Nếu chỉ ở nhà, tôi sẽ luôn là một người nằm trong nhóm có địa vị. Tôi ở thủ đô, có học, lại toàn làm việc với người nước ngoài. Tôi sẽ chẳng thể hiểu được nỗ lực để làm theo chuẩn mực của số đông, càng cố gắng càng thấy mình bị đẩy ra xa, càng muốn hòa nhập lại càng thấy mình không giống, cảm giác vừa tủi thân, vừa tị nạnh của người ở bên lề.

1. Trở lại Canada sau 3 năm, tôi cứ nghĩ mình sẽ bắt nhịp lại với cuộc sống ở đây rất ổn. Dù gì tôi cũng đã từng sống ở đất nước lá phong này 4 năm. Ngân hàng, siêu thị, hệ thống giao thông công cộng không có gì thay đổi. Cách quẹt thẻ mua hàng, cách giật dây trên xe buýt để báo hiệu mình muốn xuống bến tiếp theo vẫn thế. Bài trí hàng hóa trong những cửa hàng quen và thực đơn của những nhãn hiệu đồ ăn nhanh cũng y chang như xưa.

Tưởng rằng việc hòa nhập với cuộc sống rất lề lối và có phần đơn điệu này sẽ đơn giản như tôi quay lại đây sau một kì nghỉ hè, chứ không phải là khoảng cách ba năm dài đằng đẵng.

{keywords}

Ảnh: học sinh Khmer học chữ (nguồn: Văn hóa của mình)

Nhưng khi bắt đầu đi học, tôi vấp ngay phải một rào cản rất lớn, đó là sự khác biệt trong nhận thức và hiểu biết của tôi về xã hội so với các bạn cùng lớp. Phần lớn các bạn học thẳng lên bậc thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học, và những gì các bạn quan tâm chủ yếu xoay quanh Canada và Mỹ. Tôi thì lại không sinh ra, cũng không có nhiều hiểu biết về hai đất nước này. Kết quả là trong những buổi thảo luận trên lớp, tôi thường im lặng, không biết đóng góp gì khi những sinh viên khác tranh luận sôi nổi. Hoặc khi họa hoằn lắm tôi mới rụt rè đưa một ví dụ về Việt Nam hoặc châu Á mà tôi nghĩ có liên quan đến học thuyết đang nói tới, thì y như rằng lớp học sẽ rơi vào một sự im lặng khó xử, bởi vì đơn giản là các bạn còn lại không biết những điều tôi biết, nên không thể bình luận thêm.

Sự chênh lệch về nền tảng này khiến tôi khá buồn bực, một phần vì cảm mình bị "ra rìa", trong khi một phần lớn điểm của tôi sẽ được chấm dựa trên những lần phát biểu trong lớp.

Vấn đề này không mới. Thường là học sinh quốc tế duy nhất trong những lớp xã hội học, ngành học khá chú trọng vào bối cảnh xã hội chứ không có những nguyên tắc đúng với mọi thời đại, mọi không gian như toán, lý, hóa, tôi đã luôn thấy lạc lõng trong suốt bốn năm học đại học. Cứ tưởng rằng khi học lên bậc thạc sĩ rồi, mối quan tâm và hiểu biết của những người học cùng sẽ mở rộng hơn, thay vì chỉ bó hẹp trong đất nước của họ.

Tôi thất vọng và khó chịu về sự lạc lõng này đến nỗi đã có lúc tôi muốn chuyển sang học Phát triển quốc tế vì nghĩ rằng sinh viên trong các lớp ở ngành này chắc sẽ có tầm nhìn rộng mở hơn.

Cũng không hiểu thế nào, tôi nhận ra, sự khó chịu này có nguyên nhân rất lớn từ việc tôi đang bị đặt ở vị trí yếu thế. Tôi đang là một cá nhân đơn lẻ và khác biệt trong một tập thể của những người giống nhau. Tôi đang phải điều chỉnh để tuân theo những quy tắc tính điểm, những cách giao tiếp ứng xử mà tôi không quen, nhưng những người ở đây cho thế mới là tốt. Tôi đang bị đẩy ra khỏi không gian quen thuộc (comfort zone) của mình.

Nếu chỉ ở nhà, tôi sẽ luôn là một người nằm trong nhóm có địa vị. Tôi ở thủ đô, có học, lại toàn làm việc với người nước ngoài. Tôi sẽ chẳng thể hiểu được nỗ lực để làm theo chuẩn mực của số đông, càng cố gắng càng thấy mình bị đẩy ra xa, càng muốn hòa nhập lại càng thấy mình không giống, cảm giác vừa tủi thân, vừa tị nạnh của người ở bên lề, và nỗi lạc lõng luôn len lỏi kể cả khi sự thân quen bắt đầu nhen nhúm. Họ không hiểu mình, họ không thể đồng cảm với mình, vậy mà mình phải thay đổi để giống họ.

Tôi cứ dằn vặt mãi như thế, cho đến lúc tự dưng tôi nhớ ra, có lần em gái người Thái đã kể với tôi là: "Ở trường em tất cả học sinh đều nói tiếng Kinh hết. Nói tiếng khác sẽ bị phạt." Lúc ấy tôi đã chẳng khó chịu, hay mảy may suy nghĩ gì.

2. Giáo dục vẫn được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để thoát nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi trẻ con ở thành phố ngồi trong lớp học nghe giảng đến mụ mị cả người vì sự cạnh tranh quá lớn, vì nếu không như thế thì không thể vào đại học, thì trẻ con ở nông thôn miền núi đi học vì chính sách của nhà nước, vì được cán bộ địa phương vận động, vì cần có cái chữ, vì bố mẹ các em mong con mình sẽ đổi đời.

Có lần tôi đi Hà Giang, ở cùng một gia đình người Dao đỏ. Lúc đấy đã chín giờ tối, trời mùa đông khá lạnh, nhà đốt một đám lửa giữa bếp, tiếng lửa liếm vào củi lách tách. Đứa con gái út vừa mới vào lớp một, đang ngồi trên bàn học khóc thút thít vì buồn ngủ mà vẫn chưa làm bài xong. Nó sợ sáng hôm sau đến lớp sẽ bị cô giáo phạt. Nhưng cơn buồn ngủ sau bữa cơm no đang sầm sập kéo đến. Một đứa trẻ sáu tuổi, mẹ đánh thức từ năm rưỡi sáng, sáu giờ tay cầm nắm xôi cùng chị đi bộ một tiếng đồng hồ đến trường. Năm giờ chiều từ trường về nhà, đi bộ một tiếng sáu giờ mới về đến nơi. Chín giờ tối, hai mắt mở ra không nổi, mà bài tập còn nhiều quá, thì còn biết làm gì hơn là khóc?

Mẹ nó cũng dậy từ sáng sớm đi nương, đi lấy rau cho lợn, rồi xay thóc, và bây giờ đang ngồi bên cạnh đứa con gái mắt mũi tèm lem tóc tai rối bù, giọng rất dịu dàng, một tay lau nước mắt một tay cầm bút chì chỉ từng chữ cho con. Nhưng chị không viết hộ. Bố nó ngoài ba mươi, làm cán bộ địa chính ở xã, và bây giờ vẫn đang đi học đại học tại chức, một năm học ba tháng ở thành phố để cố lấy cái bằng đại học. Bố nó nhẹ nhàng ngồi cạnh con, vừa động viên vừa dỗ dành.

Chẳng hiểu sao tôi thấy những ông bố người Dao, người Thái tôi đã gặp thương con gái hơn nhiều những ông bố người Kinh. Chỉ còn ba dòng tập tô nữa, con bé người rũ ra vì buồn ngủ, mếu mếu máo máo, viết nguệch ngoạc mãi không xong, bố mẹ nó cũng rất mệt, nhưng chẳng hề to tiếng quát tháo hay giận dữ chút nào. Cảnh gia đình đầm ấm đó, bố mẹ mỗi người một bên, vừa cưng nựng vừa pha trò cho con đỡ khóc, ở giữa là đứa con gái bé tí, bên cạnh đống lửa cháy bập bùng và con mèo gầy ốm rên hừ hừ vì lạnh, chẳng hiểu sao làm tôi xúc động đến rớt nước mắt.

3. Giáo dục có thật sự giải quyết được vấn đề gì không?

Trong khi trẻ con ở thành phố è cổ ra học tiếng Anh thì trẻ con miền núi đi học về nói tiếng Kinh (và cả tiếng dân tộc mình) với bố mẹ. Cũng từ chuyến đi Hà Giang đó, tôi được hay ngày xưa bản người Mông và bản người Dao ở cạnh nhau lâu đời thì hai bên đều nói được tiếng của nhau, giờ thì họ không hiểu tiếng nhau nữa, vì cả hai bên đều nói tiếng Kinh. Tiếng Kinh là thứ ngoại ngữ nếu ai không biết thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi có việc gì cần xuống ủy ban xã.

Những người phụ nữ phải nghỉ học sớm, hoặc không được đi học từ nhỏ không biết viết tiếng Kinh, vì thế nếu họ cần làm giấy khai sinh cho con, hay xin cấp thuốc tránh thai miễn phí, hay nhận trợ cấp hộ nghèo, đều cần người khác đi cùng. Họ có thể gặp những cái hừ mũi khó chịu từ cán bộ xã, họ sẽ rúm ró lại xấu hổ vì mình dốt, hoặc sẽ cười khúc khích mặt đỏ ửng lên để giấu đi sự ngại ngùng của mình.

Các cô giáo người Kinh cũng nói với tôi rằng, họ luân phiên chuyển công tác vào "vùng sâu vùng xa" theo chỉ định của "trên", và phần lớn các cô đều mong đến ngày trở về xuôi.

Có lần tôi ngồi trong một mái nhà sàn lợp lá cọ liêu xiêu bên vách núi, nói chuyện với một người phụ nữ bằng tuổi mình, trước ngực địu đứa con lớn hai tuổi, sau lưng địu đứa con nhỏ hai tháng. Đứa con lớn ngọ nguậy liên tục, mũi dãi lòng thòng, thỉnh thoảng làm dây địu động đậy mạnh và đứa em nhỏ đằng sau khóc ré lên. Chị chậm rãi kể cho tôi, chị đã từng là học sinh giỏi nhất trường, nhất xã, rồi được đi học sư phạm theo chỉ tiêu của huyện với trợ cấp của nhà nước. Khổ cái, hầu như tất cả học sinh miền núi đi học theo chương trình này đều học sư phạm. Nếu muốn làm công ăn lương ở một bản làng xa xôi, thì còn lựa chọn nào khác?

Gần như chỉ có công việc ở Ủy ban, mà hầu hết mọi người đều làm việc đến già mới nghỉ. Ngoài ủy ban xã ra thì chỉ có trường học là trả lương thôi…. Người đi học thì nhiều, mà để xin việc thì phải có tiền hay người quen.

Cô học sinh giỏi của xã, sau hai năm đi học xa nhà, sau bao nhiêu khó khăn vất vả, bao nhiêu đấu tranh với gia đình và kì vọng của cộng đồng, giờ lại lấy chồng, nuôi con, làm ruộng, chăn lợn như tất cả những cô chẳng đi học khác.

4. "Ở địa phương em, các bạn gái rất chồng rất sớm, toàn bỏ học để tảo hôn các anh chị ạ."

Sinh viên trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, một cô bé người Vân Kiều, kể về vấn đề xã hội em muốn thay đổi trong một hội trường đông nghịt các sinh viên khác và các anh chị là những người hoạt động xã hội từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giọng hơi nghẹn lại. Em không biết làm thế nào cả. Không phải bạn nào cũng được đi học đại học như em. Em có thể làm gì?

Để một cô gái từ nhỏ đến lớn chỉ ở trong bản làng lên huyện học cấp 3, không những gia đình phải mất tiền, mất một lao động, mà bản thân em cũng phải rất dũng cảm. Con gái xa nhà lại ở một mình, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Con trai có thể đi đường rừng bốn năm chục cây số mỗi chiều thứ 6 để về thăm nhà, con gái cũng có thể đi, nhưng liệu trên những quãng đường đấy, em có được an toàn? Còn nếu không đi học, ở nhà làm ruộng thì phải lấy chồng thôi, còn lựa chọn nào khác?

Việc đi học với trẻ em miền núi là một cuộc chiến dài đằng đẵng… Dậy từ lúc trời chưa sáng, về đến nhà khi mặt trời đã khuất sau rặng núi. Bữa trưa là một nắm cơm nguội và chút ít cá khô. Leo núi, lội suối, những khi lũ lên bất chợt có học sinh bị cuốn trôi lúc nào không biết. Đi học nhóm ở nhà bạn về có khi bị rắn đuổi theo. Những em ở nội trú tại trường do nhà xa có khi ăn cơm với muối và chan canh bằng nước lã.

Các em dành cả ngày ở trường để học những công thức toán lý sẽ không giúp các em có mùa vụ năng suất cao hơn. Các em nói tiếng phổ thông, trong khi ngôn ngữ mẹ đẻ của các em với bao nhiêu ẩn dụ, thần thoại và tri thức địa phương thì bị hao mòn dần.

Những bạn sinh viên người Thái tốt nghiệp đại học đã từng bảo tôi, ở lại thành phố thì lương chỉ đủ tiền thuê nhà, tiền chi tiêu rồi cũng hết, những lúc ốm đau có khi lại phải xin trợ cấp gia đình. Còn về quê, về quê thì biết xin việc ở đâu?

5. Tôi nghĩ lại cảm giác khó chịu của mình khi học trong một lớp toàn sinh viên Canada, và mơ hồ cảm thấy cách tổ chức và đánh giá của lớp học này sẽ có lợi cho những bạn người Canada từ bé đến lớn đã quen với việc tư duy đa chiều và không ngại bày tỏ ý kiến của mình rằng "mấy người viết sách này đầu óc có vấn đề thì phải, vớ vẩn quá đi mất". Cái kiểu của tôi, ngồi lắng nghe, ghi chép, mỗi khi muốn nói gì phải giơ tay, đợi thầy giáo cho phép, rồi về nhà ngẫm nghĩ lâu thật lâu sau mới dám rụt rè đưa ra một ý kiến phản bác lại một giáo sư nào đó trong một email viết đi viết lại mất cả buổi sáng, thì rõ ràng bị thiệt.

Nếu cô bé người Thái kể với tôi ở lớp nói tiếng Kinh, mà ra Hà Nội học đại học, không biết em có cảm giác như thế không? Em có chán và muốn bỏ cuộc vì cảm giác mình không được công nhận và vô cùng lạc lõng như tôi không? Em cũng nói tiếng phổ thông tốt như, hoặc thậm chí tốt hơn tôi nói tiếng Anh, nhưng điều đó đâu có nghĩa là những người ở phía có quyền lực có thể tảng lờ sự khác biệt của em, đúng không?

Tôi biết ơn cái trải nghiệm khó chịu của mình, dù tôi vẫn ghét nó. Tôi vẫn không thích khi các bạn trong lớp bắt đầu nói về những thứ của Canada tôi chẳng biết gì, hoặc rơi vào sự im lặng chết chóc mỗi khi tôi lên tiếng, nhưng nhờ thế mà tôi bị bắt buộc phải làm người thiểu số, và có thể tôi hiểu em nhiều hơn, điều mà nếu cứ tiếp tục làm người Kinh ở thành phố, tôi có lẽ chẳng nhận ra bao giờ.

Nguyễn Hồng Vân

(Nguồn: Diễn Ngôn)

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại