Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ 3 triệu km² Biển Đông, và Philippine, Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền một phần. Tất cả các nước, trừ Brunei đều có cư dân sinh sống trên các đảo và bãi đá trên Biển Đông. Tiềm năng tài nguyên dầu khí lớn đã dẫn tới mâu thuẫn ngày càng lớn các quốc gia láng giềng, và các nhà phân tích cho rằng, "thành phố mới" của Trung Quốc sẽ chỉ càng làm xấu thêm tình hình tranh chấp. "Tất cả các xu hướng đều đang đang lệch đi", Ian Storey, thành viên cấp cao Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, phát biểu. "Các bên yêu sách đang cứng rắn hơn trong quan điểm về quyền tài phán của mình. Điều đó khiến cho việc giải quyết bằng luật pháp hay đàm phán khó khăn hơn bởi sẽ có ít chỗ cho sự thỏa hiệp hơn".

Ảnh minh họa

Tranh chấp đã "nhấn chìm" hội nghị bộ trưởng ASEAN tại Campuchia diễn ra hồi 9-13/7. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập ASEAN vào năm 1967, Hội nghị đã không thể đưa ra bản thông cáo chung khi bế mạc. Trong khi Philippine và Việt Nam yêu cầu đưa mâu thuẫn Biển Đông vào thông cáo chung, thì Campuchia, nước chủ nhà được báo giới phương tây cho là "đồng minh của Trung Quốc" đã từ chối đưa vào vấn đề trên, theo đúng ý của Trung Quốc là muốn giải quyết qua thảo luận song phương với các bên yêu sách khác hơn là qua một diễn đàn đa phương.

Tháng 4, tàu chiến lớn nhất của Philippine, chiếc khu trục nhỏ từ thời chiến tranh thế giới thứ hai Rajah Humabon đã đối đầu với các tàu cá Trung Quốc sau khi cáo buộc các tàu này đánh bắt những loài có nguy cơ tuyệt chủng gần bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham và Philippine gọi là đảo Bajo de Masinloc. Trung Quốc sau đó phái các tàu tuần tra biển, và Philippine ngay lập tức cũng thay thế tàu chiến này bằng đội tàu cảnh sát biển, dẫn tới một cuộc đối đầu mà đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Philippine nói đã rút các tàu về nhưng tàu Trung Quốc thì vẫn hoạt động gần bãi cạn.

Tổng thống Philippine Benigno Aquino phát biểu trong bài diễn văn toàn quốc hằng năm hôm 23/7: "Nếu kẻ nào đó bước vào sân nhà chúng ta và mảnh sân này là của anh ta, chúng ta có cho phép điều đó? Chúng ta có thể nhượng bộ những gì mà chính đáng thuộc về chúng ta hay không"?

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang gia cố lực lượng vũ trang để đối phó với sự quyết liệt mới từ phía Trung Quốc. Năm ngoái, ngân sách quân sự của Philippine, một trong những nước có nền quân sự yếu nhất châu Á, đã tăng gần gấp đôi.

Điều đó đồng nghĩa rủi ro trên Biển Đông cũng sẽ tăng lên, theo một báo cáo mới công bố hôm 24/7 của tổ chức International Crisis Group, một nhóm chuyên gia có trụ sở tại Brussels. Báo cáo nêu rõ: "Trong khi gia tăng sức mạnh quân sự có nguy cơ làm tăng mức độ, cũng như chi phí, xung đột vũ trang, nó cũng khiến các quốc gia đủ can đảm để chủ động hơn trong các tuyên bố chủ quyền của mình, dẫn tới xung đột càng khó giải quyết. Nguy cơ rất lớn là khi muốn thể hiện sức mạnh, các quốc gia yêu sách sẽ càng dấn sâu vào chính sách bên miệng hố chiến tranh hơn, và kết quả là những sự leo thang không mong muốn".

Philippines và Việt Nam đều kịch liệt phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố "Tam Sa". Trung Quốc công bố quyết định trên vào đúng ngày Việt Nam ban hành bộ luật quy định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Trung Quốc, nước đang kiểm soát Hoàng Sa sau cuộc chiến chớp nhoáng với Miền Nam Việt Nam năm 1974, đã thành lập chính quyền "Tam Sa" trên hòn đảo lớn nhất của quần đảo, đảo Phú Lâm.

"Việc thành lập một đơn vị đồn trú chỉ mang tính tượng trưng", Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Chính sách đối ngoại Lowy ở Sydney, nói. "Sẽ còn phải tốn nhiều thời gian để hợp thức hóa, nhưng nó đang đặt dấu ấn quân sự rõ ràng lên những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông".

Các bên tranh chấp thường sử dụng lực lượng bán quân sự và dân sự như lực lượng bảo vệ bờ biển và các đơn vị thực thi nghề cá để bảo vệ cho những tuyên bố chủ quyền. Động thái thành lập đơn vị đồn trú "Tam Sa", dù vậy, chính là dấu hiệu cho thấy việc sức mạnh cứng vẫn rất được Trung Quốc coi trọng. Một dấu hiệu nữa là sự cố mắc cạn của một tàu khu trục hải quân Trung Quốc tại bãi Trăng Khuyết mà cả Trung Quốc và Philippine đều tuyên bố chủ quyền.

Nhưng có lẽ bất ngờ hơn sự hiện diện ban đầu của tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực chỉ cách tỉnh Palawan của Philippine 100km là tốc độ mà tàu này nhận được cứu trợ từ các đồng bào mình.

Storey phân tích: "Chỉ trong vòng khoảng 24 giờ họ đã nhận được sự giúp đỡ của 5 tàu, bao gồm một tàu kéo, tới bãi Trăng Khuyết, và nơi đó lại rất xa Trung Quốc. Điều đó càng cho thấy hoạt động quân sự hóa đang ngày càng gia tăng. Những tàu chiến này có thể đang đi tuần tra hay đang ở một nơi nào đó rất gần trong khu vực".

Hiện tại, ảnh hưởng lớn nhất của "Tam Sa" chính là làm gia tăng ý nghĩa của cuộc xung đột đối với người dân Trung Quốc. Những tuần gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa những câu chuyện do các phóng viên tới thăm đảo viết. Medcalf nói: "Cả 'thành phố' và đơn vị đồn trú đều có nguy cơ gia tăng "rủi ro cảm xúc" cho người dân Trung Quốc. Điều đó khiến cho một sự thỏa hiệp càng khó đạt được hơn".

Đình Ngân theo Nytimes