Niềm kiêu hãnh sản phẩm "Make in Vietnam"

Là công ty công nghệ trong ngành logistics, Smartlog đã xây dựng đa dạng sản phẩm phần mềm phục vụ hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng.

Những "át chủ bài" như Giải pháp phần mềm quản lý vận tải STM, Giải pháp phần mềm quản lý kho SWM, Giải pháp phần mềm quản lý đơn hàng và tồn kho đa kênh SOM, sàn vận tải STX, sàn tối ưu container COS… với tính sáng tạo cao đã giúp doanh nghiệp Việt này củng cố vị thế cạnh tranh trong cuộc đua với các công ty toàn cầu.

“99% giải pháp của Smartlog được kiến tạo và phát triển bởi đội ngũ nhân sự người Việt. Smartlog chưa từng sử dụng một phần mềm mã nguồn mở nào, điều mà rất nhiều doanh nghiệp phát triển sản phẩm phần mềm thường coi là cách đi tắt đón đầu, bất kể những hệ luỵ lớn, cản trở sự sáng tạo cũng như tính “trí tuệ và duy nhất” của sản phẩm. Chúng tôi tự hào về việc mang giá trị "Make in Vietnam" ra thế giới”, CEO Smartlog nhấn mạnh.

kurt binh quote 1 1281.jpg

Trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm "Make in Vietnam" cạnh tranh với các sản phẩm “ngoại nhập” ngay tại thị trường Việt, Smartlog có một số yếu tố thuận lợi như: Sự hiểu biết thị trường nội địa và cách thức tương tác với khách hàng địa phương giúp dễ dàng nắm bắt nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm phù hợp; Sự linh hoạt và tinh thần sáng tạo của đội ngũ kỹ thuật giúp nhanh chóng thích nghi và phản hồi lại những thay đổi trên thị trường.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng chẳng ít. Đáng chú ý là phải duy trì sự cân bằng giữa việc cung cấp các giải pháp chất lượng cao với việc đảm bảo mức giá cạnh tranh. Hoặc sự đổi mới liên tục và ứng dụng công nghệ mới lại đặt ra thách thức về đào tạo và phát triển nhân lực.

Đặc biệt, khi xây dựng thương hiệu "Make in Vietnam" trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, sẽ thường xuyên phải đối mặt với sự thận trọng từ phía khách hàng quốc tế, yêu cầu phải chứng minh khả năng cung cấp các giải pháp chất lượng và đáng tin cậy.

Năm 2021, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Smartlog được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển giải pháp tối ưu hoá chuỗi cung ứng.

“Điều này không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là một động lực quan trọng để Smartlog tiếp tục phát triển, đưa ra những giải pháp sáng tạo. Với sự tín nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi cam kết sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng những ứng dụng có tầm ảnh hưởng quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số”, ông Bình nói.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi bây giờ là làm sao thuyết phục khách hàng tin tưởng sản phẩm Việt, chấp nhận và ứng dụng giải pháp của Smartlog trong vận hành hoạt động chuỗi cung ứng và logistics. Nói thật, ngành logistics Việt Nam còn một khoảng cách rất xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thách thức ấy không chỉ đến từ vấn đề quy hoạch, hạ tầng, hay mạng lưới, mà đến từ việc chính các doanh nghiệp có coi logistics như là một vũ khí cạnh tranh hay không”, ông Bình thẳng thắn chia sẻ.

 

kurt binh quote 2 1283.jpg

Tự tin cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu

Ý tưởng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực logistics đã xuất hiện trong tâm trí của “vị thuyền trưởng” Smartlog từ khá sớm.

Nhiều năm trước, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể phát triển những sản phẩm và dịch vụ logistics có khả năng cạnh tranh quốc tế, không chỉ dành cho thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới.

Thế nhưng với tinh thần dân tộc, ý chí kiên định hướng tới thành công, cảm nhận rõ tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics trong nền kinh tế, CEO Smartlog cùng các cộng sự quyết tâm khắc phục những hạn chế hiện tại, góp phần xây dựng hệ thống logistics bền vững và cạnh tranh toàn cầu.

Hàng trăm tên tuổi lớn gồm rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đã trở thành khách hàng của Smartlog. Trong đó, có cả doanh nghiệp toàn cầu đã chuyển từ sản phẩm ngoại sang sản phẩm “Make in Vietnam” của công ty công nghệ logistics tuổi đời còn khá trẻ này.

So với những hy vọng ban đầu của Kurt Bình, môi trường cạnh tranh, cả trong nước và quốc tế, trên thực tế ác liệt hơn nhiều. Những giải pháp, dịch vụ tương tự buộc Smartlog phải đối mặt với sự cạnh tranh không ngừng nghỉ.

Lãnh đạo Smartlog thận trọng đánh giá và nhận thấy vẫn còn một số khía cạnh mình đang thua kém đối thủ cạnh tranh quốc tế. Chẳng hạn khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng ở những thị trường xa, nơi có văn hóa, ngôn ngữ và quy định pháp lý khác nhau.

“Sự hiểu biết sâu rộng về các thị trường quốc tế và khả năng tùy biến sản phẩm theo nhu cầu cụ thể của từng quốc gia là điểm mà chúng tôi đang cố gắng cải thiện. Trong một số trường hợp, chúng tôi cần nâng cao khả năng tích hợp với các hệ thống và công nghệ hiện có tại các doanh nghiệp quốc tế, để đảm bảo rằng sản phẩm có thể hoạt động một cách mượt mà, hiệu quả trong môi trường công nghiệp phức tạp”, CEO Smartlog tự đánh giá.

Mặt khác, Smartlog cũng tự thấy mình cần học hỏi thêm để nâng cao hơn nữa sự chuyên nghiệp trong phát triển sản phẩm, được chứng thực bởi các tổ chức độc lập toàn cầu như Gartner chẳng hạn. Sự chuyên nghiệp phải thể hiện từ cấu trúc sản phẩm, chất lượng sản phẩm, trải nghiệm người dùng, đến cách quảng bá, marketing cũng như hỗ trợ khách hàng.

“Biết người biết ta”, Smartlog đã tập trung mở rộng hoạt động nghiên cứu thị trường, nâng cao khả năng đào tạo và phát triển của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng quốc tế. Đồng thời tăng cường hợp tác, tích hợp với các đối tác kỹ thuật và công nghệ bản địa để đảm bảo rằng sản phẩm của mình có thể tương thích, tương hợp tốt hơn với môi trường toàn cầu.

Trên lộ trình “Go Global” (đi ra thị trường thế giới –PV), Smartlog nghiên cứu rất cẩn thận để hiểu rõ các quy định và rào cản pháp lý tại từng quốc gia có thể ảnh hưởng đến quy trình vận chuyển, giao hàng và lưu kho, qua đó thiết lập các quy trình và tiêu chuẩn phù hợp, giảm thiểu rủi ro.

“Nếu không có gì thay đổi thì tháng 9 năm nay, Smartlog sẽ ra mắt sản phẩm phần mềm quản lý vận tải (STM) phiên bản dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường Thái Lan, thông qua sự hợp tác chiến lược với đối tác Deliveree (một trong những doanh nghiệp nền tảng logistics mạnh tại ASEAN). Chúng tôi rất phấn khích với điều này. Đây là phép thử lớn tiếp theo với chúng tôi khi bước sang một vùng đất lạ”, ông Bình cho biết thêm.

Khát vọng lớn nhất của Smartlog bây giờ là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam và trên toàn cầu; cải thiện hiệu năng của tất cả các khía cạnh trong chuỗi cung ứng, từ quản lý vận tải đến quản lý kho và thương mại quốc tế, thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Smartlog đặt mục tiêu phục vụ ít nhất 1.000 doanh nghiệp lớn và 10.000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 5 năm tới.

Từ một “A Paranoid in Logistics - Kẻ hoang tưởng trong lĩnh vực logistics” năm 2015, Smartlog đang triển khai chiến lược “Go Big or Go Home - Đi xa rồi lại về nhà” trong năm 2023, và hướng tới tương lai 2030 mọi người sẽ “Think Logistics, Think Smartlog – Nghĩ tới Logistics, Nghĩ tới Smartlog”.

Để hiện thực hóa mục tiêu, Smartlog sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ dựa trên phản hồi của khách hàng cũng như sự phân tích sâu rộng về thị trường; tăng cường hoạt động tiếp thị và khuyến mãi để lan tỏa giá trị của Smartlog đến một lượng lớn doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng.

Nếu có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, tổ chức tài trợ và đối tác chiến lược về mặt tài chính, hay quy định, chính sách tạo môi trường thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ, thì con đường hiện thực hóa khát vọng của Smartlog sẽ được rút ngắn đáng kể.

Riêng về hoạt động “Go Global”, theo quan điểm của CEO Kurt Bình, các doanh nghiệp Việt cùng hợp tác và sát cánh bên nhau khi chinh phục thị trường quốc tế là một bước quan trọng và có tiềm năng mang lại thành công lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ hướng tới mục tiêu chung; phân chia vai trò rõ ràng để tối ưu hóa sự đóng góp từ mỗi bên và tránh xung đột không cần thiết; chia sẻ kiến thức và tài nguyên giúp giải quyết khó khăn và tận dụng tốt cơ hội mới trên thị trường; thích nghi linh hoạt với môi trường kinh doanh mới; và cần phải xây dựng thương hiệu Việt uy tín trên trường quốc tế.

Đại diện cơ quan thường trực Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” cho biết:

Với những nỗ lực lớn, sản phẩm của Smartlog đã được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2022 đánh giá, chấm điểm và đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải Đồng Hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số”. Đây là sự ghi nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông với doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chủ trương, chiến lược “Make in Vietnam” trong thời gian qua.

 Bình Minh