Theo tin từ Đài PT-TH Khánh Hòa, Bộ TT&TT đã ra thông báo về việc vào ngày 31/12/2017 là thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do còn có một số vướng mắc trong công tác thực hiện chuyển đổi, nên Khánh Hòa sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog tại trạm phát sóng chính, không thực hiện tắt sóng tại các trạm phát khác trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, kể từ ngày 31/12/2017 Khánh Hòa sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog tại trạm phát sóng chính đặt tại 70 Trần Phú, TP. Nha Trang; không tắt sóng tại các trạm phát khác trên địa bàn tỉnh.

Vùng ảnh hưởng khi tắt sóng gồm có thành phố Nha Trang, 10 xã thuộc huyện Diên Khánh và 5 xã thuộc huyện Khánh Vĩnh. Dự kiến, trong tháng 11/2017, Sở TT&TT sẽ phối hợp với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 5.012 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hưởng hỗ trợ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng trong đợt tắt sóng ngày 31/12/2015.

 Những địa phương còn lại vẫn thu phát tín hiệu truyền hình tương tự mặt đất như trước kia. Những máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất còn lại vẫn duy trì hoạt động và sẽ thực hiện số hóa truyền hình vào những năm tiếp theo

Sở TT&TT Khánh Hòa sẽ phối hợp với Đài PT-TH Khánh Hòa và Cục Tần số vô tuyến điện khảo sát vùng lõm tìm giải pháp khắc phục tình trạng tín hiệu không ổn định. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh các đầu thu truyền hình số, máy thu hình tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lưu ý đến việc lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phải triển khai trước khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog.

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, tháng 12/2017 sẽ có thêm 7 tỉnh còn lại tại khu vực đồng bằng Nam Bộ (gồm các tỉnh Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh) sẽ tắt sóng truyền hình analog, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất, trước 12 tháng so với lộ trình ban đầu. Khi đó, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ sẽ hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất.

Tính đến nay Việt Nam đã có 28 tỉnh, thành phố, với tổng dân số chiếm hơn 60% của cả nước đã chuyển sang phát sóng, thu xem truyền hình số mặt đất DVB-T2, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.

Vào cuối đầu năm 2018, sau khi 7 tỉnh ngắt sóng truyền hình analog vào 31/12/2017, sẽ có 35 tỉnh hoàn thành số hóa truyền hình.