Đến dự Lễ khánh thành, có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc WorldBank tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự quan trọng của việc hình thành Trung tâm tích hợp dữ liệu và Hệ thống Quản lý cấp thị thực trực tuyến. Bộ Ngoại giao từ lâu đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT-TT trong quản lý hành chính. Đây là xu thế tất yếu và cũng là yêu cầu quan trọng trong Đề án cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống Quản lý cấp thị thực trực tuyến và Trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc Bộ Ngoại giao sẽ phát huy được những tác dụng tích cực và tăng cường khả năng liên kết, chia sẻ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ hành chính công. Qua đó, phát huy hiệu quả của dịch vụ, tiết kiệm chi phí quản lý; đồng thời cung cấp cho Bộ Ngoại giao hệ thống quản lý thuận tiện trong công tác cấp thị thực, tăng cường và hỗ trợ tốt công tác quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao.
Lần đầu tiên, Việt Nam có trang mạng khai đơn xin thị thực có thể truy cập từ Internet, tại địa chỉ http://visa.mofa.gov.vn. Đồng thời, thực hiện thống nhất toàn bộ quy trình, thủ tục, hình thức cấp thị thực cho khách nước ngoài bằng phần mềm tin học tại Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Cũng nằm trong hệ thống Quản lý cấp thị thực trực tuyến, còn có phần mềm Quản lý và cấp thị thực tại Cục Lãnh sự/Sở Ngoại vụ TP.HCM, phần mềm Quản lý và cấp thị thực tại 95 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trung tâm Dữ liệu của Bộ Ngoại giao được đầu tư hạ tầng CNTT hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao năng lực quản lý điều hành, hiệu quả công việc, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm chi phí; Đảm bảo tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng CNTT được đầu tư, phát triển trong vòng 5 năm...
Cả hai hạng mục này đều thuộc Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam được thực hiện từ năm 2006 bằng nguồn vốn vay của World Bank, tạo ra nền móng vững chắc, môi trường sẵn sàng cho việc triển khai Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành và địa phương.