XEM VIDEO: 

Phần 1: Công nghệ làm nên phép màu Israel

Thành công từ điều ‘điên rồ’

Việt Nam có rất nhiều người sang Israel học tập và trở về nước gặt hái thành công. Như vậy, hợp tác giáo dục giữa hai nước phát triển thế nào trong thời gian qua?

Mỗi năm chúng ta có hàng trăm sinh viên, chủ yếu trong ngành nông nghiệp, sang Israel học tập và làm việc khoảng 1 năm. Tôi rất tự hào rằng ngay cả khi xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi vẫn đưa được vài trăm sinh viên Việt Nam sang.

Ngoài học về nông nghiệp, cách vận hành doanh nghiệp, sinh viên còn làm việc và học được từ công việc trong một vài ngày trong tuần ở nông trại. Điều quan trọng nhất là họ thấy cách nông dân Israel làm việc.

Rất nhiều người đem cách tiếp cận đổi mới sáng tạo này về quê nhà và thử làm một điều gì đó, thậm chí là những điều điên rồ.

Chúng tôi vừa tới Thái Nguyên, ngay gần núi bạn có thể nhìn thấy một nhà kính. Một bạn cựu sinh viên tại Israel đã quyết định trồng dưa hấu tại đó.

Đại sứ Nadav Eshcar: Hai nước có thể làm việc cùng nhau bởi chúng ta gắn kết với nhau

Trước đây, ở khu vực này không ai trồng dưa hấu cả. Hiện nay, rất nhiều dân làng và cả từ các xã khác tới làm thuê cho bạn ấy. Còn rất nhiều câu chuyện như thế nữa trên khắp Việt Nam.

Tôi tin rằng câu chuyện này chính là bản chất của việc hai nước chúng ta có thể làm việc cùng nhau bởi chúng ta gắn kết với nhau.

Để không ai một mình chịu rủi ro

Việt Nam hiện nay cũng đang tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Vậy theo ông, Việt Nam có thế mạnh gì trong lĩnh vực này? Hai nước hợp tác ra sao?

Khi bạn nói đến công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hay phát triển số, tôi nghĩ bạn cần có 3 điều: Tài năng, kiến thức và động lực.

Tôi nhận thấy ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều muốn học hỏi, phát triển bản thân. Về kiến thức, đây là vấn đề đào tạo, là cả quá trình tiến triển, đưa kiến thức từ bên ngoài về trong nước. Để đưa nguồn tài năng khổng lồ đó đến với thành công, bạn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, từ chính quyền địa phương, từ chính phủ.

Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam hoàn toàn hiểu điều đó và đang cố gắng làm như vậy.

Chẳng hạn, nếu bạn là nông dân, bạn phải là chuyên gia trồng cây, tưới tiêu, dùng phân bón, trong cả kinh doanh bán hàng, lên kế hoạch làm ăn và rất nhiều công việc khác… Làm sao bạn có thể làm được?

Phần lớn nông dân không học đại học, đôi khi còn không học trung học. Hãy tưởng tượng nếu có ai đó giúp bạn làm mọi việc ấy. Ví dụ như người nông dân không biết làm marketing. Họ có thể mang hàng ra ngoài đường bán cho người qua đường. Nhưng nếu xã, huyện cố gắng làm marketing, chẳng hạn “dưa hấu của chúng tôi ngon nhất cả nước”, như vậy sẽ dễ dàng hơn.

Tôi nghĩ cần xem xét làm thế nào để giúp đỡ các tài năng đó, không chỉ là nông dân, mà ngay cả các công ty khởi nghiệp, để họ thành công, để họ không tự mình phải đón nhận mọi rủi ro.

Tôi rất tự hào và chúng tôi luôn cởi mở trong việc chia sẻ những gì mình có với bạn bè Việt Nam.

Khát vọng tạo nên tính cách

Tôi muốn nói về khát vọng của người Israel, khát vọng lập quốc, xây dựng và phát triển đất nước như ngày nay?

Chúng tôi luôn có khát vọng. Đó cũng là khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra. Điều gì là quan trọng nhất, đó là Tự do, Độc lập. Theo tôi, sự phát triển là một phần trong đó. Chúng tôi muốn là một dân tộc tự do, kiểm soát số phận của mình, giống hệt như các bạn. Chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu vì nó.

Câu chuyện phát triển thời hiện đại của chúng ta đều rất khó nhọc. Người dân sẵn sàng phải trả giá cho độc lập, cho tự do, cho phát triển. Mọi người Việt Nam tôi gặp đều yêu, tự hào về đất nước, và đất nước thành công. Khát vọng tạo nên tính cách.

Con tôi chẳng biết gì ngoài Việt Nam

Ấn tượng hay kỷ niệm khó quên của ông trong 5 năm ở Việt Nam?

Nếu chia sẻ với bạn những khoảnh khắc, thì bạn biết đấy, khi dịch Covid bắt đầu, mọi người đều rất khó khăn. Họ mất thu nhập. Chúng tôi có một số hoạt động trên tư cách đại sứ quán. Chúng tôi đã trao tặng 1 tấn gạo cho những người cần nhất.

Đại sứ Nadav Eshcar thay mặt Đại sứ quán Israel ủng hộ 1 tấn gạo tại ATM gạo Trung tâm văn hóa phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 4/2020

Chúng tôi làm việc với chính phủ, với nhiều công ty, ngân hàng, nhưng điều quan trọng là chúng tôi làm những việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa. Trao cho họ - những người như cha mẹ của tôi vậy - một bao gạo và bạn đã giúp đỡ được họ.

Con cái của tôi lớn lên tại đây. Con gái út của tôi chẳng biết gì ngoài Việt Nam vì nó tới Việt Nam lúc 5 tuổi. Giờ con bé đã 10 tuổi. Con bé hỏi tôi: “Bố, tại sao chúng ta phải rời bỏ quê hương để đến một nước khác?”.

Nơi đây cũng là nhà của chúng tôi. Sau 5 năm, tôi rất buồn vì phải rời Việt Nam, không chỉ vì có rất nhiều việc phải làm và rất nhiều thành tựu đạt được, nhiều điều đẹp đẽ cần xây dựng, mà còn vì không khí chào đón, tình bạn dành cho tôi và gia đình từ Việt Nam là điều tôi sẽ không bao giờ quên.

Tại Việt Nam, trong những địa phương từng đến, ông ấn tượng với nơi nào nhất?

Tôi đã tới 55/63 tỉnh thành. Hà Nội như là nhà của tôi. Mỗi ngày tôi đều phát hiện ra điều gì đó mới mẻ của thành phố.

Có rất nhiều điểm trên đất nước Việt Nam mà tôi yêu thích, nhất là miền núi. Không chỉ có cảnh đẹp, mà còn có những người dân tộc thiểu số vô cùng thật thà, sống cuộc đời giản đơn. Giản đơn nhưng giàu có, không phải giàu về tiền bạc. Những nơi như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La… đều vô cùng huyền diệu với tôi.

Diệu Thúy - Đức Yên - Huy Phúc - Phạm Hải

Việt Nam liệu có thành Israel thứ hai?Bài học quý của Israel được một địa phương Việt Nam học tập bằng cách bỏ ra mấy triệu USD nhập về 2 khung nhà vườn để rồi cái khung nhà đắt tiền ấy bỏ trống...
Trải thảm đỏ chiêu mộ nhân tài công nghệ tầm cỡ thế giới

Hiểu rõ việc đảm bảo nguồn nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số đóng vai trò quyết định trong cuộc đua toàn cầu ở thời đại 4.0, Singapore có những quyết sách và bước đi bài bản.