Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, Hoà Bình có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, cái nôi của nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng, quê hương của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, với hơn 100 di tích đã được xếp hạng, nhiều lễ hội dân gian các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông.
Bên cạnh những giá trị văn hoá, tỉnh còn được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ, nhiều hang động đẹp và khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng. Đặc sắc hơn cả là hồ Hoà Bình dung tích trên 9 tỷ m3 nước, tài nguyên phong phú, phong cảnh non nước hữu tình, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Quốc gia…
Đến nay, theo thống kê, tỉnh Hòa Bình đã thu hút được 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó có 3 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 36.477,248 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 11 làng nghề truyền thống với trên 1.000 nghề; sản phẩm của các làng nghề đã được bán tại các điểm du lịch trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 10 bản du lịch cộng đồng dân tộc Mường, dân tộc Mông mới tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc thu hút nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm. Trong đó, điểm du lịch cộng đồng Đá Bia được nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN và 4 điểm du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình còn phát triển thêm một số loại hình du lịch hấp dẫn như: golf, bay dù lượn, chèo thuyền Kayak, đạp xe, du lịch kết hợp với trang trại trải nghiệm...
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho hay, tỉnh chủ trương phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống, có đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh du lịch cho các cơ sở trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, do vậy tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các đề án để phát triển ngành kinh tế như: Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Đề án Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề ra 11 giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Hướng tới mục tiêu đón 4,9 triệu khách vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động; xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình phấn đấu phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp hẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, thu hút đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 6.000 phòng.
Đa dạng hoá sản phẩm, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực
Hiện tỉnh Hoà Bình đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Cùng với đó, đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng những sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư được Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo, cùng sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các tỉnh trong khu vực, đại diện đại sứ quán một số nước và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia, nhằm cụ thể hoá Đề án tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch thường niên giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, Hoà Bình cũng đã tổ chức thành công Chương trình kích cầu du lịch năm 2023 với chủ đề "Hoà Bình - điểm đến du lịch xanh – trải nghiệm trọn vẹn”.
Với sự kiện này, tỉnh tăng cường giới thiệu, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của từng địa phương đến du khách trong nước, quốc tế. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp du lịch liên kết, hợp tác phát triển thị trường, tạo điều kiện để các khu, điểm, đơn vị hoạt động du lịch giới thiệu sản phẩm, đưa ra những chương trình ưu đãi và cam kết đảm bảo về chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, Hoà Bình cũng tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch, số hóa Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh và trang web quảng bá du lịch của Khu du lịch hồ Hòa Bình… Đẩy mạnh Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc mở rộng...
Năm qua, tỉnh đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, gồm Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ...
Nhờ những động thái trên cùng với sự nỗ lực của người dân, trong quý I/2023, ngành du lịch Hoà Bình có nhiều khởi sắc. Các khu, điểm du lịch đón 1.450.000 lượt khách, tăng 64,2% so với cùng kỳ, đạt 41,4% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch 1.200 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ, đạt 30,8% kế hoạch năm.
Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy quyết tâm và khát vọng về những giá trị lớn mà ngành công nghiệp không khói sẽ mang đến cho Hoà Bình trong năm 2023 và những năm tiếp theo.