Lở mồm long móng là bệnh phức tạp, nguy hiểm nhất ở gia súc, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Dịch bệnh này đã tác động không nhỏ đến người chăn nuôi lợn. Khi dịch bùng phát, lây lan, nhiều hộ mất ăn, mất ngủ lo phòng chống dịch; nhiều hộ lại phải bán tháo đàn lợn dù chưa đến ngày xuất chuồng.

{keywords}
 

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng,  UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn này là phấn đấu số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 đến 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Đến năm 2025, có ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi heo an toàn; tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đạt trên 80% so với tổng đàn thuộc diện tiêm; 100% cơ sở chăn nuôi lớn, 80% cơ sở chăn nuôi vừa và 50% cơ sở chăn nuôi nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch.

Kế hoạch cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chuyên môn và đơn vị địa phương; các giải pháp của từng nội dung từ con giống, quy trình nuôi, vận chuyển, giết mổ gia súc và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 17,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 6,28 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 1 tỷ đồng, còn lại là chi phí do người chăn nuôi chi trả.

Hữu Duyên