Khi nào một người có địa vị trong xã hội lại có thể bộc lộ sự hung hãn của mình? Đó là khi họ hoàn toàn có ý thức rằng việc hành xử như thế là hiệu quả cao nhất, là lợi ích mà họ có thể chấp nhận để đánh đổi với những hậu quả mà hành vi đó gây ra.

Tháng trước, hai lãnh đạo của một trường chính trị tại Lâm Đồng cũng đã hồn nhiên đánh nhau ngay tại hành lang của ngôi trường mà họ đang lãnh đạo.

Trước nữa, hai cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kontum cũng đã bị xử lý kỷ luật vì đánh nhau.

Nghiêm trọng hơn, cuối năm ngoái, một cán bộ của Sở ngoại vụ Hà Nội cũng đã đánh một cụ ông 76 tuổi phải nhập viện chỉ vi va chạm giao thông.

Khi những con người có địa vị xã hội, có tri thức văn hoá nhất định, bộc lộ các hành vi côn đồ hung hãn trong các tình huống xung đột thông thường, rất khó để bào chữa rằng đó là một khoảnh khắc bột phát, một cơn nóng giận bất thường vượt quá khả năng kiểm soát. Họ không phải những người dễ dàng vì cơn nóng giận mà bất chấp hậu quả của hành vi. Bởi, để có được những địa vị xã hội như vậy, họ đều đã trải qua những quá trình phấn đấu, nỗ lực theo cách này hoặc cách khác, đã trải qua những thử thách nhất định của tổ chức để không dễ dàng hành xử theo bản năng.

{keywords}
Nơi vừa xảy ra vụ đập xe do dừng đỗ vô ý thức. Ảnh: Đất Việt

Vậy thì, khi nào một người có địa vị trong xã hội lại có thể bộc lộ sự côn đồ hung hãn của mình? Đó là khi họ hoàn toàn có ý thức rằng việc hành xử như thế là hiệu quả cao nhất, là lợi ích mà họ có thể chấp nhận để đánh đổi với những hậu quả mà hành vi đó gây ra.

Khi hai vị quan chức cấp sở đánh nhau trong quán nhậu, họ nghĩ gì? “Ờ, mình thích thì mình đánh thôi!” – Khi mâu thuẫn xảy ra, người ta có thể chọn cách nói chuyện với nhau bằng lý lẽ. Song, khi không có đủ niềm tin vào lý lẽ, khi mà những khái niệm phải, trái đã trở nên mơ hồ, khi mà sự tôn trọng vào giá trị của bản thân, và của đối thủ đã không còn… dĩ nhiên nắm đấm là thứ đáng tin nhất.

Khi một công chức của sở ngoại vụ đánh một ông già vì ông lão đã va chạm với vợ mình, anh ta nghĩ gì? “Ờ, mình thích thì mình đánh thôi!” – Sau một vụ va chạm giao thông, nếu để giải quyết theo trình tự sẽ mất nhiều thời gian, mà vợ mình thì đã muộn làm. Đánh ông lão đó để ông ta khỏi dám lằng nhằng. Đánh ông lão đó sẽ chứng tỏ là mình dám làm mọi việc vì vợ mình. Đánh ông lão đó vì ông lão đã quá già không thể đánh lại, và mình là người có quyền, có chức, có quan hệ nên đâu có sợ gì… Anh ta đánh một ông lão vì tự tin mình là kẻ mạnh.

Chiếc xe bị đập

Khi một người có uy tín, có vị thế trong xã hội giở thói hung hăng thì ông ta nghĩ gì? “Ờ, mình thích thì mình đập thôi!”. Sự hung hăng cũng có nguyên nhân do nhiều người không đủ niềm tin vào ý thức của những người xung quanh.

Ví dụ, có những chiếc xe dừng đỗ vô ý thức, cản trở giao thông của người xung quanh. Khi bị phản ứng, chủ nhân của chiếc xe này có thể sẽ xin lỗi, thậm chí là không, rồi lần sau lại có một ai đó lại dừng đỗ vô ý thức như thế. Và người bị cản trở giao thông tin rằng cần phải dằn mặt thật dữ mới chấm dứt được chuyện này. Hậu quả, dù có phải đền thì cũng chẳng vấn đề, vì thà mất tiền mà không bị bực mình như thế nữa thì cũng đáng. Họ đã tin vào nỗi sợ hãi.

Tôi tin rằng những người có địa vị xã hội như các nhân vật kể trên đều đã hành xử côn đồ như một sự lựa chọn. Bởi, họ tin vào nỗi sợ hãi trước bạo lực của người khác hơn là tin vào lý lẽ, hơn là tin vào khả năng điều chỉnh hành vi của các cơ chế pháp luật hiện hành. Những câu chuyện tương tự như vậy đã xảy ra, và sẽ còn tiếp tục xảy ra khi mà những niềm tin về giá trị đạo đức, hoặc pháp luật không còn có khả năng điều chỉnh hành vi của con người một cách hữu hiệu nữa.

Cơ chế để ràng buộc con người phải sống, phải hành xử đúng mực chỉ có thể vận hành khi con người ta còn tin vào điều đó. Một người có giáo dục vẫn có thể hành động như những kẻ côn đồ hung hãn, đó là khi họ không còn tin tưởng vào đạo đức, và pháp luật.

Phạm Trung Tuyến