Những quy định mới mà một tỉnh
Trung Quốc đưa ra hồi cuối tuần cho phép cảnh sát biển can thiệp và ngăn chặn
các tàu ở Biển Đông đã làm gia tăng những quan ngại trong khu vực này và cả ở
Mỹ.
Một số nhà phân tích coi động thái của chính quyền tỉnh Hải Nam là một bước đi khác trong nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông - vùng biển với các lộ trình vận chuyển trọng yếu của thương mại toàn cầu.
Ảnh: AP |
Ngô Thế Xuân, phụ trách văn phòng đối ngoại của tỉnh Hải Nam nói rằng, các tàu Trung Quốc được phép lục soát và đẩy lùi tàu nước ngoài khi các tàu nước ngoài dính líu tới những hành động bất hợp pháp (dù điều này không được định nghĩa rõ ràng) và chỉ khi các tàu tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Quy định mới do cơ quan lập pháp tỉnh thông qua chưa đầy một tháng sau khi Trung Quốc có nhà lãnh đạo mới - Tập Cận Bình và nước này vẫn còn bế tắc trong cuộc tranh chấp biển đảo với Nhật ở Hoa Đông.
Quy định mới dường như có rất ít liên quan tới ông Tập, nhưng nó đã củng cố nỗi bất an rằng, Trung Quốc - giờ đây có tàu sân bay và lực lượng hải quân đang ngày một lớn mạnh, đang thẳng tiến về phía trước với các kế hoạch khẳng định tuyên bố chủ quyền trên biển bất chấp chủ quyền ấy chồng lấn với nhiều nước khác.
Theo các chuyên gia hải quân, nếu Trung Quốc thực thi các quy định mới vượt ra ngoài khu vực 12 hải lý thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tự do hàng hải - một nguyên tắc mang lại lợi ích không chỉ cho Mỹ, các cường quốc phương Tây khác mà còn cho chính Trung Quốc - nhà nhập khẩu lớn nguồn dầu Trung Đông.
Tân Hoa xã tuần trước đã thông tin về một danh sách chưa đầy đủ các luật được thông qua tại Hải Nam. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông Ngô nói, các quy định mới áp dụng cho toàn bộ hàng trăm hòn đảo nằm rải rác trên biển và vùng nước xung quanh. Trong số này có nhiều đảo mà một số nước khác tuyên bố chủ quyền gồm Việt Nam và Philippines.
“Nó bao gồm tất cả tính năng đất bên trong đường chín đoạn và vùng nước lân cận", Ngô nói. Đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đưa ra bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông - vùng biển được cho là giàu trữ lượng dầu khí. Bản đồ chín đoạn giờ đây trở thành cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trước khi Hải Nam đưa ra quy định mới, một số nước láng giềng đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa hình ảnh đường chín đoạn vào hộ chiếu mới.
Ông Ngô, người cũng đứng đầu một viện nghiên cứu được chính phủ tài trợ thực hiện các dự án nghiên cứu Biển Đông thừa nhận, dụng ý trực tiếp của các quy đinh mới là để đối phó với cái mà ông ta gọi là các tàu đánh cá trái phép của Việt Nam hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Vĩnh Hưng (chính là đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trên đảo này, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập đơn vị hành chính, đơn vị đồn trú và tiến hành xây dựng những cơ sở khác như là cách để mở rộng sự kiểm soát với Biển Đông.
Hai mặt trận hàng hải
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước tuyên bố, nước này có quyền cho phép cảnh sát biển tiếp cận và kiểm tra các tàu ở Biển Đông. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo thông tin đăng trên phiên bản tiếng Anh của Nhật báo Trung Quốc, cảnh sát và lực lượng phòng vệ bờ biển Trung Quốc sẽ được phép lên tàu, kiểm soát các tàu nước ngoài "xâm nhập trái phép" vùng biển của Trung Quốc và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.
Philippines, một đồng minh của Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: "Kế hoạch hành động của Trung Quốc là phi pháp. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển Đông không chỉ là sự quá mức, mà còn là mối đe dọa với tất cả các nước".
Cuối tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama trong một nỗ lực làm dịu tình hình đã gián tiếp chỉ trích hành động của Trung Quốc. “Tất cả các bên liên quan cần tránh các hành động khiêu khích đơn phương làm gia tăng căng thẳng và xói mòn triển vọng cho một giải pháp ngoại giao hoặc giải pháp hòa bình khác", Peter P. Velasco, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Theo quan chức Mỹ, trong một hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo châu Á tháng trước ở Phnom Penh, Campuchia, ông Obama đã đề cập vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Trung Quốc. Ông kêu gọi phía Trung Quốc giải quyết tranh chấp hòa bình, tạo điều kiện cho tự do hàng hải.
Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, cho tới hiện tại, một số nước châu Á vẫn tin rằng, Trung Quốc không muốn có xung đột xảy ra đồng thời trên hai "mặt trận" hàng hải: Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với một số nước khác. Nhưng, việc thông qua những quy định mới ở Hải Nam đã chứng minh giả định ấy là không chính xác.
Thái An (theo New York Times)