Tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hoà), sau hơn nửa tháng bám biển khai thác thuỷ sản, ông Phạm Văn Hiến cho tàu cập bến. Ngay lập tức, ông dùng chiếc điện thoại thông minh của mình để truy cập vào phần mềm eCDT (Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử) và hoàn thành công đoạn cuối cùng trong khai báo thuỷ sản đánh bắt trước khi xuất bán hàng hoá cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ông khoe, trên phần mềm này có tất cả thông tin, dữ liệu về tàu cá, thuyền thưởng và các thuyền viên. Việc xuất nhập cảng, sản lượng khai thác đều được hiển thị trên hệ thống rất rõ ràng. 

Các thao tác khai báo thuận tiện và nhanh chóng nên ông Hiến đã sử dụng phần mềm này trong quá trình khai thác đánh bắt thuỷ sản được vài tháng nay. Bởi, nó giúp những ngư dân như ông minh bạch được nguồn gốc thuỷ sản khai thác, đồng thời tiết kiệm được khá nhiều thời gian so với khai báo trên giấy.

Tại văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá ở cảng Hòn Rớ đã lắp đặt một máy tính bảng cài đặt phần mềm eCDT. Mục đích để hướng dẫn ngư dân sử dụng, đồng thời hỗ trợ những ngư dân không sử dụng điện thoại thông minh nhưng vẫn có thể truy cập làm thủ tục cho tàu cá xuất và nhập cảng.

W-ca ngu.png
Khánh Hoà đang thí điểm triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. 

Ông Phan Ngọc Tấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà cho biết, từ đầu năm đến nay, các tàu cá xuất và nhập bến tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện khai báo trên phần mềm eCDT.

Theo đó, đã đăng ký mở 197 tài khoản trên hệ thống eCDT cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở thu mua và chế biến hải sản. Trên hệ thống eCDT, cơ quan quản lý cũng đã thực hiện các thủ tục quy định cho 3.289 lượt tàu xuất cảng, 2.894 lượt tàu cập cảng. Ngoài ra, triển khai cấp 762 biên nhận bốc dỡ thuỷ sản qua cảng, cấp 67 xác nhận thủy sản khai thác và 2 chứng nhận thủy sản khai thác.

Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hoà nhìn nhận, nuôi biển và khai thác thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn qua các năm. 

Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu thuỷ sản thu về 632,4 triệu USD, năm 2022 là 738,6 triệu USD, năm 2023 tăng lên 729 triệu USD. Năm nay ước xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 830 triệu USD.

Theo ông, nếu khai thác tốt tiềm năng lợi thế biển của địa phương, đồng thời các chương trình, đề án, chính sách sớm được thông qua, năm 2025 có khả năng Khánh Hòa sẽ thu về gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản. Song, tỉnh cũng phải chú trọng hơn nữa đến vấn đề truy xuất nguồn gốc thuỷ sản để đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu, nhất là vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU.

Hiện, Khánh Hoà là tỉnh tiên phong thí điểm Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Thời gian tới, tỉnh này sẽ triển khai thực hiện 100% các hoạt động xác nhận xuất và nhập bến của tàu cá; kiểm soát thống kê sản lượng qua cảng cá; cấp biên nhận bốc dỡ sản phẩm thủy sản qua cảng; cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nhận thủy sản khai thác trên hệ thống eCDT.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong năm 2024, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác của nước ta ước đạt 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2023. Nghề đánh bắt khai thác thuỷ sản là sinh kế của hàng triệu ngư dân ở các tỉnh thành ven biển của nước ta.

Thế nhưng, mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường EU gặp khó trong những năm gần đây vì chưa gỡ được thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của EC).

Để chống khai thác IUU, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã xây dựng và đưa vào triển khai “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử -  eCDT" nhằm minh bạch thông tin, kết nối dữ liệu liên thông phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Ứng dụng sẽ đảm bảo chức năng của tất cả các bên tham gia theo đúng quy trình của pháp luật, giúp minh bạch hóa các bước truy xuất nguồn gốc, tiến tới tự động hóa hoàn toàn quy trình để thay thế cho việc truy xuất trên bản giấy như hiện nay.

Hơn nữa, minh bạch được nguồn gốc thuỷ sản khai thác chính là điều kiện bắt buộc để ngành thuỷ sản Việt Nam gỡ được thẻ vàng IUU của EC.