Nhằm thực hiện Công điện số 163/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người, và “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025”, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều chính sách, phương án cụ thể.
Ảnh minh họa. Thanh Tùng |
Trong đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm.
Các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người và nguy cơ dịch tái phát trên diện rộng, nguy cơ lây truyền qua việc vận chuyển gia cầm nhập lậu; phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình diễn biến dịch bệnh đến đông đảo người dân để chủ động phòng chống, tránh thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.
Tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm và chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, nghi nhập lậu, chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…
Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hoàn thành các mục tiêu như: Xây dựng thành công các cơ sở sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh...
Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 50% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Để hoàn thành những mục tiêu trên, các kế hoạch cũng đã đề ra nhiều nội dung và biện pháp thực hiện cụ thể như: Các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi).
Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm, sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Các cơ quan chuyên ngành Thú y và các đơn vị liên quan chủ động theo dõi, giám sát đàn gia cầm để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh và tiến hành khoanh vùng, dập dịch.
Tổ chức các đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh với hình thức, quy mô, chủng loại, liều lượng, thời gian tiêm phù hợp, nhất là tại các địa phương, vùng có nguy cơ cao; tiến hành giám sát, đánh giá sau mỗi đợt tiêm phòng.
Thực hiện kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm để ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus gây bệnh từ bên ngoài vào tỉnh; kiên quyết xử lý theo quy định các trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu hoặc nghi nhập lậu…
Thanh Tùng