- Đầu tháng 7, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ly hôn giữa chị T. và anh V. ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa đặc biệt khi được mở để xem xét đơn chống án của ông bố chồng nguyên đơn. 

Trong căn phòng xét xử nhỏ, nóng nực, phiên tòa càng thêm nóng bởi những lời chát chúa của ông Thành và con trai dành cho người phụ nữ ly dị chồng.

Ông Thành và con trai liên tục “cướp lời’, to tiếng khiến chủ tọa phải nhiều lần nhắc nhở. Trong khi đó, con dâu ông lặng lẽ nhận sự chì chiết của hai người đàn ông mà chị từng nhiều năm gắn bó dưới cùng một mái nhà.

{keywords}
 

Cách đây gần 10 năm, chị T. về làm con dâu của ông Thành. Thời gian đầu, cuộc sống hôn nhân của chị T. và anh V. khá suôn sẻ.

Sau khi hai người có con chung, tình cảm của họ rạn nứt. Vì những mâu thuẫn ngày một lớn, có thời gian chị T. phải về nhà ngoại để ở. Mỗi lần về lại nhà chồng, chị bảo không khác gì “địa ngục trần gian”.

Chị T. than: “Nhiều bữa cơm tôi phải chan cùng nước mắt vì bị mẹ chồng mắng nhiếc. Cuộc sống nhà chồng tủi nhục lắm”.

Không chịu được cuộc sống hôn nhân ngột ngạt, hơn một năm trước, chị T. đã gửi đơn lên TAND huyện Mê Linh để ly hôn. TAND huyện đã chấp nhận đơn ly hôn của chị và đưa ra phán quyết để chị T. được quyền nuôi con.

Tại phiên sơ thẩm, do ông Thành có đơn yêu cầu đòi con dâu phải thanh toán 30 triệu đồng vay trước đó để mở cửa hàng bán giày dép nên toà sơ thẩm đã “cưa đôi”, buộc vợ chồng chị T., mỗi người phải có trách nhiệm trả cho ông Thành 15 triệu đồng.

Dù phủ nhận việc vay tiền của bố chồng, nhưng chị T. vẫn chấp nhận việc mình sẽ phải trả nợ cho bố chồng số tiền 15 triệu đồng. Dù vậy, ông Thành vẫn không ưng bụng. Ông cho rằng, con dâu ông phải trả đủ 30 triệu đồng. Đó là lý do khiến ông làm đơn chống án.

Tại phiên phúc thẩm lần này, chị T. tiếp tục phủ nhận việc mình vay tiền của bố chồng.

Chị T. trình bày: “Việc ông ấy đưa cho con trai tiền, tôi hoàn toàn không biết. Nhưng vì trách nhiệm cuối cùng trước lúc chia tay nên tôi đồng ý trả 15 triệu đồng”.

Ngay khi chị T. vừa dứt lời, ông Thành và con trai bỏ cả dép, đi chân đất, xối xả buông những lời cạn tình về phía chị T. Người phụ nữ chỉ biết im lặng chịu đựng.

Trước thái độ của bố con ông Thành, chủ toạ phiên tòa và cả đại diện cơ quan công tố đã phải nhiều lần nhắc nhở hai bố con ông: “Đây là phiên toà, không phải họp chợ mà ông và con trai to tiếng, át cả lời của chúng tôi”.

Được trình bày tiếp, ông Thành nhắc đến thời gian con trai gặp nạn nhưng không được con dâu ông chăm sóc: “Vợ chồng già chúng tôi vừa chăm con, vừa nuôi cháu, khó khăn chồng chất”.

Ông không đồng tình với việc cấp sơ thẩm tuyên chị T. chỉ phải trả nửa số tiền. Ông bảo, đó là khoản tiền mà ông đã tích cóp nhiều năm mới có được.

Sau khi xem xét, Tòa phúc thẩm cho rằng: Không có căn cứ để xác định việc người chồng đưa cho chị T. 30 triệu đồng để kinh doanh. Ông Thành là người mở tài khoản khi gửi số tiền này vào ngân hàng.

Việc ông Thành rút số tiền đó từ ngân hàng ra không có nghĩa ông này đã đưa cho chị T. Với nhận định này, sau khi nghị án, toà đã bác đơn kháng cáo của ông Thành, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Phiên tòa kết thúc với những lời to tiếng, khó nghe của ông Thành. Bố con ông rời toà, ném ánh nhìn bực tức về phía chị T. Người phụ nữ ly hôn chồng lủi thủi ra về. Quãng thời gian trước mắt chị sẽ phải nuôi con một mình.

T.Nhung