Việt Nam hiện có khoảng 1.300 bệnh viện nhưng chỉ mới có 44 cơ sở triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ có một vài bệnh viện hạng một. 44 bệnh viện là con số quá khiêm tốn sau hơn 4 năm triển khai yêu cầu từ Bộ Y tế.
Lời tòa soạn
Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) trong năm 2023, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên. Thực hiện VTelehealth được xem là cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý toàn diện sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng.
Đến nay, thuật ngữ “khám chữa bệnh từ xa”, “chuyển đổi số” không còn xa lạ với các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn để mang lại giá trị cho thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt là tuyến huyện, xã. VietNamNet đăng tải loạt bài “Khám chữa bệnh từ xa không còn xa khi chuyển đổi số”, phản ánh những hiệu quả, thách thức của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Đầu năm nay, tôi và một số đồng nghiệp từng có chuyến làm việc với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) và Bệnh viện An Giang. Các bác sĩ, cán bộ ở đây nói rằng nếu mất điện là “rất nguy hiểm” vì tất cả quy trình quản lý khám chữa bệnh đều được vận hành bằng máy tính, thay hoàn toàn công việc thủ công viết tay trước đây.
Đó là thành quả chỉ sau vài năm triển khai bệnh án điện tử. Hài lòng là cảm nhận của tất cả y bác sĩ đối với giá trị mà chuyển đổi số mang lại.
Tháng 12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46 đưa ra lộ trình đến hết năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. “Deadline” đã rất gần nhưng con số thực tế đang cho thấy đề án đặt ra là khó khả thi.
Việt Nam hiện có khoảng 1.300 bệnh viện, trong đó khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên ở cả công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Tuy nhiên, trong 44 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy, chỉ có vài bệnh viện hạng 1, nhiều bệnh viện nhỏ, bệnh viện tư nhân. 44 là con số quá khiêm tốn.
Chuyển đổi số để đem lại sự hài lòng cho cả nhân viên y tế và người bệnh hay đang trở thành “con ngáo ộp” đối với hầu hết cơ sở y tế?
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, có người nói đó là ứng dụng công nghệ thông tin; thay đổi quy trình làm việc. Lại có người cho rằng nên hiểu đơn giản là mọi hoạt động của ngành y tế có thể hiển thị trên điện thoại thông minh. Người dân tiếp cận y tế chỉ cần một nút bấm, một cú chạm, là có thể tiếp cận thông tin và cơ sở cung cấp dịch vụ y tế.
Trước khi đưa ra khái niệm về chuyển đổi số y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế duyệt, bản thân tôi và các đồng nghiệp đã có nhiều cuộc làm việc, hội thảo, mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm học thuật, thực tiễn trong nước và quốc tế.
Cuối cùng, chúng tôi đều đưa đến một khái niệm thống nhất: Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới công nghệ số hiện đại dẫn tới sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động của y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Khái niệm này gồm 2 ý. Thứ nhất là phải ứng dụng tổng thể, toàn diện công nghệ thông tin trong các hoạt động ngành y tế. Hai là ứng dụng và tăng cường các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để tạo sự thay đổi có hướng tích cực của ngành y tế.
Vậy điểm nghẽn nào đang trở thành “vật cản, ngáng đường” hành trình ý nghĩa này?
Theo tôi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là nhận thức và mức độ quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đến quá trình chuyển đổi số chưa thật sự sâu sắc.
Dù Thông tư 46 ban hành được hơn 4 năm nhưng nhiều giám đốc bệnh viện gặp tôi vẫn đặt câu hỏi “bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy không” trong khi quy trình, cách thức bỏ bệnh án giấy đã được quy định rất rõ.
Nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy đã được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. Bởi bỏ bệnh án giấy thể hiện sự ứng dụng tổng thể và toàn diện (từ chữ ký số, lưu trữ, giá trị pháp lý…). 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ bậc cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế công nghệ ảo trong đào tạo…
Theo quy trình, phân cấp, giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm tuyên bố bỏ bệnh án giấy, công bố dùng bệnh án điện tử.
Vì vậy, nếu giám đốc phàn nàn không làm được vì chỉ có chuyên môn y tế, không có chuyên môn công nghệ thông tin, tôi không đồng tình với quan điểm này. Bởi chỉ cần lãnh đạo có đam mê, vượt qua những giá trị lợi ích, đặt mục tiêu, đề bài và giao cho cán bộ phòng công nghệ thông tin của bệnh viện thực hiện, giấc mơ chuyển đổi số là hoàn toàn có thể.
Xếp thứ 2 nhưng là điểm nghẽn lớn nhất phải kể đến là cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính liên quan vấn đề này chưa có. Chi phí công nghệ thông tin chưa đưa vào cơ cấu giá viện phí. Hiện kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh dựa vào ngân sách Nhà nước cấp, các chương trình dự án, hoặc dựa vào bố trí của từng cơ sở, không có hạng mục riêng.
Theo nguyên lý của cơ chế thị trường, các yếu tố tác động vào dịch vụ y tế phải hình thành giá. 5 năm trước, Cục Công nghệ Thông tin đã có đề án tính giá thành công nghệ thông tin của ngành. Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó rất đồng tình, ủng hộ.
Theo tính toán, phần ứng dụng công nghệ thông tin chiếm 1-3% trong tổng chi phí của bệnh viện. Ở các nước phương Tây, tỷ lệ này là 5%. Chúng tôi định áp dụng mức 1% đưa vào cấu thành phần chi phí quản lý. Nhưng rất tiếc, sau tính toán, dịch Covid-19 xảy ra, đổi mới giá dịch vụ y tế không thực hiện được.
Giá cũng là cản trở chính cho việc thực hiện đồng bộ phần mềm lưu trữ và truyền tải y tế (PACS) dù việc triển khai thí điểm đã thành công tại nhiều bệnh viện. Ví dụ, hiện tại, Bảo hiểm Y tế chi trả 27.000 đồng/phim X-quang phổi thẳng. Sau nhiều lần trao đổi, chúng tôi thống nhất, với phần mềm PACS khi ứng dụng ở Việt Nam, chi phí chỉ bằng 50% giá trị phim. PACS nếu được triển khai đồng bộ không chỉ giúp các cơ sở y tế tiết kiệm, nâng cao chất lượng chẩn đoán mà còn bảo vệ môi trường vì không phải in phim.
Ngoài ra, kỹ thuật cũng là điều khó khăn trong chuyển đổi số y tế, đặc biệt, các bệnh viện lúng túng trong việc lựa chọn, sử dụng các phần mềm hiện có trên thị trường.
Phải thừa nhận rằng, chuyển đổi số y tế ở bất kỳ quốc gia nào cũng rất khó khăn, không riêng ở Việt Nam. Vì vậy, khi những điểm nghẽn này chưa được giải quyết thì thực trạng “Internet khắp nơi nhưng vẫn phải xếp hàng, lấy số khám” sẽ chưa có hồi kết.
Nhưng tôi tin rằng khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các điểm nghẽn sẽ dần được tháo gỡ, chuyển đổi số y tế sẽ mạnh mẽ hơn.
Nhờ chuyển đổi số, Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện không còn in phim chụp, máy đọc phim vì thế không cần sáng đèn. Một số loại sổ sách chép tay, thậm chí bút viết cũng dần biến mất.
Để đặt lịch khám tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, người dân có thể đăng ký qua tổng đài nhưng vẫn phải đến bệnh viện lấy số dù được vào hàng ưu tiên.
Bảo hiểm y tế đăng ký tại bệnh viện lớn, nhưng người dân rất sợ cảnh xếp hàng, bốc số và chờ đợi. Nhiều người già bị bệnh huyết áp, tiểu đường... đã chọn đến phòng khám vệ tinh hoặc trạm y tế để thoát cảnh mệt mỏi.