Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân không săn bắt chim hoang dã, chim di cư làm thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra ở các địa phương trong tỉnh làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, tận diệt nguồn chim hoang dã. 

Do nhu cầu sử dụng chim trời làm các món ăn ở nhà hàng, quán nhậu rất lớn. Giá chim trời từ 200 – 300 nghìn đồng/kg, vịt trời tự nhiên, le le có giá hàng triệu đồng. Vì vậy, người dân đã dùng nhiều biện pháp để săn bắt, tận diệt các loài động vật này. 

Tại cánh đồng Tân Sinh Đông (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm), người dân thường xuyên giăng lưới để bẫy chim trời. Hạt kiểm lâm huyện Cam Lâm đã thường xuyên kiểm tra, giám sát và thu giữ các loại lưới bẫy chim.  Các hoạt động mua bán chim trời vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Thậm chí, Người dân các khu vực ở TP Nha Trang như đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi,… còn bán chim hoang dã, vịt trời công khai.

Không chỉ săn bắn chim chơi, hoạt động săn bẫy trái phép chim yến cũng diễn ra thường xuyên tại Khánh Hòa. Công ty Yến sào Khánh Hòa mỗi năm phát hiện khoảng 20 vụ săn bắt chim yến. Mỗi năm công ty này phát hiện hơn 20 vụ bắt bẫy, giải cứu hơn 3.000 con chim yến. Chim yến sau khi giải cứu sẽ được thả về với thiên nhiên, con nào yếu sẽ được chăm sóc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học, khi phục hồi sẽ được thả về môi trường tự nhiên. 

Chim yến được nuôi tại các nhà yến nhưng đây cũng là chim hoang dã. Tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, tại Điều 27 Vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến nêu rõ: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học”.

Hành vi săn bắt chim yến khiến chim mẹ không về ấp trứng, chim non không được chăm sóc dẫn tới chim chết, nguồn chim dần dần sẽ cạn kiệt vừa ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong quần thể chim yến tự nhiên và nguồn lợi kinh tế loài chim này mang lại.

371533071 891266855661125 8571216652250014077 n.jpg
Săn bẫy chim yến là vi phạm pháp luật.

Hoạt động săn bắt chim hoang dã làm thay đổi môi trường tự nhiên và ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã thường xuyên ra các văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Hạt kiểm lâm huyện, thị tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua loa truyền thanh, pano, các tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu để người dân không săn, bắn, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư làm suy giảm số lượng thành phần các loài chim hoang dã, di cư. 

Tháng 3/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, địa phương vẫn tập trung vào công tác tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học. Ưu tiên tuyên truyền tới cộng đồng dân cư sống ở quanh khu bảo tồn, vùng đất ngập nước, tuyến di cư và điểm đến của các loài chim hoang dã. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; xử lý nghiêm hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loại thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. 

Khánh Hòa được đánh giá là tỉnh có đa dạng sinh học phong phú, với nhiều hệ sinh thái đặc thù như: San hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn… Ngoài tăng cường kế hoạch phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, tỉnh này cũng tập trung nhiều giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học,  áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV