Sáng 8/9, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức lễ thông xe cầu Long Kiểng nằm trên đường Lê Văn Lương, bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè).
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban giao thông cho biết, dự án xây dựng cầu Long Kiểng có chiều dài gần 1km. Trong đó, phần cầu có chiều dài 317,8m, rộng 15m chia làm 2 chiều lưu thông với 4 làn xe. Phần đường vào cầu có thiết kế chiều dài 661m với phạm vi phía xã Phước Kiểng khoảng 215m và xã Nhơn Đức khoảng 446m. Bên cạnh đó, công trình còn xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng…
Tổng mức đầu tư hơn 589 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng hơn 211 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 325 tỷ đồng và phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng…
Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư vào năm 2001 và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/8/2018 trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ UBND huyện Nhà Bè. Đến ngày 20/12/2019, dự án phải tạm dừng thi công vì không có thêm mặt bằng để tiếp tục thi công.
Sau 3 năm dừng thi công, đến ngày 8/9/2022, dự án chính thức được tái khởi động với lễ bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến hôm nay, dự án chính thức thông xe đưa vào sử dụng sau 5 năm thi công xây dựng.
"Cầu Long Kiểng trước đây gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy mô, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, phải chờ điều chỉnh nên đến năm 2018 mới bắt đầu xây dựng. Hôm nay, tròn một năm sau khi tiếp nhận 100% mặt bằng, với nỗ lực quyết tâm, công trình đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho phía Nam thành phố với tỉnh Long An, thông qua đường Lê Văn Lương", ông Lương Minh Phúc chia sẻ.
Có mặt tại sự kiện, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, công trình cầu Long Kiểng hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giao thông khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Nhà Bè cũng như khu vực phía Nam của TP.HCM.
Bà nhắc lại việc bốn năm trước khi giám sát tình hình xây dựng cầu Long Kiểng, bà Lâm Thị Nga (một người dân địa phương) đã than thở rằng dự án được thực hiện từ năm bà 60 tuổi nhưng đến nay bà đã ngoài 80 tuổi mà vẫn chưa xong.
“Đến giờ phút này, tôi vẫn nhớ mãi lời chia sẻ tâm sự của cụ bà Lâm Thị Nga. Bà nói rằng mong được sống đến ngày nhìn thấy cây cầu Long Kiểng được hoàn thành, nghe tưởng chừng giản đơn, ấy vậy mà bà phải chờ đến 1/4 thế kỷ mới thành hiện thực”, bà Lệ chia sẻ.
Trong sáng nay, cụ bà Lâm Thị Nga vinh dự là một trong những người dân được mời đến chứng kiến sự kiện cây cầu hoàn thành. Cụ bà chia sẻ rất vui sướng khi giấc mơ đã hoàn thành hiện thực, cây cầu hoàn thành đã giúp người dân được thuận lợi trong sinh hoạt, các cháu học sinh đến trường dễ hơn và không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua cầu cũ.
Cụ bà cũng mong muốn, sắp tới TP.HCM quan tâm triển khai thực hiện các dự án mới thay thế những cây cầu sắt nhỏ hẹp trên tuyến đường Lê Văn Lương để giúp dân thông suốt hành trình từ TP.HCM về Long An và ngược lại.
Trả lời thắc mắc của người dân, ông Lương Minh Phúc thông tin, sau khi thông xe cầu Long Kiểng, một cây cầu khác trên đường Lê Văn Lương là cầu Rạch Đỉa đã được khởi công hồi tháng 8 vừa qua với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cuối năm 2024. Đồng thời, trên đường Lê Văn Lương, thành phố cũng sẽ sớm bố trí vốn để xây cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi trên thay thế cho các cây cầu sắt hiện xuống cấp.
Ngoài ra, để kết nối khu Nam với trung tâm TP.HCM, thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ,...