Một nhóm đại gia trong TOP mười người Việt giàu nhất trên sàn chứng khoán đang chuyển hướng làm ăn sang nông nghiệp. Nhưng chẳng ai quan tâm đến chuyện đầu tư cho cây lúa, vốn là loại cây chủ chốt trong nền nông nghiệp Việt.

Ngang qua vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những ngày này, hình ảnh quen thuộc là cánh đồng lúa với một màu vàng hoe trải dài làm say lòng các nhiếp ảnh gia, các đạo diễn phim truyền hình.

Lo âu khắc khoải

Tuy vậy, nếu ai đó có lòng và chịu khó quan sát thêm một chút nữa sẽ thấy giữa bức tranh thơ mộng kia là những khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng của những người nông dân cùng với bao  lo âu, khắc khoải. Họ đang đứng ngồi không yên do có nơi lúa đã chín rục nhưng có nơi không thương lái nào đến mua, hoặc có nơi thương lái tuy có đến “đặt cọc” nhưng lại không cho cắt [1]...

“Giữa cái nắng chang chang, bà Nguyễn Thị Thắm (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) đi một vòng nhổ bỏ những bông lúa bị đen hay trụi hạt do đã quá “già” ngày tuổi. Vụ đông xuân này bà Thắm sạ giống lúa thơm (OM 4900) do những năm trước bán rất “chạy”, song đám lúa của bà vẫn chưa thể thu hoạch vì không thương lái nào chịu mua. “Bán không được, cắt về thì không có chỗ phơi, không có người phơi. Thuê người thì không biết lấy tiền đâu ra trả” - bà Thắm nói.”

Những dòng trên là phản ánh của nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ  [2]. 

{keywords}

 Ảnh: TTXVN

Quanh chuyện người nông dân trồng lúa, đã có không biết bao nhiêu các cuộc hội thảo lớn nhỏ diễn ra trong và ngoài nước. Các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp đăng đàn kêu gọi phải có giải pháp.

Gần đây nhất là Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (trong đó có vấn đề trồng lúa) vậy mà cứ hẹn lại lên, đến mùa thu hoạch là cái điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa” lại ám ảnh những người nông dân chân lấm, tay bùn này?

Cũng chẳng biết nói sao nhưng với cái đà này, hẳn tới đây những cuộc hội thảo lớn nhỏ hứa hẹn sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Chưa biết giải pháp nào được nêu lên và hiệu quả đến đâu nhưng có thể chắc chắn một điều: Tất cả chúng ta (trong đó có người viết bài này) đang mắc nợ những người nông dân trồng lúa một tấm lòng bao dung cùng một lời cảm ơn chân thành khi mỗi ngày đều “bưng bát cơm đầy” trong bữa ăn hàng ngày.

Không những vậy, chính họ chứ không ai khác ngày qua ngày trong sự âm thầm, lặng lẽ mang đến cho tất cả chúng ta một niềm tự hào, kiêu hãnh, được “nở mày nở mặt” với thiên hạ vì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì trên thế giới.

Ai cũng đi vay, nhưng không ai chịu trả?

Nợ vay phải trả. Đó là lẽ tất nhiên, thế nhưng xem ra, món nợ này đến giờ không những chưa có ai lên kế hoạch để trả cho rốt ráo mà còn có nguy cơ ngày một chất chồng thêm.

Vì lẽ gần đây, qua các phương tiện truyền thông người ta được biết có một nhóm đại gia trong TOP mười người Việt giàu nhất trên sàn chứng khoán, đang chuyển hướng rẽ sang làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các đại gia chen chân sang làm thêm nghề nông. Nhưng,  có một thực tế đáng buồn là chẳng ai mảy may quan tâm đến chuyện trồng lúa hay làm cách nào để giúp người nông dân Việt có "đầu ra" để tiếp tục chuyên tâm với cây lúa.

Người thì dự định “sản xuất rau, quả sạch”,  người thì đầu tư dây chuyền “sản xuất thức ăn chăn nuôi” và một người thì từ lâu đã “quyết định sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu và ngô...” [3].

Dễ dàng nhận ra, các vị đại gia "đầu óc có sỏi" kia hoàn toàn không mặn mà gì với cây lúa mà vốn dĩ ai cũng biết vẫn đang là sức sống chủ yếu của nền kinh tế ở đất nước này. Hoặc nếu không, lựa chọn của họ cũng cho thấy, nếu cứ lao vào mặt trận này, lờ lãi rồi thì cũng chẳng được là bao.

Tôi chợt nhớ đến ca từ trong bài hát với tiêu đề “Hát về cây lúa hôm nay” của nhạc sĩ Hoàng Vân viết cách đây đã 37 năm: “Tôi viết bài ca ngợi ca cây lúa/ Và người trồng lúa cho quê hương/Quê hương ơi, có gì đẹp hớn lúa/Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt...”

Hẳn là khi hoàn thành bài hát này vào năm 1978, nhạc sĩ Hoàng Vân luôn vững vàng một niềm tin về sự đổi đời của người nông dân sau khi đất nước đã được độc lập, thống nhất. Vì vậy mà trong suốt bài hát này ông liên tục lặp lại câu  “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay” trong niềm hân hoan, phấn chấn.

Thế nhưng, không biết giờ đây niềm tin kia của nhạc sĩ Hoàng Vân còn vững vàng nữa không nếu như ông biết mỗi khi bắt đầu vào “mùa gặt” là y như người nông dân Việt lại phải sống trong bao nỗi lo âu bởi những giải pháp, những tính toán lâu nay của các nhà quản lý nhằm giúp người nông dân trồng lúa có lãi 30% lâu nay vẫn đang là một giấc mơ buồn? Giống như lúc này đây người dân trồng lúa vùng ĐBSCL đang đối mặt với chuyện“lúa ế” mà chưa biết lối thoát ở đâu! Ấy là chưa kể chuyện khi bán được lúa thì không những bị thương lái ép giá mà còn bị những tay “cò” lúa ăn chặn...[4]

Không biết rồi đây ai trong chúng ta sẽ là người tiếp lời nhạc sĩ Hoàng Vân để “hát về cây lúa” và ngợi ca, vinh danh người nông dân Việt?

Có lẽ nào, tất cả chúng ta đều đi vay nhưng không một ai chịu trả?

---------------------

Chú thích nguồn:

[1] Xem bài “Nông dân khổ vì thương lái không cho... cắt lúa”. http://tv.tuoitre.vn/tin/13820/nong-dan-kho-vi-thuong-lai-khong-chocat-lua

[2] Xem bài “Lúa ế”. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 16/3/2015. http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150316/lua-e/721016.html

[3] Xem bài “3 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán đi làm nông nghiệp”. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/3-dai-gia-giau-nhat-san-chung-khoan-di-lam-nong-nghiep-3157771.html

[4] Xem bài “Cò lúa ăn chặn tiền bán lúa của nông dân”  http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150303/co-lua-an-chan-tien-ban-lua-cua-nong-dan/715433.html