LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu bút mực để nói về “Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông xưa”, nhưng nay đã tụt lại vài chục năm so với Singapore, Băng Cốc, Thượng Hải, Seoul… Đây là sự thật hiển nhiên, không phải bàn cãi, nhưng phải làm gì để khắc phục? Cũng đã có không ít đề án nghiên cứu từ cấp thấp đến cấp quốc gia đưa ra những trả lời cho câu hỏi trên, cuối cùng đều chung một kiến nghị về cởi vòng kim cô, giao cho thành phố Hồ Chí Minh một cơ chế đặc biệt để phát triển.

Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh không phải là địa phương đầu tiên, và cũng không phải là nơi cuối cùng xin Trung ương cho riêng mình một cơ chế đặc biệt để thoát khỏi tình trạng không mong muốn.

Đáp lại, Trung ương cũng đã cố gắng giao cho nhiều tỉnh, thành phố những cơ chế đặc biệt riêng như: năm 1993 cho thành phố Hồ Chí Minh cơ chế khu Công nghiệp, khu Chế xuất; năm 1996 cho tỉnh Quảng Ninh cơ chế khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái; năm 1997 giao thành phố Hải Phòng trình đề án về Đặc khu kinh tế Hải Phòng; năm 2003 cho tỉnh Quảng Nam cơ chế khu Kinh tế mở Chu Lai; năm 2005 cho Quảng Ngãi cơ chế Khu kinh tế Dung Quất; năm 2006 cho tỉnh Thanh Hóa cơ chế Khu kinh tế Nghi Sơn; năm 2015 giao tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang lập dự án về Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và gần đây là Đà Nẵng và Hải Phòng còn được Bộ Chính Trị, Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để phát triển.

{keywords}
Khi mỗi tỉnh, thành phố đều có những cơ chế đặc biệt để phát triển thì mỗi địa bàn đó sẽ trở thành những đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú cho nền kinh tế Việt Nam được thống nhất trong đa dạng.

Nhiều cơ chế đặc biệt đã có thành công và lan tỏa, nhưng cũng có những cơ chế đặc biệt không qua được khâu phê chuẩn cuối cùng, và cả những cơ chế đặc biệt chỉ mới được đề xuất ở tầm ý tưởng, chủ trương. Hầu hết cơ chế được Trung ương “cho” trên đây đều chỉ là cơ chế khu kinh tế, khu công nghiệp - hầu như còn những hạn hẹp khá xa so với những gì các tỉnh, thành phố kiến nghị, yêu cầu. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong khi các Bộ ở Trung ương có chức năng quản lý từng ngành, thì kinh tế trên địa bàn từng tỉnh, thành phố lại là một tổng thể nhiều ngành.

Các tỉnh cái gì cũng có, nhưng không có cái gì

Hàng loạt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hết năm này tới năm khác, liên tục xin Trung ương cho riêng mình những cơ chế đặc biệt. Nhưng tại sao cái gọi là cơ chế đặc biệt riêng lại là đòi hỏi chung của hầu như tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước?

Nếu nhìn thẳng vào sự thật, sẽ thấy ngay câu trả lời xác đáng. Đó là 63 tỉnh, thành phố từ nhiều thập kỷ qua đều được vận hành bởi những cơ chế chung để tiến tới 63 nền kinh tế, trong đó cái gì cũng có, nhưng không cái gì ra cái gì, tất cả đều gần như là nhỏ và vừa, năng suất thấp, chuỗi giá trị bị rơi rụng ra toàn cầu nhiều hơn là tích tụ lại trong nước.

Khi mỗi tỉnh, thành phố đều có những cơ chế đặc biệt để phát triển thì mỗi địa bàn đó sẽ trở thành những đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú cho nền kinh tế Việt Nam được thống nhất trong đa dạng. Nếu những cơ chế chung do Trung ương ban hành là để tạo ra sự thống nhất, thì cơ chế đặc biệt cho mỗi tỉnh, thành phố lại là sự cần thiết khách quan, nhất thiết phải được đáp ứng để tạo ra sự phong phú, đa dạng đó, tránh phải mặc đồng phục trong các cuộc thi thời trang.

Trên thế giới, các quốc gia tổ chức theo thể chế Liên bang thì cơ chế chung và cơ chế riêng giữa Liên bang với Bang đã được định hình, vận hành, hoàn thiện với lịch sử tính bằng thế kỷ. Điều đáng nói là thể chế Liên bang không chỉ được áp dụng vào các quốc gia có tiêu chí diện tích đất đai và dân số khổng lồ (như Nga, Mỹ…), mà cả ở nhiều quốc gia có các tiêu chí đó ở mức thấp hơn (như Đức, Miến Điện…), thậm chí rất thấp (như Thụy Sĩ…).

Đối với Việt Nam, trong Hiến pháp trước đây, Hội đồng nhân dân được định nghĩa “là  cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”. Tuy nhiên, hội đồng này chỉ được quyền “ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương”, tức là không có quyền ban hành cơ chế đặc biệt riêng cho địa phương mình.

Trong khi đó, ở Trung ương, không có bộ nào là cơ quan quản lý nhà nước đối với tổng thể kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố. Những năm trước Đổi mới, hầu như tại các bộ đều có vụ địa phương, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít cơ quan như Bộ Nội vụ giữ lại tổ chức này (Vụ Chính quyền địa phương). Bởi thế, ngoài cơ chế chung do Quôc hội ban hành từ quyền Lập Hiến và Lập Pháp, thì Chính phủ từ quyền Lập Qui chỉ ban hành cơ chế chung cho cả nước, không ban hành cơ chế đặc biệt riêng cho từng tỉnh, thành phố.

Như vậy, cả Trung ương và địa phương đều không ban hành loại cơ chế này. Trong khi đó các tỉnh, thành phố liên tục “xin”. Món nợ “xin-cho” kéo dài, chưa dứt được cho tới hiện nay và các tỉnh, thành phố phải sử dụng cơ chế chung do Trung ương ban hành.

Tuy nhiên, phát triển lương thực vùng miền núi khác với vùng đồng bằng; phát triển ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long khác với Đồng bằng sông Hồng; thu hút đầu tư nước ngoài vào các vùng kinh tế trọng điểm khác với các vùng không phải là trọng điểm; phát triển kinh tế tư nhân tại các tỉnh, thành phố phía Nam không giống hoàn toàn với phía Bắc;kKinh tế biển của mỗi tỉnh đều có những khác biệt so với nhau; thậm chí ngành cấp thoát nước cũng không thể hoạt động như nhau ngay giữa các tỉnh, thành phố liền kề.

Trên thực tế, bất chấp tất cả những sự khác biệt đó, các tỉnh, thành phố đều phải thực hiện những cơ chế chung cho cả nước. Làm sao họ tránh khỏi những bất cập và tận dụng được lợi thế so sánh của riêng mình?

Các tỉnh phát triển kém hiệu quả

Đây là lý do vì sao các tỉnh, thành phố phát triển kém bền vững, kém hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua, từ những đầu tầu như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tới những toa cuối cùng của đoàn tầu kinh tế Việt Nam như Đắk Nông, Bắc Kạn.

Rừng vàng vẫn còn xa xôi đối với các tỉnh có rừng; biển bạc vẫn chập chờn khi có khi không đối với các tỉnh có biển; Hòn ngọc Viễn Đông đang còn là dĩ vãng ở đất phương Nam.

Rõ ràng, đã đến lúc tất cả các tỉnh, thành phố đều cần được trang bị những cơ chế đặc biệt riêng để vận hành quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện tổng thể kinh tế trên địa bàn nhắm tới mục tiêu thịnh vượng, làm cho đất nước hùng cường trên từng tỉnh, thành phố với những đặc điểm riêng có của mình.

Để điều mong ước trên đây trở thành hiện thực, có nhiều việc phải làm, nhưng trước tiên là cần tạo một đột phá về thể chế. Đột phá này không nằm ở quyền Lập Qui của Chính phủ, nhưng cũng không tới mức phải sử dụng quyền Lập Hiến của Quốc hội.

Tình huống này có được chính là nhờ có Khoản 2 của Điều 113 Hiến pháp năm 2013 qui định “Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định”. Đây là sự sửa đổi, bổ sung rất quan trọng so với các Hiến pháp trước vốn chỉ cho Hội đồng nhân dân được quyền ban hành các “biện pháp” đảm bảo thi hành Hiến pháp và luật pháp tại địa phương.

Qui chế mới này mở ra khả năng cho phép Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố được quyền ban hành cơ chế đặc biệt để phát triển tổng thể kinh tế trên địa bàn phù hợp với những đặc điểm và thế mạnh riêng của mình.

Hiện tại, trong 143 Điều của luật này chưa có qui định nào về quyền ban hành trên. Và như vậy, khả năng tạo đột phá về thể chế trên đây hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong ngắn hạn khi Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi, bổ sung.

Hệ thống chính trị của cấp tỉnh, thành phố gồm đảng bộ, chính quyền, đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được xây dựng, củng cố qua các thời kỳ tại các địa bàn này là cơ sở vững chắc để có sự tin cậy không thua kém so với các bộ ở Trung ương trong việc hoạch định cơ chế chính sách chung cho cả nước và riêng cho từng tỉnh, thành phố.

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]