Bảo dưỡng xe định kỳ là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ của ô tô. Vậy khi nào cần thay thế bugi ô tô? Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn rõ hơn.
Bugi ô tô là gì?
Bugi là bộ phận cuối cùng nằm trong hệ thống đánh lửa của xe ô tô, đảm nhận vai trò cung cấp tia lửa điện cho quá trình đốt cháy thông qua một dây dẫn nối giữa ắc quy và bugi.
Bugi ô tô (Ảnh minh họa) |
Trung bình, một bugi có thể phát tia lửa điện từ 27,5 triệu đến 110 triệu lần trong suốt thời gian hoạt động. Vì phải hoạt động ở điều kiện áp suất nén lên đến 50 kg/cm2 và một môi trường nhiệt độ khoảng 2.500°C nên bugi cần được làm từ các chất liệu có độ bền và khả năng chịu nhiệt cũng như áp suất cao. Do đó, các vật liệu như đồng, niken, iridi và bạch kim thường được sử dụng trong các bộ phận của bugi. Ngoài ra, để bảo vệ và cách điện, gốm cũng được sử dụng trong cấu tạo của bugi.
Phân loại bugi ô tô
Thông thường, bugi ô tô sẽ được phân loại theo khả năng tản nhiệt, gồm 2 loại: Bugi loại nguội và Bugi loại nóng.
Bugi loại nguội
Đây là loại bugi sở hữu khả năng tản nhiệt nhanh và dễ dàng làm nguội. Bugi loại nguội thường được sử dụng cho động cơ có tỉ số nén cao, xe thường chuyên di chuyển ở tốc độ cao, quãng đường dài và có trọng tải lớn.
Buigi loại nóng
Loại bugi này hấp thụ nhiều nhiệt từ buồng đốt động cơ nhưng khả năng dẫn nhiệt kém, do đó khó tản nhiệt và dễ nóng lên. Bugi loại nóng thường được sử dụng cho động cơ có tỉ số nén thấp, xe chạy ở tốc độ thấp, quãng đường ngắn và có trọng tải nhẹ.
Cơ chế thoát nhiệt của hai loại bugi (Ảnh minh họa) |
Khi nào cần thay thế bugi ô tô?
Theo các chuyên gia khuyến cáo, bugi ô tô nên được thay thế sau khi xe đã đi được quãng đường khoảng từ 60.000 km đến 100.000 km. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính tương đối cho tất cả các loại xe. Vì vậy, chủ xe cần cân nhắc để bảo dưỡng hoặc thay thế bugi ô tô khi bắt gặp những dấu hiệu dưới đây.
Xe không nổ máy hoặc khó khởi động
Hiện tượng máy không nổ xảy ra là do bugi gặp vấn đề như nhiễm bẩn, bị nứt, bị mòn… nên không thể đốt cháy hỗn hợp không khí và nhiên liệu.
Khi động cơ bị lạnh, việc đánh lửa rất khó khăn, vì khối điều khiển động cơ (ECM) phải bổ sung thêm nhiên liệu để có thể giải phóng hơi nước đọng lại trong xi lanh. Việc này có thể làm mòn bugi dẫn dến khó bắt lửa, kết quả là xe khó khởi động.
Tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn
Ngoài ra, những vấn đề về bugi sẽ khiến động cơ phải tiêu hao mức nhiên liệu nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân của việc này là do ECM không còn kiểm soát được hàm lượng oxy hoặc cường độ tia lửa nên dẫn đến quá trình đốt cháy kém, do đó phải bổ sung nhiên liệu để bù.
Hiện tượng xe rung nhiều khi ở chế độ nghỉ
Người lái có thể dễ nhận biết các vấn đề ở bugi hơn khi xe ở chế độ nghỉ (chạy không tải), ví dụ như động cơ rung mạnh hơn, dẫn đến xe rung động nhiều.
Báo hiệu của đèn động cơ
Đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất để người lái có thể biết rằng động cơ xe của mình đang có vấn đề với bugi, nhờ vào sự nhạy cảm hơn nhiều của ECM khi phát hiện quá trình đốt cháy không diễn ra hoàn toàn trong xi-lanh.
Công suất kém
Quá trình tăng tốc ở xe được thực hiện bởi dưới sự điều khiển của ECM khiến bugi tạo ra tia lửa mạnh để có thể đốt cháy nhiều nhiên liệu và cung cấp nhiều năng lượng hơn. Vì vậy, khi bugi bị lỗi hoặc hỏng thì sẽ không thể đáp ứng để tạo ra tia lửa đủ mạnh cho quá trình này.
Các triệu chứng cần thay thế bugi (Ảnh minh họa) |
Thanh Lam (theo The Drive)
Bạn đã từng chứng kiến những tình huống va chạm giao thông thót tim? Hãy chia sẻ video từ camera hành trình về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Cần bảo dưỡng những bộ phận nào để “xe cỏ” êm mượt đi Tết?
Những chiếc ô tô sử dụng trên 10 năm thường có nhiều bộ phận xuống cấp, hỏng hóc. Tuy nhiên, chỉ cần chú ý bảo dưỡng các bộ phận dưới đây là chiếc xe trở nên êm mượt, trơn tru để vi vu dịp cuối năm.