LỜI TÒA SOẠN:

Xuân Ất Tỵ là thời khắc đánh dấu sự chuyển mình của đất nước, sự khởi đầu của năm mới với niềm tin, sự tự hào chưa bao giờ vị thế, uy tín và cơ đồ của dân tộc, của Đảng, của đất nước ta có được như ngày hôm nay trên trường quốc tế.

Năm mới 2025 với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, khởi đầu là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025); và bây giờ, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thời điểm bắt đầu là sự kiện trọng đại, Đại hội 14 của Đảng.

VietNamNet xin chia sẻ một số bài viết, ý kiến, góc nhìn nhân sự kiện lịch sử trọng đại 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng (3/2/1930-3/2/2025), đất nước đã đạt được những thành tựu rất vĩ đại như giành độc lập dân tộc, kháng chiến thắng lợi chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; thống nhất đất nước; thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước từ một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành nước có thu nhập trung bình. Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

LOẠI BỎ TRÌ TRỆ, THÚC ĐẨY KHÁT VỌNG VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC

- Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, cũng là dịp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng. Để đất nước bắt đầu kỷ nguyên phát triển mới, thời điểm Đại hội 14 của Đảng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, theo ông, chúng ta cần đổi mới những gì về phương thức lãnh đạo của Đảng để phù hợp với điều kiện thực tiễn?

Gần 40 năm đổi mới, chúng ta hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đã đặt ra khi hoạch định đường lối đổi mới vào năm 1986, tạo thế và lực vững chắc cho đất nước ngày nay. Thế giới ngày nay cũng đang bước vào một thời đại hoàn toàn khác, với những biến đổi to lớn, nhanh chóng, sâu rộng như những đợt sóng dồn dập, một đợt sóng này chưa qua đợt sóng khác đã ập đến. Từ toàn cầu hóa, đến hội nhập quốc tế, cách mạng công nghệ 3.0, đến cách mạng công nghệ 4.0. Những biến đổi đó đã làm thay đổi phương thức sản xuất của cải và tinh thần, cách tương tác giữa con người với con người, con người với thế giới tự nhiên. Điều đáng nói là những thay đổi này hầu hết chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, khó dự báo trước được.  

Trong bối cảnh đó dân tộc nào, đảng chính trị nào nhận thức và tận dụng được các cơ hội và có đường lối phát triển đúng đắn sẽ thu được những thành tựu vượt bậc. Còn dân tộc nào không nhận ra vấn đề thì có thể chìm sâu trong lạc hậu, trở thành các quốc gia thất bại, chậm phát triển trong sự phân hóa, sắp xếp lại của trật tự thế giới.

phan xuan son.png
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Phong

Đảng ta có sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội, 95 năm đứng mũi chịu sào dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tình hình mới đặt lên vai của Đảng - Bộ tham mưu của giai cấp và của dân tộc những nhiệm vụ rất vẻ vang và nặng nề. Vì vậy, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền sao cho đáp ứng với yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trước hết phải đề ra đường lối chính trị đúng đắn; làm công tác tư tưởng để đưa đường lối của Đảng thành nhận thức chung, đồng thuận trong xã hội; đảng viên của Đảng phải nêu gương về đạo đức, tư cách, và đi tiên phong trong nắm bắt, thích ứng với điều kiện mới; phải tổ chức bộ máy sao cho hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; phải đào luyện được đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực để tổ chức thực hiện đường lối của Đảng và tham gia vào các cơ cấu quyền lực của Nhà nước, thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội, quản trị quốc gia, quản trị toàn cầu trong điều kiện mới.

Đảng ta có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo và cầm quyền qua các thời kỳ khác nhau. Nhưng ngày nay, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng cấp thiết và hệ trọng hơn bao giờ hết. Bởi hơn bao giờ hết, sự vững mạnh của quốc gia, sự thịnh vượng của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, yêu cầu chúng ta phải đoạn tuyệt với những phương thức, thói quen cũ kỹ, lạc hậu, trì trệ cản trở con đường phát triển của dân tộc ta.

Vì vậy, đường lối chính trị của Đảng phải phản ánh được ba vấn đề:

Thứ nhất: Nuôi dưỡng và phát huy chủ nghĩa yêu nước, khát vọng vươn mình của dân tộc. Việt Nam là dân tộc kiên cường, anh hùng, cần cù, sáng tạo, có vị thế, có uy tín trong khu vực, thậm chí trên thế giới. Non sông ta gấm vóc tươi đẹp, giàu có; dân tộc ta luôn luôn đứng về phía tiến bộ, văn minh để đánh thắng các thế lực xâm lược, thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất; luôn khao khát hòa bình, hòa hiếu và nhịp bước cùng các xu thế của các thời đại. Nhưng dân tộc Việt Nam cũng phải hi sinh, sức người sức của, tài lực, thời gian và cơ hội phát triển trong các cuộc chiến tranh khốc liệt chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mà nhiều thời kỳ phải chịu nghèo đói, lạc hậu. Một dân tộc như thế rất xứng đáng được hưởng hòa bình, độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc! Đó là khát vọng cháy bỏng trong ý thức, tâm tưởng người Việt Nam. Khát vọng vươn lên, đưa Việt Nam đứng vào vị trí hùng cường trong khu vực và trên thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Khi Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng quyết tâm đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là đã thấy được khát vọng của nhân dân, tin vào sự ủng hộ của nhân dân và năng lực lãnh đạo của mình. Hôm nay, chúng ta có đủ khả năng, nguồn lực, ý chí và tinh thần để bước sang kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc. Đường lối của Đảng đã hợp với lòng dân! Phải nuôi dưỡng khát vọng đó, và mỗi người dân, mỗi đảng viên, tổ chức đảng rất cần phải nuôi dưỡng khát vọng đó của dân tộc. Biến những khát vọng đó thành các chương trình hành động và hành động cụ thể. Đó sẽ là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, là động lực vĩ đại của người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thư hai: Giải phóng mọi nguồn lực và năng lực của dân tộc. Từ xưa đến nay, khi mọi năng lực của dân tộc được giải phóng, được huy động, chúng ta trở nên vô cùng mạnh mẽ lướt qua mọi thách thức, hiểm nguy. Đó là bài học trên dưới đồng lòng, toàn dân gắng sức, chúng chí thành thành, toàn dân đánh giặc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc.

tong bi thu txct.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm với lãnh đạo TP Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Viết Thành

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải có một công cuộc giải phóng mang tính cách mạng thực sự. Giải phóng khỏi tư duy giáo điều, lạc hậu, câu nệ, hình thức; giải phóng tư tưởng khỏi chủ nghĩa biệt phái, phe nhóm, cục bộ địa phương, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội... Trong hành động, cần giải phóng khỏi sự trì trệ của bộ máy quan liêu, tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; trao cho người dân, doanh nghiệp cơ hội được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Việt Nam có một nguồn lực to lớn từ quá khứ, là truyền thống, di sản văn hóa hàng nghìn năm. Cần giải phóng năng lượng của truyền thống và di sản này. Song cũng cần giải phóng khỏi những định kiến, thói quen, tập quán đã lạc hậu, trở thành gánh nặng của quá khứ. Chỉ có thể như thế, quá khứ mới thành động lực để bứt phá trong hiện tại. Đặc biệt là giải phóng trí tuệ Việt Nam khỏi các thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, bó buộc, giúp cho trí tuệ Việt Nam có tầm nhìn của kỷ nguyên mới, dám nghĩ lớn, để làm lớn. Trên thế giới nhiều quốc gia tuy nhỏ bé, nhưng nhờ có trí tuệ và giải phóng được trí tuệ, không để lãng phí trí tuệ mà vượt lên, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Singapore, Israel, Ireland...

Có thể nói rằng, tinh thần giải phóng này được thể hiện nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, phát biểu của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian gần đây. Đó là các tư tưởng truyền cảm hứng như “đột phá”, “vươn mình”, “tháo gỡ các điểm nghẽn”, “dám làm” “dám chịu trách nhiệm”, “cuộc cách mạng về tổ chức” (xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả), đổi mới tư duy làm luật và thực thi pháp luật, phê phán mạnh mẽ cách làm luật và thực thi pháp luật kéo sự phát triển đất nước xuống ngang tầm kinh nghiệm quản lý (không quản được thì cấm)...

Với tinh thần đó, trên thực tế cũng đã xuất hiện nhiều dự án, công trình lớn đã hoàn thành vượt mức với thời gian kỷ lục. Đặc biệt tinh thần giải phóng mọi nguồn lực của đất nước thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thư ba: Sáng tạo. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc sáng tạo, con người Việt Nam là những con người có bản năng và khả năng sáng tạo. Đây là một nguồn lực to lớn trong phát triển đất nước. Nếu tinh thần sáng tạo của nhân dân, của dân tộc được khơi nguồn, được phát huy, thì cơ hội thực hiện mục tiêu 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một quốc gia hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu của Việt Nam sẽ ở trong tầm tay.

Đề làm được điều đó, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là nhằm động viên, khuyến khích, phát huy sự sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong học tập nghiên cứu, trong mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong khoa học - công nghệ... Trong bối cảnh sự thay đổi diễn ra nhanh chóng và không đoán trước được, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải mang tính tiên phong, kiến tạo, mở và truyền cảm hứng. Quá trình tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều không gian cho sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp cho xã hội. Như vậy, bộ máy chỉ cần tinh, gọn, có năng lực, sẽ là một bộ máy nhỏ, nhưng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả lớn. Bộ máy thực hiện chức năng quản lý, quản trị mà không phải bị động chạy theo sau người dân, doanh nghiệp; cũng không níu kéo sự phát triển của đất nước theo kinh nghiệm và năng lực quản lý hạn chế của mình. Như vậy, hệ thống pháp luật phản ánh được xu thế phát triển của thế giới, của đất nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo vệ được sự sáng tạo của người dân là quan trọng nhất, chứ không phải luật hóa năng lực quản lý của hệ thống quan liêu là quan trọng nhất.

- Để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong những tháng gần đây, từ cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đến các bộ ngành, địa phương đang thực hiện 'cuộc cách mạng' về tổ chức bộ máy. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Chúng ta từng nhiều lần cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Tôi nhận thấy, những lần đó quyết tâm chính trị chưa cao, mô hình tổ chức và cách làm cũ, cho nên không hiệu quả. Thậm chí sau chương trình cải cách hành chính, biên chế tăng lên; tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ vẫn còn.

Lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã rất nhất quán thực hiện cuộc 'cách mạng' về tổ chức bộ máy theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bước đi đầu tiên là quyết tâm chính trị rất cao, nói và làm ngay, làm có thời hạn. Điều này tác động rất lớn, có thể trong một vài tháng, chúng ta chỉ thấy rõ kết quả về mặt cơ học, nhưng tôi tin rằng mục tiêu ‘cuộc cách mạng’ về tổ chức bộ máy sẽ thành công.

Theo tôi, cách làm lần này đúng hơn so với một số lần trước. Trước đây, chúng ta làm không biết bắt đầu từ đâu, có khi cải cách bên dưới trước, bên trên sau. Cho nên có hiện tượng, dù bên dưới đã nhập các cơ quan “cùng chức năng”, nhưng trên cấp tỉnh và cấp Trung ương vẫn nhiều đầu mối. Lần này chúng ta đã đảo ngược quy trình sắp xếp, tức là Trung ương làm trước, sau đó mới đến bên dưới, các tỉnh thành. Ví dụ, Trung ương không còn Bộ LĐ-TB&XH thì tỉnh thành cũng không còn cấp sở.

Trước đây, chúng ta cũng đặt ra cải cách bộ máy nhưng cách làm chưa mạnh, rón rén khi thực hiện, còn lần này là trong thời gian ngắn, phải làm luôn. Thực tế cũng có người còn băn khoăn, thế nhưng với đa số những người có tư tưởng tiến bộ, có trách nhiệm với xã hội, với nhân dân, với nước thì rất phấn khởi.

MỖI CÁN BỘ SẴN SÀNG HI SINH VÌ LỢI ÍCH CHUNG

- Theo ông, với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, phải sẵn sàng tâm thế như thế nào khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc?

Trong lịch sử Đảng ta có nhiều thời kì khó khăn, nhưng đảng viên với tinh thần hi sinh vì lợi ích chung, vì sự tồn tại của Đảng, nên chúng ta đã vượt qua. Cũng phải nói rằng, trong những năm gần đây, chúng ta lơi lỏng xây dựng tinh thần hi sinh này, thậm chí có người nghiêng sang lối sống hưởng thụ, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân, của đất nước, nên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất nhiều. Một số người giữ các chức vụ cao trong Đảng, trong Nhà nước bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự.

Tôi cho rằng, công việc sắp tới là rất khó, rất nặng nề nhưng rất đúng. Đây là một thử thách lớn đối với đội ngũ lãnh đạo của Đảng và của dân tộc. Nhưng đây cũng là cơ hội lớn, cuộc khảo nghiệm về năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới của dân tộc, mà thời đại mới đã mở ra từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Do vậy, chúng ta phải ủng hộ cái đúng, điều đó có lợi cho dân tộc, có lợi cho Đảng, nhưng có thể thiệt thòi cho một số đảng viên, cá nhân. Chúng ta phải tính toán, cân nhắc cái thiệt thòi đó để sẵn sàng hi sinh, chấp nhận. Mặt khác, về phía tổ chức đảng cũng phải thấy được sự thiệt thòi của cá nhân để tính toán chính sách, chế độ phù hợp để cán bộ yên tâm thực hiện theo sự sắp xếp của cơ quan, tổ chức.

hoi nghi trung uong.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 10 khóa 13. Ảnh: Nhật Bắc

- Trong xây dựng Đảng thì xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ "then chốt của then chốt". Vậy thời gian tới chúng ta cần lưu ý những gì, thưa ông?

Đường lối của đảng ta nêu rõ, cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh hay lý thuyết về tổ chức nói chung, cán bộ là gốc của mọi việc, quyết định của mọi việc, mọi việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, chúng ta cũng thường hay nói là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa ‘hồng vừa chuyên’. Hồng là đạo đức, tư cách; chuyên là chuyên môn phải sâu, sắc bén, phải đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, chúng ta phải xây dựng hệ thống công vụ (mở rộng ra là bộ máy của hệ thống chính trị) theo vị trí việc làm. Bộ máy cần vị trí, vị trí cần việc làm, việc làm cần con người có năng lực đáp ứng. Từ đó sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm, hằng năm phải đánh giá năng lực vừa theo vị trí việc làm, vừa bằng sản phẩm. Khi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm không nên chỉ xem xét ở khía cạnh ‘bằng lòng hay bằng cấp’, “lợi ích nhóm” mà phải xem xét năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên có đáp ứng vị trí việc làm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng chỉ là những nhân sự giữ vị trí việc làm trong hệ thống. Sau quá trình sàng lọc đó, cán bộ nào đáp ứng được yêu cầu thì chúng ta tập trung đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm...

Hơn nữa, để cán bộ yên tâm làm việc, tận tâm cống hiến, phục vụ nhân dân, thời gian tới, chúng ta phải xây dựng chính sách tiền lương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Việc cải cách tiền lương, nâng lương nhằm đáp ứng yêu cầu về lương, đủ đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động và nuôi sống gia đình người lao động.

Xin cảm ơn ông!