Khi công nghệ “len lỏi” vào tiệm tạp hóa

Tại Indonesia, không khó để người dân trải nghiệm thương mại điện tử tại các tiệm tạp hóa sau sự xuất hiện của Tokopedia. Ứng dụng này được khởi xướng với mục tiêu tạo điều kiện cho chủ tiệm tạp hóa cùng lúc kinh doanh dịch vụ bán buôn – bán hàng thông thường và dịch vụ sản phẩm công nghệ - bán hàng trực tuyến qua Tokopedia. Với dịch vụ bán buôn, ứng dụng của Tokopedia – còn được gọi là Mitra Tokopedia, cho phép các chủ cửa hàng nhập hàng với giá rẻ hơn, đặc biệt khi nhập hàng hóa không cần đóng cửa hàng như cách truyền thống, gia tăng tối đa thời gian kinh doanh. Nhờ khả năng kết nối chủ tiệm tạp hóa với các cơ sở sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản về vị trí địa lý, giảm tải quy trình vận hành bán lẻ, Mitra Tokopedia được ưa chuộng và đã có mặt tại hơn 20 thành phố lớn, bao gồm Bogor, Bekasi, Bandung, Yogyakarta, Banda Aceh, Medan, Palembang và Pekanbaru.

Warung Pintar cũng là một “kỳ lân khởi nghiệp” tại Indonesia vào năm 2017 khi triển khai cùng cách thức hợp tác với tiệm tạp hóa. Ngoài máy tính bảng, công ty này trang bị các ki-ốt thông minh cho chủ tiệm tạp hóa, có màn hình kết nối Wi-Fi và camera giám sát với chi phí $5.000 (khoảng 116 triệu đồng). Máy tính bảng được Warung Pintar cung cấp còn giúp chủ tiệm tạp hóa theo dõi doanh thu, hàng tồn kho và đặt mua hàng hóa.

{keywords}
StoreKing mang công nghệ đến tiệm tạp hóa, mang lại nhiều lợi ích cho chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Tại Ấn Độ, StoreKing cũng nổi lên trong “giới tạp hóa” từ khi được thành lập vào năm 2012 bởi một công ty khởi nghiệp trẻ. Trong các cửa hàng truyền thống được StoreKing hiện đại hóa, chủ cửa hàng có thể đặt mua hàng với giá sỉ thông qua máy tính bảng được chính StoreKing cung cấp. Nhờ vậy, chủ tiệm tạp hóa không bị rơi vào tình trạng “hết hàng”, thậm chí còn được nhận hoa hồng khi bán hàng cho StoreKing.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Growsari, được thành lập vào năm 2015, đi theo hướng loại bỏ khâu phân phối hàng hóa trung gian để giúp tăng thu nhập cho một triệu tiệm tạp hóa ở Philippines. Theo đó, nền tảng công nghệ của Growsari giúp các tiệm tạp hóa có thể đặt mua tới 4.000 mặt hàng tiêu dùng và được giao hàng miễn phí ngay ngày hôm sau. Với việc tập hợp đơn hàng từ nhiều tiệm tạp hóa, Growsari sẽ đặt mua hàng hóa với mức giá rẻ hơn từ chính hãng sản xuất. Ngoài ra, Growsari còn sẵn sàng dành những khoản vay nhỏ cho các chủ tiệm tạp hóa để mở rộng kinh doanh.

Xu hướng tất yếu đem lại lợi nhuận trong trung và dài hạn

Kết quả nghiên cứu từ PT Visa Worldwide cho thấy, 95% giao dịch vẫn được thực hiện bằng hình thức tiền mặt. Chính vì vậy, nhiều “ông lớn” đã tiên phong xây dựng cầu nối cho mua sắm truyền thống và trực tuyến giống như StoreKing hay Tokopoedia và đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Đây cũng là giải pháp để thương mại điện tử và những công ty công nghệ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là những người từ phân khúc thu nhập trung bình đến thấp và chủ yếu thực hiện tất cả các giao dịch truyền thống.

“Tỷ lệ bán lẻ offline tại Indonesia vẫn rất lớn. Trong khi thương mại điện tử chỉ chiếm dưới 4% tổng doanh số bán lẻ của cả nước, thì 96% còn lại vẫn đang là hoạt động bán hàng ngoại tuyến. Do đó, chúng tôi tin rằng mạng lưới đại lý là mô hình hiệu quả nhất để nắm bắt thị trường này”, Agung Nugroho, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập GrabKios cho biết.

Cùng lúc đó, sự “xâm nhập” của công nghệ đang chứng minh hiệu quả khi đem đến lợi ích cho toàn thị trường. Các “kỳ lân khởi nghiệp” trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tokopedia đã giúp ích cho hàng triệu người dân tại đất nước này. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Khoa học Xã hội của trường Đại học Universitas Indonesia, Tokopedia đã đóng góp vào hơn 1% GDP nền kinh tế Indonesia và tạo ra 10,3% tổng số cơ hội việc làm mới. Trong khi đó, Warung Pintar, dù chỉ mới thành lập năm 2017 nhưng đã đón nhận sự hợp tác từ hơn 1.000 chủ tiệm tạp hóa. Công ty này cho biết, trung bình mỗi chủ tiệm tạp hóa đạt mức thu nhập cao hơn 40% so với trước đây nhờ sử dụng ki-ốt thông minh và các dịch vụ Warung Pintar.

{keywords}
Warung Pintar cho biết, trung bình mỗi tiệm tạp hóa đạt mức thu nhập cao hơn 40% so với trước đây.

Ứng dụng StoreKing tại Ấn Độ cũng ghi nhận doanh thu 4,2 triệu USD cùng mạng lưới 10.000 thành viên trong một báo cáo gần đây.

Có thể thấy, dù hiện các hệ thống siêu thị lớn hay thương mại điện tử đã chứng minh sức mạnh nhưng không thể thay thế các cửa hàng tạp hóa, đặc biệt ở khu vực Châu Á bởi những ưu điểm khác biệt như thân thiện, gần nhà, tiện lợi.... Tokopedia, Warung Pintar tại Indonesia, StoreKing tại Ấn Độ hay ngay cả ông lớn Alibaba với LST cũng phải “ngả mũ” và bắt tay với kênh bán lẻ truyền thống đầy quyền năng này. Đây mới chỉ là những bước chân tiên phong đầu tiên của xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích lâu dài trong thị trường bán lẻ, cho các chủ cửa hàng và đặc biệt là người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, thống kê của Nielsen cho thấy có 1,5 triệu nhà bán lẻ trong bức tranh nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, trong đó 71% tổng doanh số thị trường đến từ các cửa hàng tạp hóa. Đây chắc chắn là thị trường rộng mở chào đón các ông lớn công nghệ khai thác.

Phương Dung