Nhiều người nghĩ rằng hổ là chúa sơn lâm, có sức mạnh nhất trong các loài động vật nên khoản chăn gối của chúng cũng rất dữ dội.
Quan niệm sai lầm này đã khiến nhiều đại gia không tiếc tiền mua bằng được “cái
ấy” của ông ba mươi, nhằm níu kéo “bản lĩnh đàn ông”. Họ không hề biết, hổ thực
chất chưa bao giờ là loài vật mạnh mẽ trong chuyện sinh lý và pín hổ, hiện đang
được bán thậm thụt trên thị trường 100% là đồ giả, cũng không hề có tác dụng
cường dương.
Pín hổ từ gân trâu, bò?
ảnh minh họa |
Nghe đồn về công dụng tăng cường khả năng cương dương của pín “ông ba mươi”, anh Phạm Công Diện (Đông Anh, Hà Nội) đã không tiếc bỏ ra 1,5 triệu để mua một chiếc ở hội chợ tổ chức gần nhà mình. Chưa từng mục sở thị “súng ống” thực tế của hổ bao giờ, nhưng lời giới thiệu đường mật của người bán hàng khiến anh Diệu tin sái cổ, không ngại ngần chi một khoản tiền lớn mà chẳng cần kiểm tra chất lượng. “Vì hội chợ là nơi thập phương đến buôn bán nên tôi cũng chẳng biết người phụ nữ bán pín hổ ấy từ đâu tới. Tuy nhiên, khi nghe chị ta quảng cáo rằng thứ này trị được sinh lý yếu, thậm chí còn dùng để chữa vô sinh, thì không chỉ tôi mà rất nhiều người khác cũng tò mò, quan tâm. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy mình dại.
Pín hổ đâu ra mà nhiều thế, trong khi loài vật này hết sức quý hiếm và đã bị nhà nước cấm săn bắt. Hỏi về đống pín bày la liệt với giá đồng hạng 1,5 triệu/cái, chị ta nói nhập từ Campuchia qua, do bên đó rừng còn dày nên hổ vẫn rất nhiều. Chính chị này khẳng định sau khi săn được hổ, người Campuchia lấy xương thịt nấu cao, nanh đánh bóng bán làm vật trừ tà, còn pín được lóc ra, đem sấy hoặc phơi khô”.
Cũng theo anh Diệu mô tả, thì bộ pín cọp mà anh mua được nom giống như một khúc
gân màu vàng, rất cứng, dài khoảng 30cm. Phần gốc của pín phình to và đoạn chót
có nhiều gai nhọn. “Bỏ đến 1,5 triệu mua bộ pín nặng chưa đến 300g, tôi hí hửng
nghĩ mình “vở bở”, bởi đàn ông nào chẳng khoái cái món này. Thế nhưng càng ngâm
càng thấy rượu chẳng đổi màu, có mùi gây gây của trâu bò, mỗi lần uống vào đều
có cảm giác buồn nôn, có lần có bị “tào tháo đuổi” nữa. Tôi lôi chiếc pín ra
kiểm tra lại thì đúng là chẳng khác gì gân trâu, gân bò. Lúc đấy mới biết mình
bị lừa, pín hổ gì mà rẻ và nhiều thế”, anh Diện nhớ lại bài học cay đắng vì tin
vào công dụng “trên trời” của pín hổ.
Thực tế, hổ được xếp trong nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp bị tuyệt
chủng trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới, nên việc dễ dàng có được những
chiếc pín “ông ba mươi” với giá khoảng vài triệu đồng thì chỉ có là… hàng giả.
Thời gian gần đây, việc buôn bán pín “ông ba mươi” giả cũng được các cơ quan
chức năng cảnh báo. Theo đó, để chế tạo “pín” cọp giả, những kẻ lừa đảo lấy gân
chi trước của trâu, bò phơi một nắng rồi mang vào cắt khía, tạo dáng. Công đoạn
này hoàn thành, họ lại tiếp tục mang thành phẩm ra phơi nắng. Sức nóng của mặt
trời khiến khối gân đã qua cắt gọt bung gai và khô quắt lại. Vì rất hiếm ai nhìn
thấy pín hổ thật, nhiều người đã dễ dàng mắc lừa những kẻ buôn gian bán lận và
rước về nhà “của quý” nhân tạo của chúa sơn lâm.
Theo những nhân viên có kinh nghiệm chăm hổ lâu năm thì thật ra, “ông ba mươi”
là một con vật to lớn, có thể nặng đến 3 tạ nhưng dương vật của nó lại bé xíu,
chỉ lớn hơn chiếc đũa một chút. Nếu so sánh pín của con mèo nặng 3kg và pín của
hổ nặng 2 tạ thì không có gì khác mấy. Điều bất ngờ nhất, đó là pín hổ không hề
có gai như con người đồn đại. Điều đó chứng tỏ, những cái pín hổ với gai góc xù
xì bày bán thậm thụt khắp nơi chắc chắn là đồ giả mạo. Âm vật của các nàng hổ
cái cũng rất bé để phù hợp với “súng ống” kém cỏi của hổ đực. Chẳng thế mà trong
tự nhiên, một bà mẹ hổ nặng 200 - 300kg nhưng lại sinh ra những chú hổ con rất
bé, thường chỉ khoảng 1kg.
Xu hướng bị lạm dụng xô bồ
Cho đến nay, khoa học Tây phương cũng như của cả thế giới đều phủ nhận và đả phá
huyền thoại về dương vật hổ. Chưa có một khảo cứu nào chứng minh tính trị liệu
hay thậm chí đề cập đến khả năng “tăng cường sinh lực” của pín cọp cả. Chính vì
vậy, người dân không nên tin vào lời đồn thổi không căn cứ và vô tình tiếp tay
cho những kẻ săn lùng loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ này. “Hiện
nay, y học đã rất phát triển nhưng vẫn có một số chứng bệnh chưa tìm được cách
giải quyết. Tâm lý người bệnh là luôn muốn tìm đến mọi giải pháp theo kiểu “có
bệnh vái tứ phương”, nhất là những người có điều kiện kinh tế, sẵn sàng bỏ ra
hàng đống tiền để tìm “phép thần thông”, thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, chủ
nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân đội 108 nhận định.
Cũng theo bác sĩ Toàn, thì chính việc nhiều người thích chơi sang, tìm dùng
những loại động vật quý hiếm bồi bổ, chữa bệnh là một xu hướng đang bị lạm dụng.
Những kẻ trục lợi không ngừng săn lùng, tàn hại động vật quý hiếm, đồng thời tự
thổi phồng công dụng nhằm tiêu thụ những món hàng giả kiểu pín hổ. Ông đánh giá:
“Bản thân tôi cũng như đa số mọi người đã bao giờ nhìn thấy pín hổ trên thực tế
đâu. Vậy mà, nhiều người cứ đua nhau săn lùng, với niềm tin mù quáng rằng có tác
dụng mạnh trong chuyện phòng the mà không cần tham khảo ý kiến chuyên môn. Thực
tế, chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định pín hổ là một loại “bảo bối” tăng
cường bản lĩnh cho quý ông cả”.
Vạch trần quan niệm sai lầm về pín hổ giúp cường dương, lương y Nguyễn Xuân
Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam) cũng cho rằng: “Quan niệm “ăn gì bổ
nấy” thực ra phản ánh một học thuyết của y học cổ truyền lấy các phủ tạng của
động vật để chữa bệnh phủ tạng cho người. Các cụ thường gọi là “đồng khí tương
cầu”. Trong y học cổ truyền, vấn đề lưỡng pháp, phối hợp cả Đông dược và Tân
dược điều trị là một cách tự nhiên. Tuy nhiên, các cụ xưa vẫn khuyến cáo rằng,
“nhân nhân tín y” - tức tuỳ người mà dùng; “nhân thời tín y” - tuỳ lúc mà dùng,
“nhân địa tín y” - tuỳ nơi mà dùng. Thế nên không phải loại thuốc bổ nào, thức
ăn nào ai cũng có thể dùng”.
Lương y cũng cảnh báo: “Hiện nay, nhiều đàn ông sính dùng ngẩu pín (món ăn được
chế từ dương vật và tinh hoàn của một số loài động vật – PV) vì cho là có tác
dụng cường dương. Nhưng thực ra, ngẩu pín là “đại nhiệt” (tức rất nóng), đặc
biệt ngẩu pín của dê, của chó, của hổ... Tuy nhiên, những người đàn ông bị suy
yếu sinh lý cũng phân ra rất nhiều thể, có bệnh nhân thì bị dương hư, người lại
bị âm hư. Như vậy, người bị dương hư thì ăn các ngẩu pín – “đại nhiệt” là tốt,
nhưng người bị âm hư thì ăn vào lại rất nguy hiểm. Triệu chứng thận dương hư là
sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, liệt dương, lãnh tinh, di tinh, xuất
tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện nhiều lần về đêm, đi tiểu không
cầm được hoặc hay bị sót lại... Triệu chứng thận âm hư là cơ thể gầy khô, hay có
cảm giác nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức
bối không yên, họng khô, miệng khát, ra mồ hôi trộm; hay ù tai, hoa mắt, chóng
mặt, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo, có thể bị di tinh, liệt dương”.
Chuyện ân ái của hổ: Sex 30 lần/ngày vẫn xếp hạng bét
Theo tiết lộ của những nhân viên sở thú thì tuy mỗi ngày hổ có thể sex 30 lần,
nhưng chỉ đến ngày thứ 4 hoặc thứ 5 là đã lẩy bẩy kiệt sức. Nhiều chú còn bỏ ăn
mấy ngày liền và tất nhiên là chẳng thèm đoái hoài đến em hổ xinh đẹp đang động
dục ầm ĩ nào nữa. Để phục hồi lại sức khỏe, chàng hổ phải ăn uống, bồi bổ, nghỉ
ngơi cả tháng trời. Điều kém cỏi nhất trong chuyện sex của hổ, là mỗi lần giao
hoan, thường chỉ kéo dài 5-7 giây, lâu lắm thì được nửa phút. Như vậy, so với
con người, hổ còn kém xa về khoản… dai sức. Đã thế, lượng tinh trùng của hổ có
vẻ như không được “xịn lắm”, nên ít khi đậu thai trong đợt giao phối đầu tiên.
So với các loài động vật khác, hổ được liệt vào hạng bét về khoản tình dục.
Không nói đâu xa, ngay trong Vườn thú, có nhiều loài mà hổ phải tôn xưng làm sư
phụ. Con khỉ đực có thể giao phối liên tục cả ngày, kéo dài quanh năm suốt tháng
và sẵn sàng quyết chiến nếu khỉ đực khác dám bén mảng quyến rũ các bà vợ của
mình. Còn ở chuồng dê, sáng nào cũng vậy, khi các nàng dê vừa mở mắt, chàng dê
đực đã đứng gác ở cổng và “gạ gẫm”. Ngày nào cũng như ngày nào, các chàng dê đực
đều ân ái cỡ trên dưới trăm lần.
Theo GĐ XH