Bí quyết vượt qua khác biệt văn hóa là sự tôn trọng các giá trị của nhau và bao dung với sự khác biệt.
LTS: Tiếp theo loạt bài về vấn đề tự do ngôn luận và xung đột văn minh, văn hóa nhìn từ vụ thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh đưa ra một cách giải thích dựa trên góc độ dung hòa các khác biệt văn hóa.
Khi những giá trị bị va đập
Geert Hofstede, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực giao lưu văn hoá và quản lý đã từng nói: “Văn hoá là sự lập trình chung của tinh thần, giúp phân biệt các thành viên của nhóm người này với thành viên của nhóm người khác; Theo nghĩa này, văn hoá bao gồm hệ thống các giá trị, và các giá trị là nền tảng của văn hoá".[1]
Một trong những công trình nghiên cứu nổi tiếng bậc nhất trên thế giới về văn hoá trong thế kỷ 20 của Geert Hofstede gồm sáu khía cạnh để phân biệt sự khác nhau giữa các nền văn hoá dân tộc, đó là (1) Sự phân cấp quyền lực (power distance), (2) Tính cẩn trọng (uncertainly avoidance), (3)Chủ nghĩa cá nhân/chủ nghĩa tập thể (Individualism/collectivism), (4) Nam tính/nữ tính (Masculinity/Femininity).; (5) Tính thực dụng (Pragmatism) và (6) Tính khắt khe hay chiều chuộng.
Nếu lấy lý thuyết của Geert Hofstede để phân tích hiện tượng Charlie Hebdo, có thể coi đây là một ví dụ điển hình về xung đột các giá trị văn hoá khá lớn.
Người Pháp vốn nổi tiếng là một dân tộc có khoảng cách quyền lực ở mức trung bình cao, tính cá nhân khá cao, nam tính dưới trung bình, tính cẩn trọng cao, khá thực dụng và bao dung với cá nhân.
Hai anh em sát thủ Kouchi là người Hồi Giáo Yemen, do quốc gia này không nằm trong nghiên cứu của Hofstede nên chúng tôi tạm lấy 2 quốc gia theo Hồi giáo ở châu Á là Pakistan và Arab Saudi để so sánh. Đây là hai quốc gia có hơn 90% dân số theo đạo Hồi, Pakistan còn có GDP tương đương với Yemen, vì mức sống cũng tác động nhiều đến văn hoá.
Ta có thể thấy trái ngược với Pháp là nước có chỉ số cá nhân cao, các nước Hồi giáo có chỉ số này rất thấp nên quyền tự do cá nhân của người Pháp rất được tôn trọng, đến mức năm 2011, khi Toà soạn báo Đan Mạch bị doạ đánh bom, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ có yêu cầu Charlie Hebdo ngừng đưa ra những tranh về Hồi giáo nhưng tờ báo đã từ chối.
Chính phủ Pháp chấp nhận đóng cửa một số cơ sở văn hoá và ngoại giao ở nước ngoài vì e ngại khủng bố nhưng không bắt tờ báo tuân thủ vì đối với nước Pháp, tự do ngôn luận dù chỉ của một nhóm phóng viên trong một tờ báo chỉ có hơn 60.000 độc giả cũng là quyền bất khả xâm phạm.
Nhưng chỉ số này của các nước đạo Hồi lại rất nhỏ (với Pakistan là 14/100, thấp vào bậc nhất thế giới). Vì vậy, ý kiến của cá nhân không đáng quan tâm mà quan điểm của tập thể (trong trường hợp này là của tôn giáo) đáng quan tâm hơn nhiều. Khoảng cách quyền lực cao trong cộng đồng Hồi giáo càng khắc sâu thêm quan điểm này. Vì vậy, các chiến binh Hồi giáo cho rằng các họa sĩ đã xúc phạm sâu sắc đến cộng đồng của họ và ai bảo vệ những người đó tức là đã xúc phạm đến đạo Hồi.
Các giá trị nam tính như hiếu thắng, quyết liệt… trong các nước Hồi giáo cũng cao hơn ở nước Pháp, là một nước thiên về nữ tính, trọng sự hòa hợp, tôn trọng nhau. Vì vậy, khi xảy ra xung đột người Pháp thích dùng ngòi bút. Còn chiến binh Hồi giáo, là bộ phận quá khích nhất trong cộng đồng Hồi giáo, sẽ dễ sử dụng vũ lực.
Điểm chung duy nhất về văn hóa giữa Pháp và hai nước đạo Hồi này chính là tính cẩn trọng tương đồng, đều ưa thích hành động theo luật lệ. Có điều người Pháp hành động theo luật lệ của nước Pháp, vốn nêu cao ngọn cờ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, luôn cập nhật các giá trị mới. Còn các chiến binh Hồi giáo lại nghiêm ngặt tuân theo kinh Koran, đã hình thành từ vài ngàn năm trước. Vì vậy, điểm chung này không hề làm giảm mà thậm chí còn gia tăng nguy cơ xung đột.
Tính thực dụng của văn hóa Pháp ở mức trung bình nên tương đối dễ chấp nhận những giá trị mới còn tính thực dụng của văn hóa Hồi giáo khá ít, dẫn đến họ sẽ chỉ hành động theo truyền thống.
Bí quyết vượt qua khác biệt văn hóa là sự tôn trọng các giá trị của nhau và bao dung với sự khác biệt |
Khi "thức ăn của người này là thuốc độc với người kia”
Nhưng có một khía cạnh khác của văn hóa cũng rất khác biệt giữa giá trị của Pháp và Hồi giáo.
Người Pháp thích trào phúng và không có giới hạn trong việc này. Mặc dù theo truyền thống, nước Pháp là nước theo Thiên chúa giáo nhưng họ cũng từng vẽ tranh biếm họa về các nhân vật trong Kinh thánh. Là những công dân tuân thủ luật pháp, các họa sĩ của Charlie Hebdo cũng từng vẽ biếm họa về nhiều chính trị gia.
Trên thế giới, hiếm nước nào có nhiều ấn phẩm châm biếm như nước Pháp. Điều họ châm biếm không phải là tôn giáo hay chính trị mà chỉ là những khía cạnh theo họ là quá khích hay chưa hoàn hảo. Họ tin là, bằng việc chỉ ra những khiếm khuyết ấy, họ sẽ buộc đối tượng bị châm biếm phải thay đổi, do đó sẽ góp phần làm lĩnh vực ấy tốt lên. Nhưng châm biếm là việc cấm kỵ ở nhiều nước.
Cho đến nay các thành viên Hồi giáo vẫn nghiêm ngặt tuân theo những quy định trong kinh Koran từ thế kỷ thứ 7 nên mọi ý kiến nghi ngờ hay muốn cải cách những giáo lý của bộ kinh này sẽ bị coi là điều báng bổ, xúc phạm.
Vì vậy, ngòi bút châm biếm của các họa sĩ Charlie Hebdo với họ là điều không thể chấp nhận. Thậm chí thông điệp đầy tính hòa giải trong số báo phát hành sau vụ thảm sát, vẽ hình nhà tiên tri Mohamed giơ biểu ngữ “Tôi là Charlie” để thể hiện tôn trọng tự do ngôn luận và dòng chữ “Tất cả đều được tha thứ” để chứng tỏ không có ý định thù hận, cũng tiếp tục bị tín đồ Hồi giáo cho là xúc phạm! Chả khác nào câu thành ngữ châu Âu: “Thức ăn của người này là thuốc độc với người kia” khi bản về khác biệt văn hóa!
Nghiên cứu đã cho thấy, xung đột văn hóa là không tránh khỏi giữa văn hóa Pháp và văn hóa Hồi giáo. Mọi phê phán về sự khác biệt văn hóa giữa Pháp và Hồi giáo đều không phù hợp vì không có văn hóa tốt hay xấu, nhưng rõ ràng văn hóa truyền thống Hồi giáo không còn phù hợp với điều kiện sống mới ở Pháp.
Bí quyết vượt qua khác biệt văn hóa là sự tôn trọng các giá trị của nhau và bao dung với sự khác biệt trong trường hợp này không có giá trị vì người Pháp muốn người Hồi giáo nhập cư sống hòa nhập với xã hội Pháp, còn một số nhỏ người Hồi quá khích lại muốn xã hội Pháp phải chấp nhận quy định của Hồi giáo.
Vì văn hóa có tính bảo thủ nên sẽ chậm thay đổi hơn các lĩnh vực khác trong xã hội như kinh tế, chính trị… nên sự khác biệt văn hóa sẽ còn duy trì trong một thời gian nữa. Là công dân của một xã hội, mọi thành viên phải hành động theo pháp luật để đảm bảo một xã hội ổn định và vì văn hoá được tạo nên để phục vụ cho nhu cầu con người, nên sẽ tiến hóa để hòa hợp với điều kiện sống mới.
Tuân thủ luật pháp và từ từ chấp nhận học hỏi các giá trị văn hóa mới để hòa nhập với cuộc sống ở đất nước mình lựa chọn là con đường duy nhất để tìm lại sự hòa hợp giữa các cộng đồng văn hóa ở bất kỳ quốc gia nào.
[1]Geert Hofstede (1991), Culture and organization - the software of mind, McGraw – Hill Book Company, London.