Có lẽ, không nhiều doanh nghiệp được nhắc đến tên trên nghị trường như Việt Á - công ty sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 đang gây choáng váng dư luận.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ để cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội sáng 21/12, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, tổng hợp thêm “một số vấn đề cử tri rất quan tâm và bức xúc”, trong đó có vụ “thổi giá” kit test Covid-19 của công ty Việt Á.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Ông nhận xét, dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit xét nghiệm sau khi truyền hình đưa tin, nơi sản xuất 30 nghìn bộ kit/ngày của công ty này giống “nhà kho” của hợp tác xã. Hơn nữa, Tổ chức y tế thế giới (WHO) không công nhận chất lượng kit xét nghiệm của công ty này.
“Cử tri rất quan tâm đến chất lượng thực tế của kit test này như thế nào, thực sự có đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hay không. Trong khi, hiện cả nước sử dụng đại trà kit test của công ty này sản xuất”, ông Tùng nói. Theo ông, dư luận đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm, công khai kết quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với góc nhìn này và bổ sung: “Liên quan đến việc công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực như anh Tùng cũng đã nói vụ việc nổi lên, đó là giá kit xét nghiệm Covid-19. Đây là vấn đề được người dân quan tâm, nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản trình bày trước Quốc hội”.
Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid -19 cho CDC Hải Dương với giá trị 151 tỷ đồng và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phan Quốc Việt đã bị cáo buộc chi tiền ngoài hợp đồng cho lãnh đạo CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng. Rõ ràng, vụ Việt Á thuộc những vấn đề cử tri “rất quan tâm và bức xúc” tại phiên họp hôm qua ở Ủy ban Thường vụ.
Nhưng trước đó, tên công ty này xuất hiện ở kỳ họp Quốc hội theo một cách khác hẳn.
Chất lượng kit test có đảm bảo hay không
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10/11, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, tỉnh Bình Thuận, đặt câu hỏi về sản xuất kit xét nghiệm ở Việt Nam với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông Long đáp, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia phân lập đối với virus và có giải trình tự gen đối với virus nhờ có sự “quan tâm đầu tư và chỉ đạo rất quyết liệt”.
Ông nói: “Báo cáo các vị đại biểu, vào tháng 4, tháng 5 chúng ta cũng đã hỗ trợ đối với 2 đơn vị sản xuất được test PCR, đó là công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y và công ty Thái Dương. Về test PCR, cơ bản là chúng ta đáp ứng đủ”.
Ngoài ra, Bộ trưởng giải trình thêm về năng lực của một số doanh nghiệp sản xuất test nhanh kháng nguyên và kháng thể với hàm ý rằng, sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 10/11 |
Xét nghiệm vẫn là cách duy nhất để phát hiện ra ai đó nhiễm bệnh Covid-19 và thật đáng mừng khi doanh nghiệp/tổ chức Việt Nam tự sản xuất được kit xét nghiệm, tiết kiệm biết bao nguồn lực để nhập khẩu sản phẩm thay thế.
Vấn đề là khi “hỗ trợ” Việt Á, “chúng ta” có giám sát hàng loạt các lĩnh vực liên quan như chất lượng, giá bán, tiêu chuẩn sản xuất hay không? Vì sao doanh nghiệp này có năng lực sản xuất 30 nghìn bộ kit/ngày ở căn phòng có 10 nhân viên giống “nhà kho” của hợp tác xã?
Nếu Việt Á có cơ sở vật chất nghèo nàn mà sản xuất ra các sản phẩm tốt, đạt chất lượng thì rất đáng mừng. Hơn nữa, nếu kit xét nghiệm này được phát minh bởi bộ óc của người Việt Nam, được sản xuất bởi bàn tay và công nghệ của người Việt Nam, được “hỗ trợ”… mà nay có số phận như thế này thì rất đáng buồn.
VTV mô tả: “Vượt qua hành lang sâu hút, rộng chừng hơn 1m như một dãy nhà kho với rất nhiều thùng, hộp carton xếp cao ngất là căn phòng rộng chừng hơn 10m2 dành cho các kỹ thuật viên làm công tác pha chế, phối trộn các sinh phẩm để tạo ra bộ kit xét nghiệm PCR. Theo các nhân viên tại phòng sản xuất; mỗi ngày họ pha chế được 30.000 bộ kit để cung cấp ra thị trường”.
Có lẽ, cần thêm thời gian để biết thêm, năng lực thực sự của công ty này là gì? Họ có sản xuất được tới 30.000 bộ kit xét nghiệm không? Đáng bàn nhất, chưa phải số tiền lót tay 30 tỷ đồng cho CDC Hải Dương, mà là chất lượng kit có đảm bảo hay không.
Cơ quan điều tra cho biết, có tới 62 CDC địa phương đã mua kit xét nghiệm của Việt Á. Mong rằng, những cán bộ có trách nhiệm ở CDC địa phương không ăn “lại quả” khi ký mua kit xét nghiệm của Việt Á để họ bảo vệ được mình khỏi vòng lao lý trong bối cảnh dịch bệnh còn chưa biết diễn biến thế nào tới đây.
Tư Giang
Họ chính là những kẻ tối mắt vì tiền, phá hoại đất nước
Loạt thông tin trên báo chí những ngày này khiến dư luận bất bình, căm phẫn, dù đã đoán trước được chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến khi cách đây chưa lâu, giá kit test Covid-19 “nhảy múa” giữa lúc đại dịch căng thẳng.