Mấy hôm nay, một người bạn của tôi là doanh nhân gọi điện hỏi suốt về thông tin Hải Phòng chống dịch Covid-19. Anh cần giải quyết thủ tục cho một lô hàng ở địa phương này nhưng không dám đi vì sợ bị ‘cách ly’ 14 ngày khi đến từ Hà Nội. Thú thật, tôi không biết trả lời thế nào. 

Băn khoăn của vị doanh nhân trên cũng là băn khoăn của rất nhiều người dân khác trước thông tin một số địa phương đã tiến hành các chính sách ‘cách ly’ rất cực đoan trên địa bàn, khác hẳn tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đó là những việc như cách ly tất cả người từ nơi có dịch về trong vòng 14 ngày và buộc bắt đóng phí; phạt người ra đường không có lý do chính đáng; bắt người dân ra khỏi địa bàn tỉnh phải xin ‘giấy phép’ và buộc phải cách ly tập trung 14 ngày sau khi trở về; không cho xe cá nhân từ vùng dịch về đi vào địa phận; bắt cách ly người đi ngoài đường không có lý do chính đáng sau 22 giờ; đào đất, đổ bê tông chặn đường,… Còn nhiều các biện pháp cực đoan khác không thể liệt kê hết được. 

Những động thái đó thể hiện sự cát cứ địa phương đến nỗi liên tục mấy ngày gần đây, Văn phòng Chính phủ phải gửi văn bản hỏa tốc cho các bộ ngành, địa phương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19. 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội”. 

{keywords}
Khi một số địa phương tự cách ly với phần còn lại của quốc gia

Mặc dù vậy, đến hôm nay một số địa phương vẫn chưa có động thái thay đổi những chính sách đó. Nhiều lãnh đoạn tỉnh còn viện dẫn tinh thần “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”, “cách ly toàn xã hội” để biện minh cho những chính sách của tỉnh mình. 

Vệc đắp lũy rào đường, ngăn sông cấm chợ vào xã mình, làng mình đang ngăn cản chính những người địa phương có những việc rất cần kíp, như đi viện, cấp cứu hay cứu hỏa. 

“Cách ly người đi về từ vùng dịch” là vùng dịch nào? Chẳng hạn Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh chưa mà cấm người dân từ các tỉnh thành này đến địa phương mình? Quy định đó dựa trên văn bản pháp luật nào ở nước ta? 

Bắt buộc người dân ‘cách ly’ trả tiền là hoàn toàn khác với Khoản 2.16, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”. 

Vì sao lại quy định những người dân ra khỏi địa bàn phải ‘xin giấy phép”? Điều này rõ ràng là tạo cơ chế xin-cho, giúp những người được quyền ‘cho” cơ hội được vòi vĩnh, ban phát. Ngay cả quy định “lý do chính đáng” mà một số địa phương áp dũng cũng rất mù mờ, dễ bị lạm dụng mà câu chuyện UBND xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk xử phạt 200 ngàn đồng đối với mấy tài xế ngồi trên cabin, những người đang chở lương thực, thực phẩm, là ví dụ. 

Phạt người dân đi đường với mức phạt cụ thể thì căn cứ vào luật nào của Nhà nước? 

Chính phủ đã đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ mềm dẻo đến chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn chống dịch bệnh. Chính phủ khẳng định Chỉ thị 16 không phải là ban bố “tình trạng khẩn cấp” và vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. 

Trong khi đó, người dân nói chung có tinh thần cảnh giác rất cao độ với virus. Bằng chứng là đa số phụ huynh đồng tình cho con nghỉ học ngay từ khi dịch bệnh mới ở giai đoạn 1. Nghe lời Chính phủ, đa số đang ở lại trong nhà, đa số cơ quan cho nhân viên làm việc từ nhà khi có thể, và họ chỉ đi ra ngoài đường khi có những việc không đừng được. 

Vậy thì tại sao các địa phương lại có chính sách chống dịch riêng? Cần nhớ chúng ta là một quốc gia thống nhất, Nhà nước ở nước ta là nhà nước đơn nhất, vì thế, luật pháp của chúng ta là thống nhất trên toàn quốc. 

Khi những tỉnh có chính sách riêng như vậy thì còn đâu tính hiệu lực, hiệu quả của các quyết định của chính quyền trung ương? 

Người bạn doanh nhân của tôi không dám đi Hải Phòng kể, anh đành hủy lô hàng đó và cho một số nhân viên nghỉ việc. Đó là điều rất cay đắng cho anh. Liệu có bao nhiêu doanh nhân, bao nhiêu người dân khác gặp tình huống tương tự? 

Chúng ta là một nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, khi nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại đã bị ngưng trệ vì dịch Covid-19, lẽ ra chúng ta phải kích thích nội nhu để cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp, cứu công ăn việc làm của người dân. 

Vậy mà những chính sách địa phương đó lại tạo thêm gánh nặng, kìm kẹp người dân mưu sinh và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. 

E là nếu được kéo dài thì những chính sách đó sẽ làm cho những khó khăn kinh tế đến sớm hơn dự liệu rất nhiều. Và đương nhiên, chính sách của chính quyền trung ương không được tuân thủ - điều cực kỳ nguy hại trong thời chiến để ‘chống dịch như chống giặc’. 

Tư Giang