Nằm trong chương trình chăm sóc khách hàng của năm 2013 với ngân sách hàng chục
tỷ đồng nhưng nhiều hoạt động do Viettel thực hiện không nhằm trực tiếp vào
người sử dụng dịch vụ của mình.
Không là khách hàng vẫn được chăm sóc đặc biệt
Khởi động chương trình “Vì cộng đồng” tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, nhiều
người khá ngạc nhiên khi biết đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện về chăm
sóc khách hàng năm 2013 của Viettel. “Vì cộng đồng” là chương trình khám chữa
bệnh miễn phí dành cho bà con vùng sâu, vùng xa - những người không có điều kiện
sử dụng các phúc lợi về y tế bình thường.
Do những người dân hưởng lợi trực tiếp hầu hết không phải là khách hàng của
Viettel (họ không có tiền để dùng dịch vụ viễn thông nói chung) nên có người gọi
đùa chương trình này là để chăm sóc “người dưng”.
Chương trình chăm sóc sức khỏe y tế “Viettel vì cộng đồng” được Viettel triển khai tại hàng chục tỉnh/thành trên toàn quốc |
Giải thích về việc chăm sóc “người dưng” lại nằm trong chuỗi sự kiện lớn dành
cho khách hàng năm 2013, bà Phạm Thị Thanh Vân - Phó tổng giám đốc Tổng công ty
Viễn thông Viettel chia sẻ: “Chúng tôi hiểu khái niệm chăm sóc khách hàng không
chỉ là đem quà tặng vật chất, giải thưởng giá trị, dịch vụ giải trí… tới người
sử dụng dịch vụ của mình. Tạo ra những chương trình đem lại lợi ích cho cộng
đồng nói chung, đặc biệt là những người kém may mắn cũng là một cách chăm sóc
khách hàng của Viettel”.
Vị lãnh đạo Viettel còn bổ sung: “Ở đây, đầu tư dài hạn cho sự phát triển chung
của cộng đồng sẽ giúp cho mọi người dân nói chung có tương lai tốt hơn trong đó
có khách hàng của Viettel. Và chúng tôi mong muốn những người dùng dịch vụ sẽ
đồng hành và cùng góp sức với mình trong chuỗi hoạt động này”.
Chiến lược về một thương hiệu tử tế
Cũng trong chuỗi sự kiện chăm sóc khách hàng năm 2013, chương trình “Tôi là sinh
viên” được tổ chức tại nhiều tỉnh thành (Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải
Phòng) là một ví dụ khác về chăm sóc “người dưng”. Khoảng 130.000 bạn trẻ tại 4
thành phố nói trên đã tham gia các hoạt động vui chơi, thi tài năng, thưởng thức
đêm nghệ thuật đặc sắc… do Viettel tổ chức.
Dù là nhà mạng có số lượng khách hàng sinh viên lớn nhất Việt Nam, trong số hơn
130.000 bạn trẻ đến với “Tôi là sinh viên”, hàng chục nghìn không phải là khách
hàng của Viettel. Thế nhưng, cả ban lãnh đạo cũng như nhân viên của thương hiệu
này không thấy thế làm phiền mà còn rất vui dù phải phục vụ “người dưng”.
Tặng học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng, tạo sân chơi cho hàng chục nghìn sinh viên là hoạt động xuyên suốt của chuỗi sự kiện Tôi là sinh viên 2013 do Viettel tổ chức |
“Năm 2008, khi chưa có mạng di động nào quan tâm đầu tư mạnh cho ngành giáo dục,
Viettel đã tung ra gói cước sinh viên với những ưu đãi đột phá thời kỳ đó mà
không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào với người dùng. Lý do đơn giản là chúng
tôi muốn đồng hành cùng ngành giáo dục, đầu tư cho tương lai chứ không phải thu
lợi ngay. Vì thế, việc ưu đãi cho ‘người dưng’ và không đòi hỏi điều kiện ràng
buộc gì trở nên đơn giản và dễ hiểu”, một nhân viên của Viettel từng thiết kế
sản phẩm sim sinh viên thời kỳ đầu chia sẻ.
Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều hướng
vào những lợi ích trực tiếp như khuyến mại, tặng quà, trúng thưởng để tác động
mạnh đến việc gia tăng doanh số. Trong khi đó, Viettel lại chọn cách đầu tư lớn
cho các hoạt động vì cộng đồng nói chung với triết lý: Xã hội tốt lên thì mình
cũng được hưởng lợi từ đó.
Viettel có niềm tin ngây thơ với những chương trình chăm sóc “người dưng” hay đó
là một định hướng chiến lược đúng đắn? Nếu chưa có kết quả điều tra thì không
thể đưa ra một kết luận chính xác. Tuy nhiên, với những người sử dụng di động,
nếu các mạng viễn thông có dịch vụ tương tự như nhau, một thương hiệu tử tế sẽ
là sự lựa chọn được ưu tiên.
Nguyễn Hà