“Ông lớn” đặt mục tiêu tỉ đô, cạnh tranh thẳng với Samsung, Apple

FPT và Bkav đang là hai doanh nghiệp CNTT Việt Nam có chiến lược, quyết tâm chinh phục thị trường thế giới rõ ràng và táo bạo nhất cho tới nay.

Với FPT, mới đây, lần đầu tiên đã “chốt” con số mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường ngoại. Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình, thị trường Việt Nam đã trở nên quá nhỏ bé so với FPT. Sau khi đạt được con số 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2008 (gồm doanh thu từ cả thị trường trong nước cũng như doanh thu xuất khẩu phần mềm), tốc độ tăng trưởng của FPT không còn mạnh như những năm trước. Giờ đây, “ra biển lớn” là cách duy nhất và tất yếu để FPT lấy lại tốc độ tăng trưởng như trong quá khứ. Dự kiến tới năm 2018, FPT sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường ngoại.

Để hiện thực hóa mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường ngoại, Chủ tịch Trương Gia Bình đã xác định rõ định hướng chính của FPT trong thời gian tới là tất cả các công ty thành viên phải có trách nhiệm đem doanh thu từ nước ngoài về bằng việc cung cấp toàn diện các dịch vụ thông minh. Với 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường quốc tế, FPT sẽ trở thành một “con voi” ở khu vực, một tập đoàn công nghệ toàn cầu có thế mạnh về mạng xã hội, công nghệ di động, dữ liệu lớn và điện toán đám mây.

Quyết tâm toàn cầu hóa của lãnh đạo FPT đã nhận được sự ủng hộ của các công ty, đơn vị thành viên thông qua những kế hoạch, mục tiêu cụ thể như: FPT IS đang cải tổ mạnh mẽ để đạt doanh thu 200 triệu USD từ thị trường ngoại vào năm 2018; Đại học FPT nỗ lực hướng tới mô hình Global Mega University... Dự kiến, Nhật Bản - thị trường chiến lược của FPT - sẽ đem lại 200 triệu USD trong thời gian tới. Campuchia dù chưa có tên trong bản đồ toàn cầu hóa của FPT, nhưng dự tính cũng sẽ đóng góp khoảng 50 triệu USD cho mục tiêu 1 tỷ USD của doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam này.

Khác với FPT, Bkav chưa công bố những con số mục tiêu lớn về doanh thu nhưng chiến lược toàn cầu hóa đã bước đầu được hiện thực hóa với định hướng cạnh tranh thẳng với những “ông lớn” về công nghệ của thế giới.

Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách Phần cứng của Bkav cho biết: Cách đây vài năm, Bkav đã đề cập tới chuyện toàn cầu hóa nhưng đã vài lần “lỡ hẹn” do một số yếu tố khách quan. Bkav cũng đã có nhiều sản phẩm được khách hàng ở Mỹ và các quốc gia khác sử dụng, nhưng việc đẩy mạnh sản phẩm Bkav tại thị trường nước ngoài sẽ phải theo lộ trình định sẵn. Theo lộ trình đã được Ban lãnh đạo Bkav thống nhất, từ cuối năm 2013, với quân số khoảng 1.600 người, công ty công nghệ Bkav sẽ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hiện thực hóa lộ trình toàn cầu hóa.

“Định hướng của Bkav là trở thành  công ty công nghệ toàn cầu, làm ra những sản phẩm hàng đầu thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các hãng như Samsung, Apple chứ không chỉ cạnh tranh trong nước. Đa số doanh nghiệp Việt Nam thường không dám cạnh tranh với Tây, coi Tây là chuẩn mực không thể vượt qua. Nhưng với Bkav, lập trình ở Mỹ hay ở Việt Nam cũng giống nhau. Sản phẩm của Việt Nam cũng có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Doanh nghiệp Việt nên thay đổi định hướng cũng như văn hóa doanh nghiệp để vượt ao làng ra biển”, ông Vũ Thanh Thắng chia sẻ thêm.

Xuất khẩu phần mềm ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp Việt

Dù kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn khó khăn, các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm vẫn liên tiếp đón nhận những tín hiệu vui về sự tăng trưởng doanh thu và thị trường.

Điển hình như Công ty Phần mềm FPT Software, doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2013 đã đạt tổng doanh thu 47 triệu USD, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ 2012; tính riêng thị trường Nhật Bản, hết tháng 6/2013 đã tăng trưởng 52%, còn các thị trường khác như Mỹ, cũng tăng trưởng khoảng 54% so với cùng kỳ. Mục tiêu doanh thu năm 2013 của FPT Software là 100 triệu USD. Ngoài hai thị trường chiến lược là Nhật Bản và Mỹ, FPT Software sẽ đặc biệt quan tâm tới thị trường châu Âu, dự tính tốc độ tăng trưởng doanh thu tại thị trường này trong 2 năm 2013 và 2014 lần lượt là 50% và 60%. Mới đây, FPT Software liên tục lọt Top 500 công ty phần mềm thế giới và Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, điều này đồng nghĩa cơ hội tăng trưởng doanh thu trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng tốt hơn.

Không chỉ những “cây đa, cây đề” như FPT Software mà các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang tiếp đà tăng trưởng doanh thu và khách hàng. Chẳng hạn, ở Công ty cổ phần Phần mềm Luvina, doanh thu năm 2012 của Luvina đã tăng trưởng 1,8 lần so với 2011 và năm 2013 lại tiếp tục tăng trưởng hơn năm 2012. Hay Công ty ISB Việt Nam đang hoạt động sôi nổi với rất nhiều dự án mới, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu hàng năm đạt tới 25%. Hoặc tại Công ty Công nghệ RikkeiSoft, doanh thu từ thị trường Nhật Bản, một trong các thị trường trọng tâm của RikkeiSoft, luôn có tốc độ tăng trưởng hơn 100%/năm.

Nhìn chung, thị trường gia công xuất khẩu phần mềm còn rất nhiều tiềm năng, nhất là khi Việt Nam đã nằm trong Top 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm trên thế giới và các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia đều đang có xu hướng thuê làm gia công phần mềm thay vì tự đầu tư bộ phận riêng chuyên làm những phần việc này. Với ưu điểm về giá rẻ, thương hiệu xuất khẩu phần mềm Việt Nam ngày càng được nhiều khách hàng quốc tế biết đến và lựa chọn. 

Trước “sức sống” của mảng xuất khẩu phần mềm, trong bối cảnh thị trường nội địa vẫn là bức tranh nhiều màu xám, không ít doanh nghiệp CNTT trước đây chỉ chuyên nhắm vào thị trường nội địa, nay cũng rục rịch tính cách kiếm tiền từ thị trường nước ngoài qua hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm. Đơn cử như trường hợp VTC. Tại cuộc gặp gỡ hội viên Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT (VINASA) với chủ đề “Chia sẻ thông tin và cơ hội về thị trường Nhật Bản” diễn ra mới đây, không ít người ngạc nhiên khi nghe giới thiệu về sự góp mặt của đại diện Công ty VTC Công nghệ & Nội dung số, với việc có cả 1 cán bộ phụ trách mảng gia công xuất khẩu phần mềm (outsourcing). Trước đó, đã có thông tin về việc VTC đang rục rịch “tìm đường” làm outsourcing trong bối cảnh tổng công ty này đang tích cực triển khai tái cơ cấu, rất có thể sẽ có một bộ phận được tách ra để chuyên làm về outsourcing. Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Ngô Phương Đông, đại diện VTC cho biết, VTC đang tìm hiểu xem mảng gia công xuất khẩu phần mềm như thế nào, tuy nhiên chưa quyết định có làm hay không? Với câu trả lời “nước đôi” như thế, không loại trừ chuyện VTC sẽ có bộ phận nghiệp vụ chuyên về gia công xuất khẩu phần mềm, thậm chí có thể tách thành một công ty con trong bộ máy mới của VTC sau khi tập đoàn này triển khai tái cơ cấu.

Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không rón rén với thị trường quốc tế

CNTT là một trong những lĩnh vực có hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) sôi động nhất. Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch TOPICA Education Group, cho biết cả giai đoạn từ 2004 - 2011, mỗi năm chỉ có khoảng 10 thương vụ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp được tiến hành, thế nhưng riêng 9 tháng đầu năm 2013 đã có 18 thương vụ được thực hiện, ước tính cả năm có 25 - 26 thương vụ. Các nhà đầu tư không chỉ là các quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG Ventures, Vina Capital... mà gồm nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Nga... muốn mở rộng “lãnh địa” kinh doanh. Tính riêng trong 18 tháng qua đã có 7 thương vụ đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư Nhật Bản, 7 thương vụ của nhà đầu tư châu Âu và 7 thương vụ của nhà đầu tư Mỹ.

Các doanh nghiệp start-up giờ đây cũng không chỉ rón rén “kiếm tiền” từ thị trường trong nước mà đã nhắm tới chuyện “gọi” vốn ngoại để chinh phục thị trường quốc tế. Điển hình như OSS/TruePlus (Giày tốt), trong lúc trang web bán lẻ giầy cho thị trường trong nước chưa kịp phát triển doanh thu cao, OSS đã tạo doanh thu bằng cách bán các module Magento (hệ thống website bán hàng sử dụng mã nguồn mở có nhiều tính năng ưu việt) ra thị trường nước ngoài, qua đó tiếp tục phát triển doanh thu trang bán lẻ giầy lên gấp 3 lần sau 12 tháng.

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp start-up khác đã và đang tính đến chuyện “đánh thẳng” vào những thị trường như Indonesia hoặc những quốc gia còn rất nhiều mảng kinh doanh đầy tiềm năng khai thác như: dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ, thương mại điện tử, trò chơi (game), cổng thanh toán (payment gateway), nội dung giáo dục trực tuyến (education online)...

(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Giáp Ngọ 2014)