Thông tin công an thị xã Từ Sơn và công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện lệnh khám nhà và bắt giữ Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá 'bảnh') và hai người bạn khác cùng sinh năm 1993 về hành vi tổ chức đánh bạc và liên quan đến hoạt động tín dụng đen tối 1/4 làm nhiều người chú ý.
Trước đó, Khá 'bảnh' là một hiện tượng mạng xã hội khi nhiều lần đăng tải các clip nhạy cảm lên trang cá nhân như: đốt xe, dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc, hay những clip nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc.
Các hành vi này dù đã bị công an xử phạt nhưng trên trang cá nhân, Khá 'bảnh' lại được hàng ngàn người theo dõi, chào đón và tung hô.
Trang cá nhân của Khá 'bảnh' có gần 2 triệu người theo dõi. Nhiều bạn trẻ đến xin chữ ký, chụp hình với Khá. |
Cụ thể, nhiều bạn trẻ đã đến nhà xin chữ ký, chụp hình chung với Khá. Hay khi xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái, Khá 'bảnh' được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như 'người nổi tiếng'.
Khi bị bắt, Khá khai, bắt đầu làm ‘video vui vẻ’ dưới tên ‘Khá bảnh’ trên YouTube từ năm 2017. Lúc tài khoản cá nhân có gần hai triệu người theo dõi, có tháng Khá được trả gần 400 triệu đồng từ phía nhà mạng.
Trước Khá, nhiều đại ca giang hồ như: Dũng trọc, Quang rambo, Huấn hoa hồng, Khánh sky… cũng được nhiều người chú ý khi quay các video phản cảm, bạo lực đăng lên trang cá nhân.
Cuối cùng, những người này cũng phải chịu hình phạt của pháp luật vì các hành vi của mình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, những người như Khá đã lợi dụng quyền tự do mà luật cho phép để có những lời nói dung tục, hình ảnh phản cảm, hành động phi pháp nhằm mục đích thu hút người xem, theo dõi trang cá nhân để kiếm tiền.
Việc làm của Khá là không đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt, vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến những người ‘hâm mộ’ mình.
Theo ông Tiến, hiện nay, rất nhiều người kiếm tiền từ mạng xã hội bằng sự nổi tiếng của mình thông qua các tài năng như: ca hát, đàn, nhảy, chụp ảnh hay các tài lẻ khác.
'Youtube trả tiền cho Khá là họ căn cứ vào số lượng người xem, theo dõi trang cá nhân của anh ta. Điều chúng ta cần gay gắt lên án là cách kiếm tiền của Khá bằng các hành động không thể chấp nhận được', ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết, trước đây, dư luận xã hội rất được đề cao và tôn trọng, chỉ cần người nào phát ngôn không đúng sẽ bị tẩy chay, xa lánh. Nhưng hiện nay, các hành động như Khá lại được nhiều người xem là hiện tượng, trào lưu, thú vui nhất thời.
'Tôi thấy, như vậy rất nguy hiểm. Phải chăng, bây giờ nhận thức, đạo đức đại đa số giới trẻ chúng ta đang đi xuống', ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng, hành vi của Khá cần phải bị cơ quan nhà nước quản lý, xử phạt, lên án thì mới có thể chấm dứt. Còn không, nó sẽ luôn tồn tại và ngày càng phát triển, kéo theo những hệ lụy khôn lường.
Theo ông Tiến, hiện nay, lượng người truy cập mạng xã hội ở nước ta rất nhiều. ‘Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân là họ quá rảnh. Thay vì dùng thời gian để học tập, sản xuất kinh doanh thì lại dùng cho mạng xã hội”, vị Tiến sĩ nói.
Theo Tiến sĩ Tiến, Khá 'bảnh' nổi tiếng một phần là do anh ta biết 'đánh' vào tâm lý của nhiều người có học thức thấp, nhận thức còn hạn chế, một phần là tính tò mò của người dân.
“Chính quyền phải tuyên tuyền, giải thích cho người dân và có các hình phạt thích đáng với những người như Khá để làm gương. Ngay cả trang Youtube, mạng xã hội khác nhà nước cũng nên quản lý chặt, khuyến cáo rộng rãi về các hành vi đi ngược với số đông. Đừng để người lao động chân chính, làm việc bằng tài năng lại không bằng một kẻ có các hành vi vi phạm đạo đức, hành động ngông cuồng như Khá’, ông Tiến nhấn mạnh.
Tung hô Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền: Mối lo thực từ 'giang hồ ảo'
'Những điều mới lạ, những hành vi khác biệt luôn có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt với những người ở độ tuổi chưa phân biệt được cái tốt cái xấu’, chuyên gia tư vấn tâm lý lý giải việc giới trẻ hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh.
Diệu Thuần