Thúc đẩy xử lý nợ xấu thông qua sàn giao dịch
Từ trước đến nay, các ngân hàng chủ yếu đăng thanh lý, phát mãi tài sản hay đấu giá các khoản nợ trên website của mình. Do vậy, người mua sẽ phải tìm kiếm ở rất nhiều trang web khác nhau, nên không tập trung và khó giao dịch. Để tháo gỡ, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã lên kế hoạch đưa sàn giao dịch nợ xấu vào hoạt động kể từ cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới nhằm tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình mua bán nợ xấu.
Mở sàn giao dịch sẽ tạo sân chơi cho người bán, người mua. Hàng hoá rao bán, trao đổi ở đây là các khoản nợ xấu. Tình trạng của khoản nợ sẽ được công khai, minh bạch.
Sàn giao dịch nợ có 2 mảng hoạt động. Một là môi giới, kết nối cung - cầu thị trường. Hai là tư vấn, dàn xếp việc mua bán giữa các bên
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết: "Nguồn hàng cung cấp cho sàn giao dịch nợ gồm 2 nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường, khoảng 2000 tỷ đồng. Thứ hai là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt khoảng 100 nghìn tỷ. Khi sàn đi vào hoạt động, mọi dữ liệu sẽ được xác thực đầy đủ, củng cố hồ sơ để đảm bảo giao dịch minh bạch".
Sàn giao dịch này mới chỉ ở phạm vi khá hẹp của một tổ chức nhưng trên thực tế nhu cầu về một sàn giao dịch nợ đúng nghĩa là chợ nơi có luật lệ cụ thể, có hàng hóa rõ ràng và minh bạch, người tham gia dễ dàng và công bằng thì thực sự còn khá xa vời.
Còn nhiều vướng mắc trong thúc đẩy giao dịch nợ xấu
Các chuyên gia cũng cho rằng: với 65% tài sản đảm bảo vẫn là bất động sản, những vướng mắc trong thẩm định giá tài sản đảm bảo là khá lớn bởi một số địa phương chỉ chấp nhận tổ chức của mình thẩm định mà không cho doanh nghiệp ở địa phương khác vào cuộc, chưa kể Luật Đất đai chưa cho phép cá nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất khiến việc thu hút dòng tiền, nhất là dòng tiền nước ngoài tham gia xử lý nợ sẽ bị hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Cấp cao SK Group tại Việt Nam, cho biết: "Trung bình mỗi khoản nợ xấu được xử lý rơi vào khoảng 100 tỷ đồng, đó là con số lớn. Khi chúng ta mở rộng ra đối tượng có thể giao dịch nợ xấu lại liên quan đến đối tượng nào được mua nợ, đối tượng nào được mua trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp thì chúng ta cũng cần có những quy định chặt chẽ để những người mua nợ xấu thực sự có tiềm lực, có hiểu biết và chấp nhận rủi ro".
Trong khi đó,ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nhận định: "Hiện nay nợ xấu vẫn đang giao dịch theo hợp đồng, tức là đã đàm phán rất kỹ về điều khoản quyền lợi, nghĩa vụ. Do đó, với sàn thì phải tạo ra thứ hàng hoá được mua bán thật dễ dàng. Ở đây còn liên quan đến quy định chứng khoán hoá các khoản nợ xấu để rất nhiều thành phần nhà đầu tư có thể tham gia vào quá trình này".
Hiện có khoảng 30 thành viên đã đăng ký tham gia sàn giao dịch nợ, chủ yếu là các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy sàn giao dịch vẫn chỉ là một chi nhánh của VAMC, hoạt động trong thẩm quyền hạn chế, nhưng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy một "chợ" mua bán nợ thực sự với quy mô rộng.
Tuy sàn giao dịch nợ của VAMC chỉ là nỗ lực của một doanh nghiệp quản lý tài sản trong hệ thống tổ chức tín dụng cũng chưa hẳn có tác động thay đổi câu chuyện mua bán nợ nhưng dù sao đây cũng là bước đầu để thăm dò thị trường, để khai thác vào lĩnh vực dù chờ đã lâu nhưng còn chưa có thị trường là thị trường mua bán nợ và càng chậm sự ám ảnh của nợ xấu sẽ còn đeo đuổi làm chậm lại quá trình tăng trưởng phát triển của doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cả nền kinh tế.
(Theo VTV)
Ngân hàng 'đại hạ giá' bất động sản để thu hồi nợ nhưng vẫn ế
Thời gian qua, ngân hàng đồng loạt rao bán các tài sản bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, mặc dù đã “đại hạ giá” những tài sản này, nhưng qua nhiều lần rao bán vẫn không thành công.