- Gia đình tôi vợ giảng viên, chồng công chức nhà nước lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn mua được nhà tiền tỉ, cuộc sống dư dả và có khoản nho nhỏ gửi tiết kiệm. Chỉ cần biết chăm chỉ tính toán và khéo thu vén thì giảng viên vẫn có thể bám trụ với nghề của mình.
Chào bạn Thư Nguyệt, tác giả bài chia sẻ “Lương không đủ sống, giảng viên định bỏ nghề đi bán xôi”.
Tôi cũng có hoàn cảnh tương tự bạn khi có chồng là công chức nhà nước và bản thân là giảng viên. Để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học vợ chồng tôi cũng đã từng vô cùng chật vật nên tôi hiểu hoàn cảnh của bạn bây giờ. Và chắc chắn cũng nhiều người cùng hoàn cảnh tương tự như bạn và tôi.
Nhưng khác với bạn, tôi không quá ảo tưởng về nghề nghiệp mình đang làm. Vì thế cùng với việc khéo léo thu vén chi tiêu tiết kiệm, cả hai vợ chồng tôi chẳng ngại làm thêm bất cứ việc gì.
Thành quả sau nhiều năm là vợ chồng tôi mua được nhà tiền tỉ, cuộc sống hiện tại dư dả và có khoản nho nhỏ gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Quan trọng nhất là tôi vẫn bám trụ với nghề, ai hỏi tôi cũng tự tin nói rằng tôi sống đủ dựa vào đồng lương giảng viên của mình vì đó mới là nghề chính của tôi.
Trở lại chuyện bạn sợ mất thể diện khi làm thêm việc bán xôi, nếu bạn ngại thì cứ im lặng mà làm. Nhưng theo tôi thì có nhiều công việc hay hơn là đi bán xôi, ví dụ như đi làm gia sư. Mới đầu bạn có thể dạy cho các bé tiểu học nếu cảm thấy trình độ năng lực chưa ổn. Vừa dạy vừa tích lũy kinh nghiệm kiến thức để sau đó dạy cho các bé cấp 2, cấp 3. Cao hơn nữa là luyện thi đại học và dạy tiếng Anh. Càng lên cao thì tiền thù lao càng nhiều và mới đầu dạy 1 hoặc 2 đứa, sau quen thì tăng lên 3-4 đứa thậm chí là cả lớp.
|
Ảnh minh họa. |
Gia sư không làm được thì bạn có thể nhận tài liệu tiếng Anh về dịch hoặc đánh máy… Bạn đã từng du học thì vốn tiếng Anh chắc cũng không tồi.
Những điều mách bạn tôi đều đã làm, thậm chí tôi còn buôn bán. Ngoài những lúc đứng trên bục giảng, hễ cuối tuần hoặc lúc nào rảnh rỗi là tôi lại về quê lùng đồ ăn sạch như rau, trứng… để mang lên thành phố bán. Mới đầu chưa có khách thì mời những người thân quen, về sau người này giới thiệu người kia và hiện tại thì tôi đã có một trang bán đồ quê khá đông khách trên facebook.
Kiếm thêm được vài triệu một tháng thật không khó chút nào, chỉ cần mình chịu thương chịu khó. Từ vài triệu kiếm thêm đấy tôi bắt đầu trích ra một ít để mua bảo hiểm, số còn lại thì gửi tiết kiệm. Chồng tôi cũng mạnh dạn vay tiền anh em bạn bè để mua xe ô tô chạy thêm ngoài giờ làm. Chiếc xe vừa để che mưa che nắng cho gia đình mỗi lần về quê, vừa là công cụ kiếm tiền kha khá.
Kiếm được nhưng tôi tuyệt đối không tiêu xài hoang phí nhưng cũng không quá ki bo với bản thân cũng như chồng con của mình.
Mọi thứ tôi tính toán hợp lí nhất có thể. Ví dụ chồng hoặc các con tôi thích ăn món gì ngoài hàng, tôi sẽ tự mày mò và mua nguyên liệu về làm tại nhà (như gà rán, pizza…), Thay vì để chồng đi nhậu ở quán tốn kém, tôi bảo anh thỉnh thoảng rủ bạn về nhà và nhậu với những món đơn giản tự tay tôi chuẩn bị…
Tuy có mất thời gian nhưng những việc đó mang lại cho tôi nhiều lợi ích. Như không lo khoản vệ sinh thực phẩm, thắt chặt tình cảm gia đình và đặc biệt là tiết kiệm khoản tiền không nhỏ.
Mùa đông thay vì mua khăn để quàng thì tôi mua len về tự đan cho cả gia đình và cả…để bán. Từ rẻ bắc nồi, tạp dề cho đến thảm chùi chân đều tận dụng từ quần áo cũ bỏ đi vừa sạch vừa tiện.
Lúc con còn nhỏ, tôi chẳng cho đi học thêm tiếng Anh ở đâu cả mà tự dạy cho con. Cho đến giờ trình độ ngoại ngữ của các con tôi chẳng thua kém bạn bè nào…
Nói chung là tính toán nhưng mọi nhu cầu của thành viên trong gia đình vẫn được đáp ứng đầy đủ.
Một số kinh nghiệm chi tiêu của tôi mong bạn và nhiều người chung hoàn cảnh có thể học được điều gì đó. Những việc tôi bày cho bạn, nếu không thể làm được việc gì thì tôi nghĩ bạn đi bán xôi cũng được. Nó chẳng đáng để bạn nghĩ là mất thể diện người giảng viên.
Bản thân tôi buôn bán từ con gà tới mớ rau, quả trứng nhưng các em sinh viên và mọi người xung quanh vẫn nể trọng tôi vô cùng. Mình càng chăm chỉ mọi người càng coi trọng, tôi chắc chắn như thế.
Hồng Nguyễn ([email protected])