- Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày 3/5 đã gửi thư lên tổ chức này về hai văn bản của Philippines và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền Biển Đông.
>> Philippines dùng tàu Mỹ tăng cường tuần tra Biển Đông
Bức thư gửi đến Ban phụ trách các vấn
đề đại dương và Luật biển của LHQ nhắc tới công hàm số 000228 ngày 5/4/2011 và
công hàm số CML/8/2011 ngày 14/4/2011 do Philippines và Trung Quốc gửi tới Tổng thư ký LHQ.
Phái đoàn thường trực đã chuyển đến LHQ quan điểm của chính phủ Việt Nam rằng: “Quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo này”.
Ảnh: Long Anh
Trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề đại dương và Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố, nhóm đảo Kalayaan là một phần không tách rời của Philippines, rằng nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp với mỗi đặc trưng địa chất trong nhóm đảo Kalayaan theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Philippines khẳng định, vùng biển tiếp giáp tới các đặc điểm địa chất tại nhóm đảo Kalayaan đã được xác định bởi các biện pháp pháp lý và kỹ thuật, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “với vùng biển liên quan cũng như đáy biển và thềm lục địa” bên ngoài của các đặc trưng địa chất là “không có cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS".
Không lâu sau đó, ngày 14/4, Trung Quốc đã gửi công hàm tới LHQ để hồi đáp việc Manila gửi thư ngoại giao phản đối ngày 5/4. Trong công hàm, Trung Quốc tuyên bố: "Kể từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm lấn và chiếm đóng một số đảo cũng như vỉa đá ngầm tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa) và đưa ra các tuyên bố chủ quyền liên quan, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối. Cái gọi là quần đảo Kalayaan mà Philippines tuyên bố chủ quyền là một phần của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc".
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm như vậy.
Vào tháng 5/2009, một ngày sau khi Trung Quốc đưa ra bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) lên ủy ban của LHQ, Việt Nam và Malaysia đã đệ đơn phản đối. Indonesia, tuy không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng phản đối bản đồ của Trung Quốc trong năm ngoái.
Trong cả bốn thư ngoại giao đệ trình lên LHQ chống lại bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, chỉ có thư phản đối của Philippines khiến Bắc Kinh gửi công hàm đáp trả lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon.
-
Thái An