*Bài viết theo quan điểm của tác giả
Từ Bố già qua đến Nhà bà Nữ, Trấn Thành cho khán giả thấy được khả năng cầm trịch câu chuyện gia đình rất mượt mà, những khóc cười và sự đan cài các chi tiết rất tự nhiên của hai bộ phim ấy, chính là nền tảng để hai phim tạo ra bước đột phá lớn nhất về doanh thu trong lịch sử điện ảnh Việt Nam khi ra mắt. Tuy nhiên, khi thay đổi thể loại với Mai, Trấn Thành bắt đầu lộ rõ những điểm yếu mà trước đó khán giả khó nhận ra…
Tốt là không đủ
Mai xoay quanh câu chuyện cuộc đời của nhân vật cùng tên, từ quê lên thành phố lập nghiệp với nghề mát-xa. Một nghề mang rất nhiều điều tiếng, thử thách những giới hạn cảm xúc của Mai (Phương Anh Đào), từ các vị khách lẫn những đồng nghiệp đố kỵ bịa ra chuyện để “giành mối”. Nhưng tất cả những điều đó cũng chẳng hề gì với một Mai từng có những trải nghiệm quá khứ kinh hoàng, song vẫn gạt qua để sống tiếp. Cho đến khi Mai gặp được Sâu (Tuấn Trần) và nhận ra sâu thẳm trong lòng mình vẫn cần một chỗ dựa về tình cảm. Mọi rắc rối cuộc đời Mai phát sinh từ đó.
Khi mà chị khách quen tên Đào được Mai xem như một người chị tinh thần cũng có một quá khứ bí ẩn. Còn người cha của Mai sau khi theo lên thành phố để chăm sóc con gái của Mai, cũng tạo ra thêm những bi kịch mới cho con mình bằng những món nợ khổng lồ.
Mai sở hữu một kịch bản nhiều tầng nghĩa, khiến khán giả đi từ cảm giác ngôn tình ở phần đầu phim, đến một đoạn giữa đầy cảm giác tổn thương với số phận của các nhân vật, rồi cuối cùng vỡ òa với một hiện thực nghiệt ngã buộc phải chấp nhận dù trong tim có mộng mơ đến thế nào… Sự trau chuốt về bối cảnh, góc máy trong Mai có thể nói tương xứng với số tiền mà Trấn Thành tuyên bố 50 tỷ đồng để sản xuất một phim tâm lý, tình cảm.
Mai sẽ làm rơi nước mắt với những ai từng có nhiều lận đận đường tình duyên, có không ít phân đoạn khiến khán giả mỉm cười sảng khoái, cùng với đó là những cảnh phim làm mọi người thấy hạnh phúc vì cuộc đời đáng sống.
Trấn Thành làm cho Mai có được một cái chuẩn về chất lượng phim khi anh ngồi ghế đạo diễn cũng như đảm đương nhiều vị trí khác trong ê-kíp. Vì thế, khán giả rời rạp chắc chắn sẽ không tiếc tiền vé và thời gian để xem phim. Tuy nhiên, Mai vẫn chỉ dừng lại ở mức một phim tốt, vẫn ở lại với bên này của giới hạn - sự xuất sắc, vì rất nhiều lý do…
Những lỗi không đáng có của 'Mai'
Có thể nói khoảng 45 phút đầu của Mai mang đến cho khán giả một sự chán chường rất lớn, vì sự giao đãi của các nhân vật, diễn giải chi tiết quá nhiều của câu chuyện... Chính sự dài dòng này dẫn đến những gấp gáp, dồn nén của phần nửa cuối phim, khiến cho khán giả rơi vào trạng thái bị bội thực “những cú lật mặt” diễn ra liên tục.
Cho đến khi nhân vật Sâu buông ra câu thoại với Mai, rằng từ khi yêu em anh đã thay đổi rất nhiều, thì khán giả mới giật mình nhận ra Sâu của Tuấn Trần rất hời hợt trong cách sống, không có điểm nhấn gì đặc biệt trong việc nhận ra giá trị tình yêu (ngoài việc xóa đi vài cái tên bạn gái hay app hẹn hò…).
Và quan trọng nhất, nhân vật này dùng thoại để chứng minh bản thân là chủ yếu… Tuấn Trần được dành rất nhiều đất diễn cho Sâu, song kịch bản gần như không cho anh bất cứ điểm tựa nào để tạo ra sự khác biệt. Nếu so với Quắn trong Bố già thì rõ ràng là Sâu trong Mai hoàn toàn thua xa về mọi thứ. Trong Mai, Tuấn Trần gần như không tương xứng ở vị trí nam chính mà chỉ là cái nền cho đạo diễn xử lý số phận của Mai thêm kịch tính.
Trong khi đó, nhân vật xuất sắc nhất của Mai, lại không phải là Mai mà chính là nhân vật Đào (Hồng Đào). Lâu rồi điện ảnh Việt mới có một vai phụ nữ trung niên đầy khí chất nhưng cũng lắm đoạn trường đến thế. Mỗi nét diễn, mỗi câu thoại của nhân vật Đào đều làm khán giả tin, yêu sau đó là đau đớn rồi đến đồng cảm. Phải thừa nhận nếu không phải là Hồng Đào thì cũng khó có nữ diễn viên thứ hai nào ở Việt Nam lúc này tải được tinh thần của nhân vật này.
Tuy nhiên, cũng lại rất tiếc khi đạo diễn “chiều chuộng” thời lượng cho Mai một quá khứ rất rõ để bộc lộ tính cách, còn với nhân vật Đào không biết sao đã bỏ quên hẳn… Khi nhân vật Đào phải kể quá khứ của mình ra bằng thoại lúc tranh cãi với Sâu, nhân vật này thiếu đi một chút trọn vẹn mà lẽ ra sẽ tạo nên sự hoàn hảo đến mức tuyệt vời trong mắt khán giả.
Còn riêng Mai, là một sự đột phá rất lớn về mặt diễn xuất nội tâm, trong sự nghiệp diễn viên của Phương Anh Đào. Song Mai lại mắc một lỗi rất nghiêm trọng, khiến cho số phận của nhân vật suốt từ đầu đến gần đoạn kết bị đổ sông đổ bể, chỉ vì cách khóc nức nở của Phương Anh Đào khi ngồi trên chuyến xe rời đi cùng tài xế của mình ở cuối phim.
Lẽ ra trong khoảnh khắc ấy, Mai với một số phận đầy bi thảm nhưng đã học được cách bước qua, đã đoán được lòng người như thế nào, hiểu rõ “đúng người nhưng không đúng thời điểm” ra sao chỉ nên mỉm cười và lăn một giọt nước mắt rất nhỏ nơi khóe mi chứ không phải là ngập ngụa trong nước mắt như kiểu đầy nuối tiếc và day dứt, không thể nào buông bỏ được.
Cùng với việc mắc lỗi cảm xúc của nhân vật Mai, phim còn dính một lỗi chi tiết khác khi làm cho nhân vật Đào phán xét Mai vì một lỗi lầm do người khác sắp đặt trong quá khứ, hoàn toàn không phải do Mai tự chủ động làm… Chắc chắn sẽ có không ít khán giả ở ngay chi tiết này sẽ đặt câu hỏi với đạo diễn Trấn Thành: “Một nửa sự thật không phải là sự thật. Vậy hà cớ gì tất cả mọi người đổ mọi tội lỗi lên đầu Mai, khi cô ấy bị đẩy vào một cái bẫy nhân danh tình yêu thương gia đình…?”.
Mai đánh mất đi rất nhiều nhịp để có thể tạo nên một đường chạy suôn sẻ cho tất cả các nhân vật. Người có thể xuất sắc như nhân vật Đào thì không được đầy đủ câu chuyện, người có khả năng trọn vẹn như Mai lại bị khuyết một giây phút cảm xúc quan trọng nhất để định danh sự trưởng thành của một con người…
Có cảm giác Trấn Thành “hụt hơi” rất rõ với Mai khi chuyển thể loại từ tâm lý, gia đình sang tâm lý, tình cảm. Những kiểu nhân vật phụ như các chị hàng xóm chung cư chửi đổng hàng ngày, bỏ rác ké, đi lên xuống nói đạo lý… lộ rõ sự sắp đặt một cách khiên cưỡng, đánh mất đi sự tự nhiên của một không gian sống.
Một cách nào đó, tên nhân vật Sâu của Tuấn Trần nói về sự ẩn dụ của việc con người đến lúc nào đó biết cách vượt thoát lên khỏi nghịch cảnh, sẽ có thể hóa bướm… Nhưng ước muốn là một chuyện, bản thân có khả năng thực hiện được hay không lại là chuyện khác.
Sâu của Tuấn Trần không thể thành bướm, hẳn nhiên là thế. Còn Mai của Phương Anh Đào chính là cách mà đạo diễn áp vào thông điệp “đấy chính là bướm dù không có xuất thân là loài sâu…”. Nhưng đến cuối cùng, khán giả nhìn vào Mai vẫn thấy rất rõ những ý nghĩ của một con sâu trong thân xác bướm…
Mai trong ước muốn của Trấn Thành sẽ là bướm. Dẫu vậy, không phải khán giả nào cũng nghĩ giống như anh…
Độc giả có thể gửi ý kiến của mình về bộ phim ''Mai'' của Trấn Thành về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!