Đây là thông tin được bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Uniceff Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 9/6.

Bộ trưởng Y tế mong muốn, Unicef tăng cường trao đổi với Covax để cung ứng vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam càng sớm càng tốt.

Ông Long cho biết, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, trong đó biến chủng Delta đến từ Ấn Độ lây lan rất nhanh và rộng.

Hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã quyết liệt triển khia nhiều biện pháp phòng chống dịch để sớm ổn định tình hình.

Một trong những ưu tiên trong phòng chống Covid-19 của Việt Nam là có vắc xin sớm và tiêm phủ rộng cho người dân. Song song tham gia cơ chế Covax, Việt Nam vẫn nỗ lực đàm phán với các đối tác, nhà sản xuất để đưa vắc xin về, đồng thời đẩy mạnh phát triển vắc xin trong nước để dần tự chủ.

{keywords}

Cán bộ y tế tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân tại Bắc Ninh. Ảnh: Bộ Y tế

Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm có đủ vắc xin tiêm cho 70% dân số, tạo miễn dịch cộng đồng song đến nay các nguồn vắc xin về Việt Nam rất chậm.

Vì vậy Bộ Y tế đã làm việc với Covax và có thư gửi Unicef mong muốn tăng cường thúc đẩy, trao đổi với Covax, đẩy nhanh tiến độ vắc xin Covid-19 về Việt Nam trong 3 tháng tới.

Bà Rana Flower cũng nhận định, tình tình dịch lần 4 tại Việt Nam khá phức tạp và lây lan nhanh. Tuy nhiên hiện chưa biết số lượng vắc xin Covid-19 dự kiến về Việt Nam trong thời gian tới.

“Các đợt vắc xin được cung ứng bởi một nhà sản xuất mới đang được xem xét, phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của WHO. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vắc xin này sẽ được chuyển về cho các quốc gia bao gồm Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 tới”, bà Rana thông tin.

Bà Rana Flowers hoan ngênh sáng kiến của Việt Nam trong việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 cũng như những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch.

“Kết quả khả sát của Unicef cùng các đối tác thực hiện mới đây cho thấy 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19, đây là tỷ lệ khá cao”, bà Rana tiết lộ.

Vào cuối tháng 7 tới, Unicef sẽ hỗ trợ Việt Nam hơn 1.900 tủ lạnh công suất lớn. Đây là đợt trang thiết bị đầu tiên trong gói hỗ trợ dây chuyền lạnh thông qua ngân sách hỗ trợ của Australia.

Đồng thời Unicef đã đặt hàng 5 xe tải lạnh chuyên dụng vận chuyển vắc xin và lô hàng này cũng sẽ về Việt Nam trong tháng 8-9 năm nay cùng hơn 5 triệu bơm kim tiêm.

Phía Unicef cũng quan tâm đến cách ly y tế với trẻ em. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên ở Việt Nam, vì vậy mới đây Bộ Y tế đã điều chỉnh quy định cách ly, cho phép trẻ em dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà, trẻ từ 5-15 tuổi được cách ly tại nhà sau 1 tuần cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính.

“Chúng tôi sẽ điều chỉnh quy định về cách ly đối với trẻ em phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch, đồng thời tôn trọng quyền trẻ em theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi”, Bộ trưởng Y tế nói.

Bộ trưởng cũng cam kết, vắc xin về bao nhiêu, Việt Nam sẽ tiêm hết chừng đó, cam kết người dân đượ sử dụng vắc xin công bằng và hiệu quả.

Đến nay có 4 lô vắc xin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên của VNVC gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều của VNVC về ngày 25/5.

Thúy Hạnh

Đánh giá của WHO về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc

Đánh giá của WHO về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO (SAGE) về tiêm chủng đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vắc xin Covid-19 Sinopharm của Trung Quốc.