LTS: Năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút người tài vào khu vực công. Nhiều địa phương cũng đã thi hành chính sách "trải thảm đỏ" hút nhân tài. Tuy nhiên, thực tế "chảy máu chất xám" từ các cơ quan công quyền đang diễn ra ngày càng nhiều, trong khi chính sách hút người tài chưa chứng tỏ hiệu quả.
Vụ trưởng cũng xin thôi việc
Sáng 26/12/2007, vụ trưởng đầu tiên của NHNN nộp đơn xin thôi việc vì lý do riêng và để tìm công việc phù hợp hơn. Đó là ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Dũng không phải là cán bộ lãnh đạo cấp vụ cuối cùng rời khỏi NHNN vì lý do tương tự. Những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có kiến thức về cả vĩ mô lẫn vi mô, nắm vững cơ chế, chính sách tài chính, ngân hàng, có nhiều kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ như ông Dũng chính là đối tượng mà các tổ chức tín dụng ""trải thảm đỏ" mời chào.
Khi rời bỏ NHNN, những cán bộ tầm cỡ như ông Dũng sẽ được hưởng mức lương ít nhất gấp 5 đến 10 lần mức lương hiện tại ở NHNN. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, sức hút của đồng tiền khiến chuyện ra đi của họ là điều hiển nhiên, không thể cưỡng lại.
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, "Chảy máu chất xám là chuyện hiển nhiên"."Thực tế, Chính phủ đã cho NHNN một cơ chế đặc thù, cán bộ có hệ số lương gần gấp ba hệ số thông thường. Song gấp ba mà mặt bằng quá thấp thì không đủ để hút nhân tài vào NHNN cũng như không đủ sức để xóa đi mức chênh lệch thu nhập rất cao giữa NHNN và ngân hàng thương mại", ông Nghĩa giải thích.
Giám đốc một chi nhánh của NHNN từng thốt lên: "Có lẽ bây giờ NHNN chỉ có thể giữ người bằng tình cảm!".
Điều này có phần đúng, song liệu "tình cảm" có đủ sức để giữ chân cán bộ?
Khi áp lực lạm phát đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách thì đối với một cơ quan điều hành và thực thi chính sách tiền tệ tối quan trọng như NHNN, nơi được ưu tiên áp dụng chế độ lương cao gần gấp ba lần so với các cơ quan bộ, ngành khác, việc giữ chân những cán bộ, công chức vừa có tài vừa tâm huyết chắc hẳn không đơn giản chỉ dựa vào tiền hay tình cảm.
Giữ cán bộ bằng gì?
Một nhân vật nữa có hàm vụ trưởng, ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở Giao dịch thuộc NHNN mới đây cũng xin nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Ông Phước từng làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở cương vị tổng giám đốc với mức lương cao "ngất ngưởng". Sau đó, vì "niềm đam mê lớn nhất cuộc đời là tỉ giá", ông đã quyết định về NHNN. Nhưng rồi, niềm đam mê ấy cũng không thể giữ chân một chuyên gia giàu cả về kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác lẫn năng lực quản lý và đầy tâm huyết như ông.
"Tiền quan trọng, không ai phủ nhận điều đó, nhưng nó không quyết định tất cả, đặc biệt với những tầng lớp người hướng tới một môi trường để cống hiến nhiều hơn chứ không phải muốn thu lợi được nhiều hơn", ông Phước tâm sự.
Đồng cảm với ông Phước, Trưởng Ban Pháp luật của Hiệp hội ngân hàng, Luật gia, TS Trần Đình Triển, người cách đây 15 năm từng là trưởng phòng đầu tiên xin thôi việc và rời khỏi NHNN cho rằng: Công tác tổ chức, cán bộ chính là nguyên nhân sâu xa của việc ra đi hàng loạt nhân vật cốt cán.
"Công tác tổ chức theo tôi thực sự có vấn đề. Với những cán bộ có năng lực và tâm huyết, mong ước lớn nhất chính là được cống hiến. Nhưng thực tế, họ cảm thấy không có cơ hội để thực hiện mong ước đó và đặc biệt hẫng hụt khi việc đề bạt không dựa trên tiêu chí trình độ và đạo đức", ông Triển thẳng thắn.
Với những cán bộ có năng lực và tâm huyết, được đề bạt chính là sự ghi nhận cho sự cống hiến của họ. Quy trình đề bạt ở NHNN về hình thức rất chặt chẽ, dân chủ. Hàng năm, để chọn lựa cán bộ nguồn đưa vào diện "quy hoạch", cả một công đoạn phức tạp được tiến hành: Bỏ phiếu từ cấp vụ, lên đến Vụ Tổ chức, rồi Ban cán sự Đảng...
Thế nhưng, "quy hoạch" là một chuyện, còn đề bạt, bổ nhiệm lại là chuyện khác. Thực tế, có người được quy hoạch hàng chục năm, dù luôn tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhưng vẫn "yên vị", trong khi một số người, dù chẳng thể hiện được gì nhiều, thì lại liên tục được cất nhắc khi chưa kịp "ấm chỗ".
Cho đến giờ, khi vẫn còn không ít cán bộ bị "sốc" khi Vụ trưởng Kiều Hữu Dũng nộp đơn xin nghỉ, thì ngay lập tức buổi chiều cùng ngày, đơn của ông Dũng đã được chấp thuận và gần như đồng thời, lãnh đạo NHNN công bố quyết định bổ nhiệm người thay thế.
Điều đáng nói nữa là trong khi thủ tục cho thôi việc đối với một cán bộ lãnh đạo tầm cỡ như ông Dũng diễn ra quá dễ dàng và nhanh chóng, thì nhiều cán bộ, công chức bình thường lại gặp không ít khó khăn, trở ngại khi nộp đơn xin thôi việc. Nghịch lý này đặt ra không ít dấu hỏi trong dư luận!
Thực tế, hầu hết cán bộ, công chức rời bỏ NHNN đều ở độ tuổi "chín", giỏi ngoại ngữ, được đào tạo cơ bản, rất tâm huyết và có tự trọng nghề nghiệp cao. Một lãnh đạo cấp vụ nói: "Cùng lĩnh một khoản tiền lương như nhau nhưng có thể chia công chức thành hai đối tượng. Một là những người tự cảm thấy xấu hổ với đồng lương đó, bởi chỉ lao động kiểu đối phó. Hai là những người có cảm giác như bị "bố thí" vì đã đóng góp rất nhiều nhưng chỉ nhận được những đồng lương còm cõi".
Trước "làn sóng" ra đi của cán bộ, công chức, dường như NHNN chưa có một động thái hoặc cơ chế nào để "chiêu hiền đãi sĩ" hay ít ra là để giữ "quân". Chế độ lương, thưởng không có gì thay đổi, lương vẫn được trả theo thang bậc, "đến hẹn lại lên" chứ không theo khối lượng và hiệu quả công việc. Có chăng chỉ là việc đưa ra một quy trình giải quyết chế độ thôi việc có vẻ chặt chẽ hơn mà thôi!
Trong năm 2008, hàng chục ngân hàng cổ phần trong nước và ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ ra đời. Nhu cầu nhân sự cấp cao vào các chức vụ quản lý, điều hành rất lớn. Nhiều người lo ngại rằng, đến một ngày nào đó, ở NHNN, cơ quan có vai trò quyết định trong việc kiềm chế lạm phát, sẽ chỉ còn những người lớn tuổi, những người năng lực hạn chế hoặc có trình độ nhưng không còn tâm huyết.
Nếu không kịp thời có những giải pháp tích cực - chứ không phải biện pháp hành chính - để giữ chân cán bộ, công chức có năng lực và tâm huyết thì "làn sóng" rời bỏ NHNN chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Và điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.