- Hò khoan Lệ Thuỷ sẽ còn mãi với thời gian nếu chúng ta biết cách bảo tồn để phát triển nó theo một cách mới, có kế thừa nhưng có bổ sung để có thể gần gũi hơn với con người và thời đại ngày nay.
Nhiều khi chỉ nhờ một chuyến đi có thể là rất tình cờ, được tiếp xúc với thực tế cuộc sống quanh mình mà người ta có thể thay đổi cả cách nhìn, nhận thức về một sự vật, một hiện tường. Huống hồ, với tôi, chuyến về thăm huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình mấy hôm nay lại là do tò mò muốn được "giải mã" vì sao anh bạn đồng môn, đồng khoá Nguyễn Hùng Vỹ, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nguyên giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN lại có thể "chết mê chết mệt" với "người đẹp” Hò khoan Lệ Thuỷ nơi này đến thế.
Hăng say tập luyện cho lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho hò khoan Lệ Thủy. Ảnh: Trần Khởi |
Bạn tôi, anh Hùng Vỹ đã từng "đắm đuối" vì nó đến quên mọi sự đời gần 2 năm qua, nuôi một khát vọng là làm sống lại một làn điệu hò khoan, một loại hình văn nghệ dân gian khá phong phú đã làm mê hoặc lòng người tự bao đời. Khi tôi hỏi vì sao, anh kể:
Đó cũng là Thiên duyên ông ạ! Tôi nhận lời mời của UBND tỉnh Quảng Bình là vào làm kịch bản và tổng đạo diễn cho Đại lễ hội Di tích lịch sử văn hóa chùa Hoằng Phúc lần đầu tiên tổ chức. Đây là ngôi chùa trên đất Lệ Thuỷ rất đặc biệt. Họ yêu cầu có một số tác phẩm mang tinh thần văn hóa Phật giáo, nhưng lại theo dân ca Quảng Bình để biểu diễn sân khấu ngoài quảng trường hôm khai lễ.
Bài toán họ đưa ra là thời gian chỉ trong vòng 30 ngày nhưng phải tìm tòi tham khảo rồi sáng tác và tập tành để kịp biểu diễn vào dịp đó. Đúng là một chuyện khó như đi lên trời so với một đại lễ hội...
Vào Lệ Thủy, tôi đi tìm các nghệ nhân theo chỉ dẫn của vị lãnh đạo phòng VHTT huyện. Tôi muốn nghệ nhân tại chỗ hát vì làm như thế sẽ tạo nên sự đồng thuận và ủng hộ của người đi hội.
Quả là tôi đã gặp được "Vàng Mười" trong chốn dân gian đó. CLB Nghệ nhân Hò khoan Lệ Thủy khi đó đã thành lập được hơn 5 tháng và hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, những giọng hát tuổi 60 - 65 ấy đã chinh phục tôi. Nhưng cao hơn cả, tôi nghĩ, đó là tình người nơi họ, chân thành, thuần hậu, lễ nghĩa…
Tôi đã "chết mê chết mệt" vì họ chính là từ đó. Đó là cơ duyên xem như Thiên định để tôi đến với họ và tình nguyện làm một thành viên của CLB đó cho đến bây giờ.
Anh Nguyễn Hùng Vỹ (áo trắng, thứ 2 từ phải sang, hàng dưới) cùng các thành viên CLB Hò khoan Lệ Thuỷ đang tập bài Lỉa trâu cho đêm vinh danh. |
Dân ca các vùng có những điểm tương đồng về khúc thức. Theo anh Hùng Vỹ, có đến 85% là lời lục bát biến thể, sau đó là song thất lục bát biến thể rồi mới đến vãn 5, vãn 4, phú, thơ… Nếu như ai đó có năng khiếu văn chương, chịu tìm hiểu văn hóa, địa lý và có chút vốn kiến thức về ngôn ngữ thế kỉ XIX… là có thể viết lời được. Tính đến nay, anh đã sáng tác lời cho Hò khoan Lệ Thuỷ được 130 tác phẩm - tính theo cách tính rất riêng mà ngành văn hoá dân gian quy định. Các bản anh viết, nghệ nhân rất thích vì nó cổ kính “như ngày xưa” và khen dễ hát, dễ bắt, dễ chắp câu, dễ diễn.
Từ câu chuyện anh tâm sự, tôi mới ngộ ra, phải chăng các làn điệu dân ca, trong đó có Hò, có Hò khoan và cụ thể như Hò khoan Lệ Thuỷ, lâu nay không phải không có sáng tác mới bổ sung vào kho tàng văn hoá mà thực ra vẫn luôn có. Song có lẽ do chúng ta mải quan tâm đến tuyên truyền, lời lẽ khô khan và khó biểu diễn lâu dài nên rồi chúng cũng nhạt nhoà cùng năm tháng, không thể đọng lại trong đời sống hôm nay. Các làn điệu Hò khoan Lệ Thuỷ sẽ "chết từ từ" nếu như không đi tìm một hướng sáng tác mới, gần gụi với đời sống hơn.
Hò khoan Lệ Thủy có những đặc sắc cần nói tới. Chẳng hạn như, vì các mái hò đều nhất thiết có “xướng” và “xố” (xô) nên khi trình diễn, người hát và người nghe đều có thể tham gia, tạo nên tính hòa đồng, tinh thân dân chủ cổ sơ rất cao; Khả năng bao dung của nó rất cao, sẵn sàng giao lưu, tiếp nhận Ví giặm, ca Huế để làm giàu cho chính mình; Đây là văn nghệ toàn dân, người nào cũng yêu thích, biết tối thiểu là xố, hơn nữa là hát mái xắp, kể vè, ai đã vào cuộc cũng là một nghệ sĩ dân gian... Tinh thần đó đến nay vẫn không nguôi.
Huyện Lệ Thủy đã đưa Hò khoan Lệ Thuỷ vào các nhà trường để giảng dạy và qua đó tạo cảm hứng nghệ thuật cho các cháu nhỏ biết yêu dân ca quê nhà. Ảnh: Trần Khởi |
Trong chuyến đi, tôi đã đến thăm gia đình nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý. Anh Ngô Diễn, con trai nghệ nhân, tâm sự với chúng tôi: Thày Hùng Vỹ, bạn của các bác đã “làm khổ” dân Lệ Thuỷ này lắm! Bởi thày đã rất khắt khe trong việc chọn lọc các làn điệu cổ rồi thổi hồn vào làm nó sống lại, không để nó mai một.
Hò khoan Lệ Thuỷ từng có dấu hiệu mai một khi chỉ còn có hơn trăm bài cổ được lưu truyền, người hát cũng ít dần. Nay thì đã khá hơn nhiều và số người yêu thích cũng nhiều lên. Thày Hùng Vỹ đã nghiên cứu và vực nó lên, rất công phu, khó nhọc.
Riêng cháu, hôm 31/8 tới, cháu sẽ cố gắng hết mình để ca bài Lỉa trâu (hò trâu kéo gỗ lên dốc) mà thày sáng tác đầy tâm huyết dựa theo làn điệu cũ. Cháu sẽ hò mấy câu của thày để mọi người khi nghe sẽ phải chảy nước mắt. Cháu ráng hát bằng cả nỗi lòng như vậy cũng là để đáp lại công lao, tấm lòng của thày đã giúp đỡ nhân dân Lệ Thuỷ.
Thế rồi khi Ngô Diễn cất giọng tập hò bài Lỉa trâu mới được một câu thì tôi đã gai hết người, rớm nước mắt. Giọng hò của anh mang cả nỗi lòng người con miền Trung từng chịu nhiều gian nan vất vả. Thật khó ai dám nghĩ đó là giọng hò của một người nông dân thuần chất xứ Quảng, chưa hề qua trường lớp đào tạo nghệ thuật nào.
Ngày 31/8, chính quyền và nhân dân Lệ Thuỷ vui mừng khi điệu hò của họ được công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Hò khoan Lệ Thuỷ sẽ còn mãi với thời gian nếu chúng ta biết cách bảo tồn để phát triển nó theo một cách mới, có kế thừa nhưng có bổ sung để có thể gần gũi hơn với con người và thời đại ngày nay.
Quốc Phong