Các diễn viên Trần Hào, Mã Quốc Minh, Vương Hạo Tín... được trả mức cát-xê cao và trở thành những gương mặt chủ lực của nhà đài TVB hiện nay.
Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam diễn ra từ 6-8/6 tại TPHCM. Hơn 300 đài truyền hình, nhà sản xuất, phân phối nội dung trong nước và quốc tế đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt trong sự kiện.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện của 3 đài truyền hình, công ty truyền thông nổi tiếng ở châu Á gồm: TVB (Hong Kong), SBS (Hàn Quốc) và IX Media (Trung Quốc) chia sẻ họ xem Việt Nam là thị trường tiềm năng để có kế hoạch phát triển lâu dài với các dự án trong thời gian tới.
Việt Nam là thị trường tiềm năng
Bà Mandy Yip – Kiểm soát viên kinh doanh quốc tế của TVB cho biết dòng phim bộ truyền hình TVB đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây hơn 40 năm qua kênh chính thống (FFVN) vào khoảng đầu những năm 1980.
Trong 4 thập kỷ du nhập sang Việt Nam, đài TVB từ hình thức phát hành truyền thống băng đĩa, tivi ban đầu, nay có sự đổi mới bắt kịp thị trường trên các nền tảng số, online… Nhiều năm qua, TVB còn làm việc trực tiếp với đài SCTV thông qua việc mua bản quyền, phát sóng song song phim cùng thời điểm.
Đại diện đài TVB đánh giá Việt Nam là đất nước của lúa gạo, hải sản và có chỉ số hạnh phúc cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, đời sống tinh thần của người dân phong phú, với đa dạng hình thức thưởng thức các loại hình giải trí như: phim ảnh, ca nhạc, kịch, show…
“Họ cũng quan tâm đến du lịch, văn hóa bản địa… Đặc biệt người Việt rất trọng tình nghĩa, luôn hướng đến giá trị gia đình. Đó là lý do phía đài luôn cố gắng để có tác phẩm hay, phù hợp đáp ứng được thị hiếu của người Việt”, bà nói.
Thực tế, phim bộ TVB trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều gia đình Việt Nam, từ ông bà, cha mẹ đến con cháu.
Bà Mandy cho biết TVB mỗi năm sản xuất hơn 500 giờ phim, là cái nôi đào tạo diễn viên nổi tiếng của truyền hình châu Á. Phía TVB bày tỏ mong muốn hợp tác với các đài truyền hình tại Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Mục tiêu của đài Hong Kong là có thể tạo ra sản phẩm mang dấu ấn giao thoa văn hóa 2 bên. Trước đó, đơn vị này từng mang diễn viên và ê-kíp sang quay phim, giao lưu khán giả.
"Chúng tôi đang có kế hoạch làm việc với một số đơn vị Việt Nam cho các chương trình truyền hình trong thời gian tới", bà Mandy cho hay.
Doanh thu tiền tỷ từ những cú bắt tay
Bà Jade Xu - Giám đốc điều hành của IX Media nhận định thị trường Việt Nam tiềm năng để các đơn vị trong khu vực bước vào tìm kiếm cơ hội. Trong đó, nét tương đồng về văn hóa giữa Trung Quốc – Việt Nam là yếu tố rất thuận lợi.
Đơn vị này có nhiều dự án phát hành ăn khách, nổi bật như Diên Hi công lược, 30 chưa phải là hết… IX Media thường chọn các đề tài thực tế, bám sát đời sống xã hội hiện đại như: kết hôn, sinh con, hôn nhân tan vỡ… với chi phí đầu tư lớn, nhờ thế luôn có lượng khán giả trung thành theo dõi. Thành phần diễn viên là các ngôi sao trẻ đẹp như Cảnh Điềm, Hứa Khải, Ngô Cẩn Ngôn, Đồng Dao… cũng là yếu tố giúp phim dễ gây chú ý trên các kênh truyền thông.
Công ty IX Media là thương hiệu nổi tiếng phân phối nhiều phim truyền hình Trung Quốc ăn khách. Đơn vị cũng áp dụng chuyển đổi tiếp thị số và công nghệ tiên tiến trong quá trình phát hành.
Họ chú trọng phát hành song song giữa truyền hình và các nền tảng số, cùng xu hướng sản xuất các bộ phim có thời lượng ngắn, số tập ít.
SBS – 1 trong 3 đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc đã xem Việt Nam là thị trường chiến lược từ năm 2000 – thời điểm làn sóng Hàn Quốc bùng nổ. Suốt 24 năm qua, đơn vị này đã mang 30 phim, chương trình truyền hình sang Việt Nam.
Ông Keon Ko, Giám đốc khối vận hành toàn cầu của đài SBS cho biết đài duy trì mức doanh thu 500.000 USD (khoảng hơn 12 tỷ đồng) mỗi năm nhờ việc bán bản quyền các chương trình và phim tại Việt Nam. Đại diện đơn vị không giấu tham vọng muốn con số này sẽ tăng cao trong thời gian tới.
SBS có nhiều dự án phim ăn khách như: Taxi driver (Tài xế ẩn danh), The escape of the seven (Cuộc chiến sinh tồn), Vì sao đưa anh đến, Sự quyến rũ của người vợ…
Trong đó, show truyền hình Running man từ năm 2010 đã gây sốt khắp châu Á, bao gồm Việt Nam. Một đơn vị trong nước cũng mua bản quyền và thực hiện show bản Việt với tên gọi Chạy đi chờ chi, đạt hàng trăm triệu view trên các nền tảng.
Những năm qua, SBS còn hợp tác làm việc với các đơn vị VieOn, FPT, Galaxy Play… thông qua việc phân phối các tác phẩm. Trong tương lai, ông Keon Ko mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc có sự kết hợp nhiều hơn trong việc sản xuất và quay phim.
Trailer phim "Nữ hoàng tin tức"