Năm 2023, toàn tỉnh có 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao

Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tỉnh Khánh Hoà vừa tổ chức họp thẩm định xét, đề nghị công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, toàn tỉnh có 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong đó, vào tháng 1/2024, 3 xã ở Diên Khánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn. 8 xã còn lại gồm 1 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới là Cam Phước Tây (Cam Lâm) và 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Vạn Hưng (Vạn Ninh); Ninh Hưng, Ninh Bình, Ninh Phụng, Ninh Đông (Ninh Hòa), Vĩnh Thạnh (Nha Trang); Cam Thịnh Đông (Cam Ranh).

Theo tổng hợp kết quả thẩm định mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí, 8 xã này đều đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn cũng đã được các địa phương hoàn thiện, 8/8 xã không có nợ xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn 8 xã đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mơi nâng cao đáp ứng yêu cầu quy định, cả 8 xã không phức tạp về an ninh trật tự.

Xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm), vượt khó nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới

Từ địa phương còn nhiều khó khăn, xã Cam Phước Tây đã nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối tháng 5, Cam Phước Tây  phấn khởi tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

W-Camphuoctay.png

Ảnh: Một đoạn hạ tầng giao thông của xã Cam Phước Tây 

Cam Phước Tây có diện tích tự nhiên gần 8.700ha, chủ yếu là đồi núi, một phần nhỏ hẹp đồng bằng và bán sơn địa. Trong số gần 2.000 hộ dân toàn xã, có tới 80% sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp; hầu hết lao động chưa được đào tạo nghề, công việc không ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Do đó, xã xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước hết là tập trung cải thiện về kinh tế. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm nghèo, như: Phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ người dân thực hiện có hiệu quả các mô hình nuôi heo đen, gà thả vườn, chăm sóc và trồng mới cây điều, cây xoài…; tập trung đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 97%, trong đó gần 30% có bằng cấp, chứng chỉ…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 3,02%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 53,2 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, toàn bộ đường liên xã, liên thôn trên địa bàn xã đã được cứng hóa, gần 85% đường trục chính nội đồng đã được đổ bê tông; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh; 99,56% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ lưới điện quốc gia. Trên địa bàn xã có 4 trường học (1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS) đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định.

Nhà văn hóa xã, hội trường thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thi đấu đa năng được đầu tư khang trang, phục vụ người dân vui chơi, sinh hoạt văn hóa và thể thao. Các tiêu chí về y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… đều đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, những gia đình khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ xây nhà, góp phần nâng tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn lên 95,64%.

Những kết quả này là nền tảng để Cam Phước Tây tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và hướng đến mục tiêu cao hơn.