng sau những lũy tre xanh, từ bao đời nay, những người thợ thủ công bằng bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và lòng yêu thương con trẻ, đã tỉ mẩn nặn từng con tò he, bồi từng cái mặt nạ theo tuồng tích dân gian, làm trống, làm đầu lân, đầu sư tử để đêm Trung thu của trẻ em thêm rộn ràng. Các bà, các mẹ cũng dành cho con trẻ những loại trái cây ngon nhất hái từ vườn nhà, làm những cái bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon, để Tết trung thu của con trẻ thêm đậm đà.
Tết Trung thu bây giờ còn mang ý nghĩa lớn hơn khi đây là dịp để cộng đồng thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, sẻ chia tình cảm với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Ngày càng có nhiều cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, mang trung thu về với trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, trẻ em nghèo thành phố, trẻ em gia đình khó khăn, đang điều trị trong các bệnh viện, để các em được hòa cùng niềm vui đêm hội trăng tròn, kịp thời chia sẻ, động viên tinh thần giúp các em vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Tuy nhiên, những người quan tâm đến công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động xã hội cũng luôn băn khoăn là cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế thị trường, Tết Trung thu bây giờ dường như đã xa dần với các giá trị truyền thống. Nhà cao tầng che mất ánh trăng, tiếng trống múa lân, múa sư tử cũng dần thưa thớt, đồ chơi công nghiệp lấn át đồ chơi dân gian truyền thống. Trẻ em thành phố đón ánh trăng thơ mộng bằng những trò chơi điện tử.
Ngay cả bánh nướng, bánh dẻo ngày xưa làm thủ công với hương vị rất đặc trưng, nay người ta làm bằng đủ loại nguyên liệu đắt tiền, nhiều hộp lên tới tiền triệu. Đó là những chiếc bánh dành cho người lớn, dành để biếu xén chứ mấy khi được đặt lên mâm cỗ trông trăng của con trẻ!
Sở thích của trẻ em bây giờ cũng đã thay đổi nhiều theo cuộc sống. Tuy nhiên, yêu cầu gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách cho trẻ em cũng là điều vô cùng hệ trọng. Không ai có thể buộc các em phải chọn đồ chơi này mà không chọn đồ chơi khác.
Vì vậy, để trẻ em được vui Tết Trung thu mà vẫn gìn giữ được nền nếp, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thì bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đưa các em đến với các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, các di tích lịch sử, văn hóa, để trẻ em được tắm trong dòng sông văn hóa cội nguồn của cha ông, thì cũng cần có sự thay đổi cơ bản tư duy sản xuất của các nghệ nhân, các làng nghề.
Cần đánh giá đúng vai trò của đồ chơi dân gian, xem đó là sản phẩm văn hóa - kinh tế. Từ đó đầu tư đúng mức nguồn vốn, công nghệ để cải tiến mẫu mã sao cho đồ chơi dân gian đẹp hơn, tinh xảo và tiện dụng hơn. Không chỉ để cạnh tranh với đồ chơi điện tử, đồ chơi ngoại nhập mà còn là để góp phần gìn giữ những tinh hoa của Tết Trung thu truyền thống, để trăng trung thu tròn mãi trong ký ức tuổi thơ.
Vân Thiêng