Lược dòng lịch sử, người dân Thủ đô hẳn còn nhớ Dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn được Nhật Bản hỗ trợ, triển khai tại Hà Nội từ năm 2006 nhưng thất bại chóng vánh sau đó. Đã 17 năm qua, rất nhiều lần Hà Nội tiếp tục thí điểm, thử nghiệm việc phân loại rác nhưng vẫn chưa có một Đề án phân loại rác thải tại nguồn áp dụng chung cho toàn thành phố.

Lí do thất bại thì nhiều nhưng có một lí do ai cũng thấy đó là, nguồn lực và sự sẵn sàng cho một đề án mang tính toàn diện với vấn đề rác thải của Thủ đô chưa được đặt lên bàn cân đúng mức. Trong khi đó, mỗi ngày thành phố đang lãng phí một nguồn tài nguyên lớn từ rác. Trước tháng 11/2023, đa phần rác thải phải chôn lấp khiến các bãi rác quá tải, trong khi các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ khiến người dân ngao ngán.

1 chu dong.jpg
Mỗi ngày Hà Nội đang phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác. 

Không ít lần người dân Thủ đô phải chứng kiến hàng đoàn xe rác thải bị ùn ứ trên các tuyến đường với lí do, các bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng và người dân xung quanh chặn không cho xe rác đi vào bãi chôn lấp. Tình trạng này mới chấm dứt từ tháng 11/2023 vừa qua khi Nhà máy điện rác Sóc Sơn chính thức đi vào hoạt động hoàn toàn, cơ bản xử lý được phần nào tình trạng chôn lấp rác thải truyền thống trước đây của bãi rác lớn nhất Thủ đô này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi nào rác thải trở thành tài nguyên, khi mà nhiều nước tiên tiến đã có thể xử lý rác thải 100% như Nhật Bản, Singapore; hay thậm chí nhập khẩu rác về tái chế và phát điện như Thụy Điển? Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội đang phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác, nhưng đôi khi rác thải bị mang làm "con tin" hoặc ùn ứ cục bộ gây ô nhiễm và nhức nhối cho người dân.

Nói là cục bộ bởi nhẽ, dù các nhà máy rác đã cơ bản có thể tiếp nhận số rác thải của Thủ đô (về mặt khối lượng), nhưng trong quy trình phân loại, thu gom, xử lý và tái chế rác thải này, có quá nhiều bất cập cần xử lý khi nhiều khâu trong quá trình ấy vẫn nặng tính thủ công, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Bài toán thu gom rác Hà Nội xử lý còn chưa tốt, khiến câu hỏi biến rác thành tài nguyên trở lên… xa vời theo nhận xét của nhiều người.

Lấy quá trình phân loại rác tại nguồn làm ví dụ. Trong các khu chung cư, tổ dân phố hiện nay, những thùng chứa rác luôn trong tình trạng quá tải. Những điểm tập kết rác, những xe thu gom rác dù hoạt động hết công suất cũng không đáp ứng được nhu cầu xả thải của người dân. Nói vậy để thấy, ngay từ khâu thu gom đã làm chưa tốt thì nói chi tới khâu phân loại rác. Vì thế, rác thải hữu cơ, vô cơ cùng rác thải nguy hại đang vào chung một thùng gây ô nhiễm nặng nề.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe rác đầy ụ, đứng ngay đầu các con phố giữa trung tâm Thủ đô. Nơi mà bất cứ thứ rác thải nào cũng được xếp cùng nhau, từ thực phẩm thừa, vỏ hoa quả trộn lẫn với rác thải vô cơ là túi nylon, hộp xốp, thủy tinh vỡ, gốm sứ vỡ... Nước rác chảy lênh láng ra đường, mùi xú uế nồng nặc gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù các nhà máy điện rác được kỳ vọng sẽ coi chất thải là tài nguyên theo hướng đốt rác phát điện, giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác của thành phố, nhưng việc rác thải chưa được phân loại ngay tại nguồn như hiện nay chính là sự lãng phí.

Theo lộ trình từ 1/1/2025, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Với riêng Hà Nội, trong cả 4 quy trình: phân loại, thu gom, xử lý, tái chế rác thải hiện nay, quá trình đốt rác (xử lý) đã được hoàn thiện thì 3 quá trình còn lại cần được Hà Nội làm tốt hơn thời gian tới. Có như vậy Hà Nội mới trở thành tấm gương “Xanh – Sạch – Đẹp”, thay vì nhìn đâu cũng thấy rác, nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm ngay giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến như hiện nay.

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV