Tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và các hoạt động liên quan khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên Hợp Quốc trong xử lý các thách thức toàn cầu.
Tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của Liên Hợp Quốc
Hợp tác với LHQ luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung và trong đối ngoại đa phương nói riêng. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ năm 1977, hợp tác Việt Nam - LHQ đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều ý nghĩa và kết quả thiết thực cho cả hai bên. LHQ là người bạn thuỷ chung gắn bó, đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam suốt chặng đường tái thiết sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới.
LHQ là diễn đàn quốc tế quan trọng hàng đầu để các quốc gia tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong công cuộc đổi mới, các chương trình, dự án của LHQ đã góp phần giúp Việt Nam phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Những đóng góp quý báu về tri thức, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật của hệ thống LHQ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Vào thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn về vaccine và thiết bị y tế của LHQ, trực tiếp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình COVAX, góp phần kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, tiến tới đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Về phía mình, Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ trong suốt 46 năm qua và ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở cả 3 trụ cột chính của LHQ là hoà bình-an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.
Đăng cai tổ chức sự kiện lớn về đánh giá năng lực gìn giữ hòa bình
Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức một sự kiện lớn về đánh giá năng lực gìn giữ hòa bình, qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế hợp tác đa phương và song phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khuôn khổ ADMM+, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các quốc gia thành viên ADMM+.
Hôm 13/9 vừa qua tại Hà Nội, Chương trình đánh giá năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023), do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thay mặt Nhật Bản với tư cách là đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình (PKOEWG) chu kỳ 4, bà Matsuzawa Tomoko, Giám đốc hợp tác Quốc tế Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Nhật Bản bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Bộ Quốc phòng Việt Nam, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cũng như các đồng nghiệp tại Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu đối với Nhật Bản và các đoàn Quốc tế tham gia sự kiện.
Theo bà Matsuzawa Tomoko, Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong 3 năm qua nhằm đạt được các mục tiêu của chu kỳ hiện tại. Nhờ sự hợp tác tích cực từ Việt Nam cũng như các nước thành viên, hai bên đã tổ chức thành công một số hoạt động quan trọng. Sự tham gia tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia từ Liên hợp quốc và sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước thành viên đã góp phần giúp hai nước đồng chủ trì lập kế hoạch và chuẩn bị hiệu quả cho CEPPP.
Bà Matsuzawa Tomoko cho rằng mục đích tổng thể của CEPPP là tăng cường quan hệ đối tác giữa các nước thành viên khi thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở cấp chiến thuật. Để hoàn thành mục tiêu, Việt Nam và Nhật Bản đã rất chú trọng trong quá trình lập kế hoạch CEPPP đối với hai yếu tố then chốt: đầu tiên là đảm bảo tính thực tế bằng cách tập trung vào những thách thức gặp phải trong các hoạt động gìn giữ hòa bình hiện nay bằng cách phản ánh kinh nghiệm của các nước thành viên trong các kịch bản CEPPP; thứ hai là lồng ghép các quan điểm về bình đẳng giới.
Bày tỏ tin tưởng với sự tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam, sự kiện này sẽ đạt được mục đích đề ra góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa tất cả các nước thành viên ADMM+, Trưởng Nhóm Chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Nhật Nản đề nghị tất cả các nước thành viên ADMM+ cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu của CEPPP và giành kết quả cao nhất, đóng góp hơn nữa cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong tương lai cũng như hòa bình và an ninh quốc tế.
CEPPP là chương trình đánh giá huấn luyện thực hành tổng hợp với trọng tâm là triển khai thực hiện nhiệm vụ của Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc, với sự hiệp đồng hỗ trợ của đơn vị Công binh và Quân y ở cấp chiến thuật tại một phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chương trình gồm 3 phần chính: huấn luyện lý thuyết; huấn luyện thực hành kỹ năng; tập bài thực địa tổng hợp và trình diễn tham quan. Sự kiện có sự tham gia của gần 300 chuyên gia, học viên, quan sát viên đến từ các quốc gia thành viên ADMM+, là hoạt động cuối cùng của Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ ADMM+.