Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số được Văn phòng Chính phủ gửi tới 3 Bộ: Tài chính, TT&TT và Tư pháp ngày 6/7/2017.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT và cơ quan liên quan căn cứ pháp luật phí và lệ phí, pháp luật về giao dịch điện tử, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 305) cho phù hợp.

Trước đó, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ gửi 2 Bộ Tài chính, Tư pháp ngày 2/6/2017, các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư 305 ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.

Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ hồi trung tuần tháng 4/2017, các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (gọi chung là doanh nghiệp CA) gồm VNPT-CA, BKAV-CA, CA2, VIETTEL-CA, SmartSign, FPT-CA đã đề nghị xem xét lại nội dung Thông tư 305 cho phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS.

Các doanh nghiệp CA cho rằng Thông tư 305 của Bộ Tài chính có nhiều nội dung không phù hợp dẫn tới việc các CA gặp rất nhiều vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư này.

Cụ thể, về đối tượng nộp phí, đơn kiến nghị của các CA nêu, Điều 2 Thông tư 305 quy định: “Người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật”. Theo quy định của Luật phí và Lệ phí, người sử dụng dịch vụ là người trả phí, do vậy đối với dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cung cấp, mỗi nhà cung cấp dịch vụ CA chỉ sử dụng một chứng thư số duy nhất do NEAC cấp. Tuy nhiên, Thông tư 305 hiện đang quy định các CA phải nộp phí cho tất cả các chứng thư số cấp thuê bao, điều này không đúng theo quy định của Luật phí và Lệ phí.

Đối với cách thu phí, các CA phản ánh, Điều 4 Thông tư 305 quy định “mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/chữ ký số/tháng”. Như vậy, cách tính thu phí là theo chữ ký số. Tuy nhiên, “Chữ ký số” và “Chứng thư số” là 2 khái niệm rất cơ bản khác nhau được định nghĩa rõ ràng tại Điều 3 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Cũng theo lý giải của các CA, trong thực tế, các thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số khi đã được doanh nghiệp CA cung cấp dịch vụ được quyền tạo ra một số lượng lớn các chữ ký số. Số lượng chữ ký số được tạo ra từ một chứng thư số đã cấp và đang hiệu lực không bị giới hạn trong thời hạn hợp đồng do CA cung cấp cho thuê bao và không chịu sự kiểm đếm của doanh nghiệp CA.

“Vì vậy, Điều 4 Thông tư 305 xác định mức phí căn cứ trên cơ sở kiểm soát, đối chiếu số lượng chữ ký số/tháng mà các thuê bao đã tạo ra là không có tính thực tiễn để thực hiện. Việc thông tư quy định cách tính phí dựa trên chữ ký số là sai về khái niệm cũng như không khả thi về việc thống kê, xác nhận số liệu”, các CA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong đơn kiến nghị nêu trên, các doanh nghiệp CA cũng trình bày vướng mắc trong việc tổ chức thu phí. Cụ thể, Điều 7 Thông tư 305 quy định “Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Đối với chữ ký số mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trước ngày 1/1/2017, thực hiện nộp phí từ quý 3/2017”.

Các CA cho rằng quy định này của Thông tư 305 gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản không quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý, đồng thời văn bản không được quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn, do vậy nội dung quy định tại điều này là không đúng theo quy định của pháp luật.

“Trong thực tế, các hợp đồng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã ký trước ngày 01/01/2017 của tất cả các doanh nghiệp CA đều được tính cước trọn gói theo thời hạn hợp đồng. Các thuê bao thanh toán cho doanh nghiệp CA tổng giá cước dịch vụ một lần vào đầu kỳ, không tính dựa trên số lượng chữ ký số. Doanh thu từ dịch vụ này đều được doanh nghiệp CA hạch toán - quyết toán, phân bổ chi phí và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước trong năm phát sinh doanh thu. Thực hiện theo Điều 7 Thông tư 305 áp dụng đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 1/1/2017 này, các doanh nghiệp CA sẽ không biết lấy khoản chi này ở đâu đâu và nếu nộp cũng sẽ không được cơ quan Thuế chấp nhận chi phí này trong các báo cáo tài chính và chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế phạt”, các doanh nghiệp CA cho hay.