- Khi nhà nước vận hành theo một cơ chế thông suốt không chồng chéo, sẽ hạn chế được việc lạm quyền. Nếu không, sẽ chỉ tạo ra các kẽ hở dẫn đến trì trệ và tham nhũng. Thiệt hại cuối cùng là nhân dân và đất nước - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc trao đổi với VietNamNet.

Chậm, trì trệ

Qua 4 năm thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh giản bộ máy, ông thấy kết quả đã đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu hay chưa?

- Cải cách bộ máy là xu thế được xác định từ rất sớm trong văn kiện Đại hội Đảng. Nhưng trong quá trình chuyển đổi cũng còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.

  Ông Thang Văn Phúc: Thành lập thêm tổng cục thì thêm bộ máy, con người nên thủ tục hành chính cũng khó giảm được. Ảnh: Lê Nhung
Tư tưởng chính là chuyển đổi từ chỉ đạo kiểu chỉ huy sang vai trò là người định hướng, hoạch định chính sách phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn chưa được như mong muốn.

Trước cải cách, chúng ta có 76 đầu mối của Chính phủ, bao gồm các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.

Đến khóa XI, chúng ta còn 26 bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ, như vậy là giảm gần một nửa. Đến khóa XII, giảm còn 22 bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Thế là đã gọn nhẹ hơn.

Việc chuyển đổi này căn bản là muốn chuyển bộ máy theo chức năng mới. Tuy nhiên, bước chuyển đổi vẫn chậm và trì trệ. Vì thế hoạt động vẫn chưa hiệu quả, còn chồng chéo.

Cụ thể là gì, thưa ông?

- Nhà nước vẫn đang tiếp tục can thiệp quá sâu vào thị trường. Bộ máy bắt đầu sa vào giải quyết quá sâu những vấn đề cụ thể. Nhiều việc không làm xuể, thế là phát sinh tổng cục, chi cục khiến đầu mối thì giảm mà cơ cấu bên trong vẫn tiếp tục phình to. Chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Bối cảnh lạm phát mấy năm vừa qua đã phơi bày rõ sự lúng túng.

Tôi cho rằng, nhà nước có chức năng hoạch định cơ chế chính sách cho đúng, còn lại cuộc sống và thị trường sẽ tự điều chỉnh. Việc cải cách phải theo hướng phân công rạch ròi nhiệm vụ giữa các cơ quan của Chính phủ để mỗi đơn vị làm đúng quyền hạn được giao, tránh sự dựa dẫm, ỷ lại.

Ví dụ, nhiều việc nếu để một đầu mối giải quyết là tốt, nhưng nâng cấp lên, lập một tổng cục là buộc phải phối hợp. Mà phối hợp là một trong những yếu kém nhất trong chỉ đạo điều hành của chúng ta, rất mất thời gian.

Đòi hỏi của kinh tế thị trường không đợi chúng ta ngồi thảo luận, phối hợp nhiều mà cần đề cao sự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Thành lập thêm tổng cục thì thêm bộ máy, con người nên thủ tục hành chính cũng khó giảm được.

22 bộ vẫn nhiều

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ phê chuẩn bộ máy Chính phủ khóa mới và các nhà nghiên cứu đang bàn về các xu hướng tiếp tục cải cách bộ máy. Theo ông, trước mắt nên ưu tiên cải cách theo hướng nào?

- Số lượng 22 bộ ngành như hiện nay vẫn nhiều. Có lẽ khóa này phải giảm xuống còn khoảng 20 bộ, khóa sau giảm còn 16 bộ.

Phải tính lại và tiếp tục cơ cấu lại các bộ vì 22 bộ vẫn nhiều.

Nhưng như ông nói ở trên là chỉ sáp nhập bộ rồi lại thành lập thêm tổng cục khiến bộ máy tiếp tục phình ra, thì việc giảm đầu mối liệu có còn ý nghĩa?

- Nhiệm kỳ vừa qua chỉ sáp nhập các cơ quan mà không tính tới chuyển đổi chức năng nên số đầu việc vẫn nhiều.

Sắp tới phải xác định rõ ràng phạm vi những việc nhà nước cần làm. Chính phủ chỉ giữ lại những nhiệm vụ tối thiểu cần thiết, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Ngoài ra, bộ máy phải có năng lực kiểm soát được toàn bộ tình hình và khống chế bằng cơ chế, chính sách.

Sau khi đã phân định được rõ ràng chức năng thì mới tính đến việc giảm đầu mối, sáp nhập, tinh giản.

Một khi nhà nước làm đúng chức năng thì bộ máy gọn gàng, không chồng chéo nhiệm vụ. Tất nhiên, các điều kiện đi kèm là phải có đội ngũ quản trị đủ giỏi để chuẩn bị cơ chế, chính sách tương thích với cung cách quản lý trong cơ chế thị trường. Phải có một đội ngũ cấp cao làm chính sách pháp luật vĩ mô trong tình hình mới hiện nay thì mới ra được chủ trương đúng.

Phải làm mạch lạc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, trong đó có nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước. Mặt khác, cần làm rõ chức năng các bộ, những cơ quan đứng đầu hành chính về ngành và lĩnh vực. Từ đó trao đủ quyền cho bộ trưởng. Tăng quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Rà soát chức năng các đơn vị trong một bộ. Trường hợp cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp.

Vậy còn với tình trạng cơ quan cấp dưới đẩy việc lên cho cấp trên, đặc biệt là việc gì cũng xin ý kiến Thủ tướng?

- Chúng ta đang thực hiện phân cấp song lại nửa vời nên dẫn đến tình trạng cấp dưới đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, thế là vô can.

Cơ quan hành chính cấp dưới muốn chắc ăn, cứ trình lên xin cấp trên cho ý kiến rồi căn cứ vào đó mà làm.

Trong khi đó, theo nguyên tắc tổ chức thì Thủ tướng chỉ quản lý ở cấp quốc gia. Đã là việc của các bộ, ngành thì các vị trưởng ngành phải chịu trách nhiệm chứ không thể đẩy hết lên trên được. Đẩy việc lên cho Thủ tướng dẫn đến tình trạng ôm đồm. Từ đó, bộ phận tham mưu càng phình to thêm và có thể sẽ phát sinh vấn đề bởi các nhóm lợi ích.

Như vậy trong bộ máy đang có vấn đề về xác định trách nhiệm cá nhân cũng như kiểm soát quyền lực. Tới đây chúng ta cần đổi mới theo hướng như thế nào để mỗi việc đều có người chịu trách nhiệm và quyền lực được kiểm soát?

- Cơ cấu tổ chức như hiện nay cho thấy rất khó để kiểm soát quyền lực. Mọi quyết định đều mang tính tập thể.

Tuy nhiên, có thể kiểm soát quyền lực người đứng đầu thông qua cơ quan Quốc hội hoặc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Và quan trọng nhất là sự kiểm soát của người dân. Người đứng đầu Chính phủ phải xác lập được uy tín chính trị trước dân.

Một số nước khác có cơ chế sử dụng các nhóm chuyên gia phản biện chính sách.

Nói chung, khi nhà nước vận hành theo một cơ chế thông suốt không chồng chéo thì sẽ hạn chế được việc lạm quyền. Còn nếu không, sẽ chỉ tạo ra các kẽ hở dẫn đến trì trệ và tham nhũng. Thiệt hại cuối cùng là nhân dân và đất nước.

Lê Nhung

Bài 4: Trao thực quyền cho bộ trưởng

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Đức Chiến, vấn đề đáng chú ý trong tổ chức Chính phủ hiện nay là chưa thực hiện tốt việc phân định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, dẫn đến chồng chéo và khó quy được trách nhiệm.


Bài 1: Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi
Thủ tướng nào cũng muốn có một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực, trình độ để tham mưu cho mình và để có một chính phủ mạnh...

Bài 2: Làm bộ trưởng vừa khó vừa dễ
Muốn trở thành bộ trưởng, hai trong số tiêu chuẩn phải đáp ứng: là ủy viên TƯ và kinh qua vị trí lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh. Điều này đã loại đi khá nhiều người có năng lực thực sự, đủ sức làm bộ trưởng.