1.jpg.jpg
Nhóm tác giả thuộc Công ty CP Kasati vinh dự nhận Giải 3 Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009.

Thăng trầm Kasati

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Đắc Nghiêm, nguyên là Giám đốc Kasati cho biết: Ngay từ khi mới hình thành (năm 1976), Kasati đã gặp muôn vàn khó khăn vì ngành Bưu điện lúc đó phải tiếp quản mạng lưới thông tin của chế độ cũ để lại, với nhiệm vụ sửa chữa và lắp đặt các thiết bị viễn thông như tổng đài viba, sửa chữa, trùng tu và đại tu các phương tiện cơ giới vận chuyển cho các Bưu điện tỉnh, thành. Đặc biệt, trong giai đoạn 1985-1989, cơ sở hạ tầng còn yếu kém nhưng bằng quyết tâm và ý chí tự lực tự cường, công ty đã nghiên cứu và hoàn thành chương trình bán dẫn hoá thiết bị viba Jerrold (ngoại trừ đèn Klystron), đồng thời chủ trì lắp đặt và duy trì thông tin liên lạc cho toàn bộ mạng Viba Đồng bằng Nam Bộ (từ Rạch Giá đến Vũng Tàu). Trong giai đoạn này, công ty cũng tự thiết kế và sản xuất bộ khuyếch đại anten (TV-Booter) độc chiếm thị trường. Sản phẩm ra đời kịp lúc đã đem lại công ăn việc làm cho CBCNV và cũng chính sản phẩm này góp phần không nhỏ trong việc “vực dậy” sức sống của công ty và tạo tiền đề cho sự ra đời của thương hiệu Kasati.

Thời kỳ thịnh vượng của Kasati là vào những năm 1990-2002. Khi đó Kasati được Tổng cục Bưu điện giao nhiệm vụ chủ trì chương trình hợp tác sản xuất và cung cấp 2.000 thiết bị viba số RMD-1504 của hãng AWA (Australia) và đã thay thế thành công tuyến thông tin đường trục trần Bắc-Nam, sau đó cung cấp cho tất cả BĐ tỉnh, thành xây dựng các mạng viba tỉnh, huyện và ngoại vi thành phố. Đây là giai đoạn Kasati tự hào là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng số hoá ngành BCVT Việt Nam.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang công ty cổ phần năm 2003, Kasati bị thiếu vốn hoạt động, trong khi áp lực cạnh tranh rất lớn, đội ngũ chưa quen với phong cách làm việc theo cơ chế mới. Đặc biệt, từ năm 2005-2009, công ty chịu nhiều áp lực lớn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường về chất lượng, giá sản phẩm và dịch vụ.

Vươn lên tầm cao mới

Trước những khó khăn đó, Ban lãnh đạo cùng CBCNV công ty đã nhanh chóng ý thức được việc phải chọn lựa giữa cơ hội và thách thức, giữa sự tồn tại để phát triển và sự thụt lùi và do đó đã đoàn kết cùng nhau tìm những giải pháp đổi mới trong quản lý, điều hành nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận. Sau đợt tăng vốn năm 2007, hiện tại tổng vốn chủ sở hữu của công ty là 52,90 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 29,96 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.

Năm 2009, Kasati có doanh thu đạt 95,25 tỷ đồng, tăng 10,77% so với năm 2008, lợi nhuận sau thuế đạt 7,4 tỷ đồng, tăng 25,09% so với năm 2008, cổ tức 1.400 đồng/cổ phần. Đặc biệt, tháng 11/2009, sản phẩm “Hệ thống giám sát và điều khiển Trạm viễn thông không người trực PACC NetSys Version 1.1” của công ty đã đoạt Giải 3 giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Với giải pháp này, ước tính chi phí tiết kiệm nhân công trực là gần 100 triệu đồng/trạm/năm. Ngoài ra, công ty đã cung cấp thiết bị điều khiển máy lạnh ACC cho Viễn thông các tỉnh để sử dụng cho các nhà trạm thông tin di động, bình quân cung cấp từ 300-600 sản phẩm/năm, góp phần tăng doanh thu trong giai đoạn này gần 1,7 lần.

Bà Lương Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT Kasati cho biết, công ty đang tích cực phấn đấu để năm 2010 đạt kế hoạch doanh thu 115 tỷ đồng, tăng 20,72%, lợi nhuận trước thuế đạt 10,26 tỷ đồng, tăng 12,75% so với năm 2009, cổ tức giữ mức 1.400 đồng/cổ phần. Mới đây, Kasati đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận được phép niêm yết CP trên HNX. Công ty dự kiến sẽ niêm yết trong quý 4/2010. Hiện công ty đang lập dự án xây dựng cao ốc phục vụ cho định hướng thành lập Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật cao trong 3 lĩnh vực Viễn thông – Tin học và Điện tử. Dự án này sẽ được xây dựng trên đường Thành Thái, Quận 10, TP.HCM trên tổng diện tích đất 16.500 m2. Đây được coi là một trong những định hướng quan trọng nhằm giúp Kasati có thể giữ vững và phát huy thương hiệu của mình.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 123 ra ngày 13/10/2010.