CNHT vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển
Theo Sở Công Thương Khánh Hoà, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Tổng giá trị sản xuất của lĩnh vực này chiếm khoảng 4,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, hàng năm đóng góp vào ngân sách khoảng 35 tỷ đồng; số lao động chiếm khoảng 9,5% tổng số lao động của ngành công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực: Dệt may, cơ khí, công nghiệp điện, điện tử.
Lĩnh vực CNHT ngành dệt may là một trong những lợi thế của Khánh Hoà |
Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, vị trí và quy mô công nghiệp của địa phương này bởi lẽ Khánh Hoà là tỉnh có vị trí chiến lược, có cảng biển, nhiều khu công nghiệp và dễ dàng liên kết với các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Lãnh đạo Sở Công Thương Khánh Hoà nhận định, phần lớn các doanh nghiệp CNHT tại địa phương có quy mô vừa và nhỏ, rất hạn chế về nguồn vốn, thiếu khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu, tính liên kết ngành chưa cao, chưa đủ nguồn nhân lực phục vụ cho CNHT và lao động có trình độ. Do đó chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt sản xuất công nghiệp đang bước vào thời kỳ Công nghệ 4.0, đòi hỏi tỷ lệ tự động hóa rất cao.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hoà xác định, phát triển CNHT vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp. Đồng thời, ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của DN trên địa bàn, tạo sức hút cho nhà đầu tư…
Theo đó, UBND tỉnh đã dành 7.770 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn, với lãi suất thấp để mua máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm. Trong đó, nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT của Trung ương là 1.950 tỷ đồng, kinh phí ngân sách địa phương là 5.820 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí của địa phương, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ chương trình khác như xúc tiến đầu tư, quỹ phát triển khoa học - công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại… Đồng thời, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT.
4 lĩnh vực CNHT được ưu tiên phát triển
Trước thực trạng này, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NĐ-CP vào tháng 8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng Chương trình Phát triển CNHT phù hợp với lợi thế phát triển của địa phương.
Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, xác định 4 lĩnh vực CNHT chính được chú trọng đầu tư gồm: Cơ khí; dệt may, da giày; điện tử, thiết bị điện và lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực cơ khí, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành chế tạo máy móc, thiết bị và CNHT ngành cơ khí làm động lực để phát triển CNHT chung. Các hoạt động tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng thân thiện môi trường phải được các ban, ngành liên quan quan tâm đúng mức.
Trong lĩnh vực dệt may, da giày, xác định tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may và hoàn thiện sản phẩm, nhằm thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị quy mô lớn.
Ngoài ra, đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT ngành da giày nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành. Trong thời gian tới, sẽ ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi ví chất lượng cao.
Riêng lĩnh vực điện tử, thiết bị điện và công nghiệp công nghệ cao, tuy chưa phải là thế mạnh vượt trội, song lãnh đạo tỉnh cũng xác định cần có sự đầu tư đúng tầm, phấn đấu đến năm 2025 có những bước tiến rõ rệt, hình thành các doanh nghiệp có chất lượng, đủ mạnh trong các lĩnh vực này.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh.
Đồng thời tham mưu đề xuất việc thành lập một Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm tư vấn, triển khai các đề án thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh.
Hoàng Hiệp