- "Ta nghèo, cần cân nhắc mua quần hay áo trước. Nhưng hàng không là loại hình giao thông không thể thay thế. 10 năm sau mới có Long Thành thì rõ ràng đã chậm".

Gần 4h30 chiều, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đứng từ tầng 2 nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất nhìn ra đường băng nhắc: "Sắp đến giờ cao điểm". Cảnh tượng diễn ra ít phút sau đó có lẽ không khác trò chơi xếp máy bay mô hình vui mắt của một đứa trẻ.

Những chiếc máy bay nối đuôi nhau chờ xếp hàng cất cánh trong khi đường băng ít phút lại có máy bay lên, xuống chênh nhau từng phút lẻ, dày đặc ở đường băng. 

{keywords}
Với ga quốc nội ở Tân Sơn Nhất, hầu hết các giờ đều là giờ cao điểm

Có lẽ cảnh tượng này mới là lý do thuyết phục nhất cho lý do "trễ, chậm, hủy" chuyến của những hãng hàng không bị mất danh, mang tên "sorry airlines" như nhiều người luôn than trách.

Tân Sơn Nhất quá tải là một sự thực. Công suất giờ cao điểm lên đến 8.500 hành khách/giờ, trong đó nhà ga quốc tế là 4.000 hành khách/giờ, nhà ga nội địa là 4.500 hành khách/giờ, với trung bình 500 lượt bay/ngày, có lúc lên đến 570 lượt, 5 phút lại có một chuyến cất, hạ. 

Việc máy bay phải bay vòng hàng chục phút để chờ hạ cánh là chuyện thường tình. Bên cạnh đó là quá tải về hệ thống giao thông tiếp cận, khu sân đỗ, khu hàng hóa...

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất vốn chỉ được thiết kế phục vụ cho 2 triệu dân

Với thiết kế công năng phục vụ cho 2 triệu dân Sài Gòn cũ, khả năng cực đại chỉ phục vụ 6 triệu hành khách/năm, hiện tại, Tân Sơn Nhất đã ở trần áp lực công suất phục vụ với 25 triệu hành khách/năm.

Chuyện ở Suối Trầu

Cách TP.HCM hơn 30km về phía Đông Bắc, xã Suối Trầu, huyện Long Thành được mô tả là xứ "vùng sâu vùng xa". Với đa phần nhà lợp tôn, cấp 4, Suối Trầu lọt thỏm trong những tán cao su mướt mắt trải khắp.

Bà Hai Thu ở ấp 1 kể gia sản riêng có mấy chục cây điều già nhưng suốt bao năm nay không dám cưa bỏ vì sợ không được đền nếu có thay đổi lấy đất làm sân bay. 

{keywords}
Ông Tuyên: Còn kéo dài quy hoạch, dân càng khổ. Ảnh: Hoài Thu/GTVT

"Đất ở đây hết hiệu quả rồi, quá cằn cỗi không trồng được bất cứ cây gì ngoài cao su. Ai ở đây cũng mong dự án sớm ngày nào lợi ích cho người dân, chứ giờ khó sống lắm" - bà Hai Thu tâm sự.

Ông Tuyên, một người ở cùng ấp cũng kể nỗi thấp thỏm cây trồng lâu hết giá trị không dám phá đi trồng cây mới vì sợ dự án.

"Nghe thấy quy hoạch sân bay nên dân chúng tôi mừng lắm. Hy vọng xây sân bay ở đây chắc chắn sẽ làm cho cuộc sống tốt hơn, kinh tế phát triển hơn. Tôi đồng thuận với chủ trương xây sân bay Long Thành, nhưng quy hoạch kéo dài hơn chục năm nay. 

Nếu làm thì phải làm ngay, càng kéo dài dân càng khổ vì chúng tôi nằm trong vùng quy hoạch rất khó làm ăn, không dám đầu tư cái gì cả" - ông Tuyên nói.

Suối Trầu chỉ là 1 trong 4 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có diện tích đất quy hoạch thuộc giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành. 

{keywords}
Diện tích đất quy hoạch cho sân bay phần nhiều là đất trồng cao su. Ảnh: Hoài Thu/GTVT

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT tỉnh cho hay, 4.730 hộ trong toàn vùng dự án với 14.100 nhân khẩu đến nay đã sẵn sàng đi "100%". Chính quyền địa phương chỉ gặp trở ngại một lần duy nhất khi có 25 hộ dân không đồng ý di chuyển, nhưng sau trao đổi, vận động, họ đã đồng ý đi.

Đứng thuyết trình dự án tại trụ sở UBND xã Suối Trầu, nơi sau này cũng sẽ thành đất dự án sân bay, ông Thanh tỏ ra nhiệt tình với việc nhà tư vấn Nhật Bản đã chấm vị trí này, được thẩm định cao hơn 30-60m so với mực nước biển, chủ yếu là đất đồi, thuận tiện cho việc xây dựng các công trình, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất chỉ cao hơn 7m so với mực nước biển.

Trong khi đó, tỉnh đến nay còn cơ bản xây dựng xong khung chính sách cho đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng kinh phí cho GPMB và tái định cư cho 4.730 hộ dân được dự trù 13 nghìn tỉ đồng.

{keywords}
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, PGĐ trung tâm phát triển quỹ đất (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai): Nhà tư vấn Nhật Bản đã chấm vị trí ở Long Thành, nơi cao hơn mực nước biển từ 30-60 mét (sân bay Tân Sơn Nhất cao hơn 7 mét)

Song song là một kế hoạch đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người dân. Với 3 khu công nghiệp ở ngay Long Thành, lãnh đạo tỉnh kỳ vọng có thể tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động. 

Cảng hàng không cũng hứa hẹn sẽ thu hút 20 nghìn lao động, trong đó người dân trong vùng có thể tham gia từ những việc đơn giản nhất như trồng tỉa, chăm sóc cây trong sân bay...

Cái khó bó cái khôn

Nếu nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ cần phải giải tỏa, di dời đến 140 nghìn hộ dân, với chi phí ước tính 9,1 tỷ USD. 

Sân bay Tân Sơn Nhất đang mặc chiếc áo quá chật, nếu phải mở rộng sẽ gặp trở ngại về diện tích hạn chế, số lượng dân phải GPMB quá lớn. Sân bay Biên Hòa ở vị trí chiến lược bảo vệ quốc phòng an ninh không thể thay thế. Long Thành chính là sự lựa chọn hợp lý nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn nhất của VN nhưng lại nhỏ nhất trong khu vực. 

{keywords}
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường: Làm Long Thành trước mắt để giải quyết quá tải cho Tân Sơn Nhất

Cho tới 2017, Tân Sơn Nhất sẽ vượt quá công suất thiết kế của nó. Nên trước khi vươn tới tầm vóc trung chuyển quốc tế thì việc Long Thành giải quyết quá tải cho Tân Sơn Nhất, phục vụ cho nhu cầu quốc gia đã là một nỗ lực lớn.

Quan trọng nhất là thời điểm đón cơ hội phát triển kinh tế. Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng, Tân Sơn Nhất đã quá tải mà 10 năm sau mới có được Long Thành rõ ràng đã chậm và hết sức cấp bách.

 "Đúng là ta nghèo, cần cân nhắc mua quần hay áo trước. Nhưng hàng không là loại hình giao thông mà các loại hình khác không thay thế được, nó làm cho thế giới ngắn lại" - ông Thanh nói.

Theo đề án mới nhất được điều chỉnh dưới sức ép quy mô vốn đầu tư, nợ công, giai đoạn 1 thay vì làm 2 đường băng cất hạ cánh giảm chỉ còn 1 đường băng, vốn đầu tư chỉ còn 5,2 tỉ USD, giảm 2,9 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT từ kỳ họp thứ 8 của QH.

Cục trưởng Cục Hàng không mô tả: "Từ giờ đến năm 2025, để hoàn thành, khai thác được còn dài và lâu. 

{keywords}
Nếu QH đồng tình chủ trương, Tân Sơn Nhất cũng phải chờ 10 năm nữa mới giảm được áp lực quá tải

10 năm sau khi QH thông qua mới có được một cảng hàng không 25 triệu hành khách. Đó chính là cái khó bó cái khôn, chứ muốn khai thác tiềm năng thì phải xây ngay một cảng 50 triệu hành khách. Làm luôn từ đầu tỷ suất đầu tư có lợi hơn, thời gian đưa vào khai thác ngắn hơn", ông Thanh tỏ ý tiếc nuối.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CHK ACV Đỗ Tất Bình cho rằng, với vị trí thuận lợi, Long Thành chắc chắn sẽ có cơ hội cạnh tranh. 

Ông nhắc lại "món nợ" trước 1975 Tân Sơn Nhất đã từng có cơ hội trở thành sân bay lớn nhất trong khu vực nhưng do ta phát triển chậm nên bỏ lỡ mất. "Đây là cơ hội để ta lấy lại lợi thế đó. Ta đừng lo lắng đi sau thì không thành trung tâm. Vấn đề là có tổ chức dịch vụ tốt không".

Ngày 4/6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ trình bày báo cáo về dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trước QH. Trước khi khép lại kỳ họp vào ngày 25/6, QH sẽ biểu quyết về việc có thông qua chủ trương đầu tư hay không.

Xuân Linh