Tôi đành quay trở ra tìm nhà thuốc và mua 1 chiếc khẩu trang với giá 5 ngàn đồng. Đi qua cổng bảo vệ, tôi lại tụt khẩu trang xuống dưới mũi, và khi vào phòng làm việc thì bỏ hẳn vào túi.
Tôi đã đeo khẩu trang liên tục trong 25 năm nay bất kỳ lúc nào trên đường để chống bụi. Trong hơn 2 năm chống dịch, tất nhiên là tôi đeo khẩu trang theo quy định phòng dịch của ngành y tế. Hôm đến cơ quan nọ, không may là chiếc khẩu trang cuối cùng của tôi đã bị mưa ướt nên tôi bỏ đi trước khi vào cổng. Thời gian tìm mua khẩu trang và quay trở lại mất khoảng 30 phút.
Theo quan sát của tôi, nhiều sếp cơ quan nọ khi đi qua cổng thì không hề đeo khẩu trang nhưng mấy ông bảo vệ lờ đi dù miệng chào rối rít.
Theo Bộ Y tế, đến chiều 10/6 đã có hơn 223 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trên cả nước, trong đó, hơn 200 triệu liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, 17,5 triệu liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi và hơn 5 triệu liều tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thậm chí, Bộ Y tế cho biết, đến nay còn tồn kho hơn 10 triệu liều và có nguy cơ hết hạn.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, đến đầu tháng 3, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới. “Việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển”, báo cáo viết.
Việc dịch bệnh đã được kiểm soát “thành công” đặt ra một câu hỏi “Việt Nam đã đạt mức miễn dịch cộng đồng hay chưa?” mà ngành y tế cần trả lời cả Chính phủ và người dân.
Các số liệu trên của Chính phủ ít nhất cho thấy, Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng. Hà Nội thực tế đã trải qua các làn sóng Covid trong vài tuần sau Tết dù không phong tỏa; TP.HCM thì khỏi nói. Khi con tôi đi học lại hồi đầu tháng 4, cô giáo chủ nhiệm cho biết, hơn 50/60 học sinh trong lớp khai báo đã từng nhiễm Covid-19. Tuyệt đại đa số những người tôi biết đều đã nhiễm Covid-19. Số người cho biết chưa nhiễm chỉ trên đầu ngón tay.
Xin nhắc lại một vài ví dụ rất sinh động, đáng giá. Đó là hình ảnh hàng chục ngàn người, cả lãnh đạo lẫn dân thường, không đeo khẩu trang, hò reo vang lừng trong trận đấu ở sân vận động Mỹ Đình mà đội tuyển U23 Việt Nam vô địch hồi cuối tháng 5. Và tôi đồ rằng, tất cả các bạn đọc đang đọc bài báo này - ở ngoài phố hay trong phòng họp - đều không đeo khẩu trang.
Tại một cuộc họp báo gần đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đang đề xuất thay 5K bằng 2K vì dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tôi phân vân về đề xuất này, từ những số liệu, câu chuyện kể trên, và đặc biệt là hình ảnh của đại diện Bộ Y tế không đeo khẩu trang, những người xung quanh cũng không đeo trong cuộc họp báo trên.
Trong suốt 2 năm qua, người dân luôn luôn ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ mình, người thân và tuân thủ pháp luật.
Khẩu trang có chống được corona virus hay không còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng rõ ràng, nhiều quốc gia không còn bắt người dân đeo khẩu trang, kể cả trên máy bay, tàu hỏa.
Khi còn quy định đeo khẩu trang, đồng nghĩa với chế tài nộp phạt 1-3 triệu, thì 100 triệu người dân còn tốn hàng tỷ đồng để mua khẩu trang mỗi ngày, và bất kỳ ai đều luôn đối diện án phạt.
Bộ Y tế nên cân nhắc chỉ khuyến cáo đeo khẩu trang mới cho thấy tính trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu và chỉ đạo điều hành. Còn khi để hàng triệu người vi phạm quy định thì rõ ràng làm cho quy định luật pháp và thực thi luật pháp trở nên kém hiệu lực, hiệu quả.
Việt Nam đã mở cửa với thế giới bên ngoài; cuộc sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp đã quay về bình thường cũ. Chúng ta đang ra sức mời gọi khách quốc tế đến du lịch, làm ăn. Có lẽ, chỉ cần khuyến cáo đeo khẩu trang, hoặc giới hạn quy định đeo khẩu trang ở những địa điểm cụ thể.
Tư Giang
Dịch bệnh đeo đuổi hơn 2 năm qua đã đạp phanh lên nhiều nỗ lực cải cách, thậm chí được tận dụng như là cơ hội để không ít bộ, ngành “kháng cự” lại tiến trình cải cách.